Nhiều trẻ chạy theo lối sống buông thả, quan hệ tình dục trước hôn nhân khi chưa có hiểu biết đầy đủ về chăm sóc sức khỏe sinh sản...
Mỗi ngày, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh có từ 2-3 người vị thành niên đến phá thai
Nữ sinh đeo cặp đi... phá thaiBác sĩ Phạm Thị Tú Anh, Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe bà mẹ- KHHGĐ (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh) không thể quên hình ảnh nữ sinh M (lớp 11 của một trường THPT ở TP Hải Dương) đi cùng bạn trai cùng lớp đến trung tâm vào một buổi sáng. Hai học sinh ấy vừa tan học, vai vẫn đeo cặp sách đi thẳng đến trung tâm đề nghị được phá thai 7 tuần tuổi. Đây là lần thứ hai M phá thai, lần đầu tiên mới cách đây vài tháng, thai nhi cũng tầm tuổi đó. Sau khi phá thai xong, hai bạn ở lại trung tâm và buổi chiều lại tiếp tục chở nhau đi học.
Trường hợp của nữ sinh V cũng để lại ấn tượng đau lòng đối với các y, bác sĩ của Khoa Chăm sóc bà mẹ - KHHGĐ. V và bạn trai đều là học sinh cuối cấp 3, bạn trai đang chuẩn bị đi du học thì V thông báo đã có thai và muốn hai người kết hôn. Ngày hai học sinh này đến trung tâm, V vẫn khóc lóc, van xin người yêu giữ lại thai, không cho người yêu đi du học. Bạn trai nhất quyết đề nghị bác sĩ chẩn đoán thai nhi dị tật hoặc làm gì đó để khuyên bảo bạn gái từ bỏ thai. Sau khi được bác sĩ tư vấn, hai người đã đưa nhau về nhưng ngay hôm sau lại đưa nhau đến để bỏ cái thai.
Theo các y, bác sĩ của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, chuyện học sinh vẫn mặc nguyên đồng phục trường học, vai đeo cặp sách đến phá thai khá phổ biến. Hầu hết những nữ sinh này đi cùng bạn và tỏ ra nhút nhát, ngại ngùng. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp nữ sinh đi cùng bố mẹ, điển hình như trường hợp nữ sinh T.H (học năm thứ 2 của một trường đại học tại Hà Nội) đã có thai 13 tuần tuổi. Khi đến trung tâm, trong phòng tư vấn, T.H không ngừng khóc lóc, cầu xin bố mẹ cho giữ lại thai. T.H có người yêu quê ở Nghệ An nhưng làm nghề tự do tại Hà Nội, hai người đã từng đưa nhau đi phá thai 1 lần. Lần này, T.H khẳng định với bố mẹ rằng hai người quyết định sẽ kết hôn và muốn giữ lại thai. Nhưng bố mẹ của T.H không đồng ý cho con gái lấy anh chàng kia và kiên quyết đề nghị bác sĩ làm mọi cách để phá thai cho con gái. Bác sĩ Phạm Thị Tú Anh cho biết: "Những trường hợp gia đình và người mang thai không đồng thuận như trên thường hay gây áp lực cho các y, bác sĩ. Tuy nhiên, càng những trường hợp như vậy, các bác sĩ phải kiên quyết làm đúng chuyên môn, đặc biệt chú trọng tư vấn rõ ràng những khó khăn của quá trình mang thai, nuôi con... để gia đình thống nhất đưa ra quyết định đúng đắn nhất".
Tư vấn cho phụ nữ mang thai tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh
Thờ ơ với hậu quảTheo các bác sĩ tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, ngày càng nhiều người vị thành niên phá thai. Năm 2011, tại trung tâm có 35 trẻ vị thành niên đến phá thai và 6 tháng đầu năm nay có 13 trường hợp. Tuy nhiên, các bác sĩ ở đây cũng cho biết, con số trên thực tế còn nhiều hơn nữa. Bởi vì hiện nay, nhiều trường hợp nữ sinh đến các phòng khám tư để phá thai "chui" nên số liệu không được báo cáo đầy đủ.
Nguyên nhân đầu tiên là do sự thiếu hiểu biết về các biện pháp tránh thai. Hầu hết trẻ vị thành niên mới chỉ biết đến và lạm dụng viên thuốc tránh thai khẩn cấp. Nhiều trẻ chạy theo lối sống buông thả, quan hệ tình dục trước hôn nhân khi chưa có hiểu biết đầy đủ về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Điều đáng báo động là hầu hết nữ sinh sau phá thai không quan tâm đến sức khỏe của bản thân nên dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc sau này. Bác sĩ Phạm Thị Tú Anh cho biết thêm, hầu hết trẻ vị thành niên sau khi phá thai xong không đi khám lại để xác định tình trạng sức khỏe sinh sản. Nhiều trẻ vị thành niên còn phá thai 2- 3 lần. Hơn nữa, họ phá thai trong tình trạng giấu giếm nên hầu như không thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ như uống thuốc, nghỉ ngơi nên dễ dẫn đến khả năng bị nhiễm trùng, để lại nhiều dư chấn về tinh thần sau này. Ở lứa tuổi vị thành niên, việc phá thai làm tăng nguy cơ vô sinh ở tuổi trưởng thành. Phá thai "chui" lại càng có nguy cơ cao hơn so với ở các trung tâm chuyên khoa và bệnh viện. Đặc biệt, đối với tuổi vị thành niên, nhiều trẻ cơ thể phát triển chưa toàn diện, việc có thai sớm dễ dẫn đến sảy thai, đẻ non. Nếu để đẻ thì việc nuôi con cũng khó khăn hơn, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng.
Tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên thực sự là vấn đề "nhức nhối" trong xã hội hiện nay. Để hạn chế tình trạng trên, điều cần thiết nhất là phải nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, quan hệ tình dục trước hôn nhân cho trẻ ở tuổi vị thành niên. Gia đình và nhà trường cần quan tâm giáo dục giới tính cho lứa tuổi này, giúp các em hiểu đúng và đầy đủ để bảo vệ sức khỏe bản thân.
NGUYỄN THẢO