Ám ảnh những cái chết do bẫy điện diệt chuột

18/04/2021 14:03

Thời gian qua, nông dân ở nhiều nơi sử dụng bẫy chuột bằng điện để ngăn chuột phá hoại cây trồng, gây ra những hậu quả đáng tiếc.


Hiện trường nơi xảy ra vụ điện giật làm bà L. tử vong

Thương tâm

Mặc dù sự việc diễn ra cách đây gần 2 tháng nhưng mỗi khi nhắc lại người dân thôn 3, xã Vạn Phúc (Ninh Giang) vẫn sợ hãi trước cái chết của bà N.T.L. (64 tuổi) do bẫy diệt chuột bằng điện. Bản thân người đặt bẫy gây ra vụ việc đau lòng trên cũng đang rất hối hận vì việc làm của mình.

Khoảng 10 giờ ngày 26.2.2021, bà Trần Thị Nhất, người cùng thôn với bà L. đi làm đồng ngang qua khu ruộng nhà ông Trần Văn Mạnh ở cánh đồng Mũa thì thấy bà L. nằm chết tại mép bờ ruộng nhà ông Mạnh. Kết quả điều tra cho thấy ngày 16.2, ông Mạnh mua 500 g dây thép loại 1 mm dùng để chăng xung quanh ruộng làm bẫy diệt chuột bằng điện. 3 ngày sau, ông Mạnh cắm cọc tre, chăng dây thép quanh ruộng nhà mình rồi dùng nguồn điện lưới 220 V từ ổ cắm trong lều trông ao cá của gia đình đấu nối vào.

Ngày 23.2, bà L. nhờ ông Mạnh dùng điện để diệt chuột cho phần ruộng nhà mình ở bên cạnh. Ông Mạnh đồng ý và chăng thêm dây thép sang phần ruộng nhà bà L. Khoảng 18 giờ 30 ngày 25.2, ông Mạnh đấu điện lưới vào hệ thống dây thép đã chăng. Đến 21 giờ cùng ngày, ông Mạnh từ lều về nhà ngủ nhưng quên không rút ổ cắm điện nên đã làm bà L. bị điện giật tử vong. Sau cái chết của bà L., ông Mạnh cùng con trai thu dây thép, cọc tre ở ruộng.

Sau khi làm rõ hành vi vi phạm pháp luật trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Mạnh.

Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng, các hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền người dân không sử dụng bẫy diệt chuột bằng điện nhưng không ít người dân vẫn sử dụng. Việc này không chỉ gây ra vụ việc thương tâm ở xã Vạn Phúc. Trong năm 2020, theo tổng hợp của Công an tỉnh, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ bị điện giật từ bẫy diệt chuột làm 1 người tử vong, 1 người bị thương nặng.

Vụ việc khác xảy ra vào khoảng 18 giờ 30 ngày 18.4.2020, bà Nguyễn Thị O. (sinh năm 1963) và bà Vũ Thị T. (sinh năm 1964) đều trú tại thôn Cao Lý, xã Gia Khánh (Gia Lộc) giăng bẫy diệt chuột bằng điện tại các ruộng nhà mình. Khoảng 30 phút sau, bà T. phát hiện bà O. nằm bất tỉnh tại ruộng của nhà bà O. Tuy được đưa đi cấp cứu nhưng bà O. đã tử vong trước khi đến bệnh viện. Sau vụ việc này 1 ngày, khoảng 20 giờ 30, tại khu vực cánh đồng Chiều Đê, thôn Đỗ Xá, xã Ứng Hòe (Ninh Giang), anh Nguyễn Văn Khiêm (sinh năm 1979) và Nguyễn Văn Sáng (sinh năm 1976) chăng dây điện ở ruộng lúa và sử dụng kích điện bẫy diệt chuột khiến anh N.V.P. (sinh năm 1979) ở cùng thôn đi mò cua bị dính vào bẫy điện. Rất may anh P. chỉ bị thương ở hai chân.

Thiếu hiểu biết

Việc người dân sử dụng bẫy diệt chuột bằng điện xuất hiện nhiều ở các huyện Gia Lộc, Ninh Giang. Người dân thường dùng kích điện hoặc lấy trực tiếp từ nguồn điện lưới. Nhiều bộ kích điện công suất cao có thể kích lên tới gần 2.000 V. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với người sử dụng cũng như người dân không may đi ngang qua va phải dây điện.  

Ông Đặng Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Khánh cho biết: "Từ hậu quả đau lòng xảy ra năm ngoái, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân diệt chuột thủ công hoặc bẫy diệt chuột bằng thuốc sinh học, cấm sử dụng điện. UBND xã yêu cầu Công an xã thường xuyên tổ chức tuần tra, nhắc nhở người dân chấp hành, nếu sử dụng bẫy bằng điện cần thu hồi ngay. Từ đó, người dân đã cơ bản nhận thức được những nguy hiểm, hậu quả nặng nề nên từ bỏ cách diệt chuột này".

Do còn thiếu hiểu biết, không ít người dân nghĩ rằng việc dùng điện để diệt chuột khi xảy ra rủi ro chỉ cần giải quyết tình cảm, đền bù là xong, nhưng không biết hành vi này vi phạm pháp luật. Tại điểm đ, khoản 4, điều 15, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17.10.2013 của Chính phủ quy định phạt từ 20 - 30 triệu đồng khi sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trái quy định của pháp luật. Trường hợp xảy ra điện giật dẫn đến thương tích hoặc chết người, người sử dụng điện bẫy chuột còn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Để không còn xảy ra những sự việc đau lòng, thời gian tới, các cấp, ngành, đoàn thể cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu được tác hại, hậu quả, trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi sử dụng điện bẫy chuột; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, cần tăng cường hướng dẫn, cung cấp cho bà con nông dân những cách bẫy, diệt chuột hiệu quả, an toàn. 

DANH TRUNG - VĂN TÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ám ảnh những cái chết do bẫy điện diệt chuột