Viêm màng não do nhiễm khuẩn não mô cầu là một trong số những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khiến người mắc tử vong chỉ trong 24 giờ.
Bé gái 4 tuổi (quê Tiền Giang) được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) với biểu hiện phát ban da, sốt. Sau 4 giờ theo dõi, bé rơi vào tình trạng sốc.
Ê-kíp cấp cứu nỗ lực hồi sức cho bé bằng nhiều biện pháp nhưng sau 2 giờ cầm cự, trẻ tử vong. Kết quả xét nghiệm vi sinh cho thấy bệnh nhi nhiễm não mô cầu.
Câu chuyện xảy ra từ năm 2019 đến nay vẫn khiến TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, ám ảnh bởi căn bệnh diễn tiến nhanh ngoài sức tưởng tượng.
"Có vài ca mới sáng khỏe mạnh, đến tối đã tử vong"
Cách đây không lâu, một bé trai 4,5 tháng tuổi (ngụ tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) cũng được đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, do sốt cao sau gần nửa ngày không giảm. Sau 2-3 giờ nhập viện, bé bắt đầu sốc, các xuất huyết lan nhanh.
"May mắn chúng tôi cứu được em bé nhờ cho trẻ thở máy, kháng sinh liên tục, đến ngày thứ 5 thì tạm ổn. Nhưng ngày thứ 8, bé buộc phải đoạn chi do hoại tử sâu", bác sĩ Nghĩa buồn bã kể.
Một bệnh nhi được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1
Tình huống buổi sáng trẻ nhập viện khỏe mạnh, không dấu hiệu nặng nhưng đến chiều thì sốc, tối tử vong không còn là câu chuyện hiếm gặp với bác sĩ khoa truyền nhiễm. Đặc biệt với trẻ mắc bệnh cảnh viêm màng não do khuẩn não mô cầu.
"Bé trai bị đoạn chi từ khớp gối, một số ngón ở tay. Khó khăn nhất mà chúng tôi không dám đối mặt chính là ánh mắt của người mẹ trước quyết định buộc phải đoạn chi cho con", bác sĩ Nghĩa nói thêm.
Đoạn chi chỉ là một trong số rất nhiều biến chứng do não mô cầu gây ra. Bệnh nhân nếu may mắn giữ được mạng sống, vẫn đối mặt biến chứng bại não, tổn thương gan, suy thận cấp.
Viêm màng não do khuẩn não mô cầu nằm trong nhóm 26 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được giám sát tại Việt Nam. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch.
Theo TS Nguyễn An Nghĩa, số ca được xác định chính xác nhiễm não mô cầu không cao, trung bình 2-4 ca/năm qua xét nghiệm vi sinh. Mặc dù vậy, bệnh vẫn gây tổn thất nặng nề.
Vì sao bệnh do nhiễm não mô cầu nguy hiểm?
TS.BS Nguyễn An Nghĩa phân tích một trong những đặc điểm quan trọng của bệnh nhiễm não mô cầu là diễn tiến nhanh, trẻ tử vong trong 24 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời.
"Điều lo ngại là trong những giờ đầu phát bệnh, triệu chứng rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn nên người chăm sóc trẻ thường khó phát hiện. Đến khi nhập viện, tình hình đã quá muộn", ông nói.
Trong 8 giờ đầu nhiễm bệnh, trẻ có biểu hiện sốt, cáu gắt, buồn nôn hoặc nôn, buồn ngủ, chán ăn, sổ mũi, đau nhức khắp người. Việc nhận diện bệnh trong giai đoạn này rất khó khăn vì dấu hiệu mơ hồ.
8-15 giờ sau, trẻ phát ban nhiều hơn, xuất huyết, cứng cổ và sợ ánh sáng. Sau 16-24 giờ, trẻ hôn mê hoặc mê sảng, co giật, mất ý thức và có thể tử vong.
TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, kiêm giảng viên bộ môn Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh
Theo bác sĩ Nghĩa, thời gian trung bình một ca nhiễm não mô cầu được đưa đến bệnh viện là 19 giờ sau khởi phát. Càng nhập viện muộn, tiên lượng cứu sống càng mong manh và dễ gặp nhiều di chứng nặng nề.
Trường hợp có nguy cơ nhiễm não mô cầu
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trẻ em dưới 5 tuổi và thanh thiếu niên là nhóm dễ mắc bệnh do vi khuẩn N. meningitidis (vi khuẩn não mô cầu) xâm lấn cao nhất, với khoảng 1,2 triệu ca xảy ra trên toàn thế giới mỗi năm.
Đáng chú ý, thanh thiếu niên là nhóm người lành mang trùng (người mang virus không hoạt động), chiếm tỷ lệ 23,7%.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngay cả khi được chẩn đoán và điều trị đầy đủ, bệnh do nhiễm não mô cầu vẫn có tỷ lệ tử vong trung bình khoảng 10%, thậm chí 50%, thường xảy ra trong vòng 24-48 giờ, cao hơn rất nhiều so với nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
PGS.TS Cao Hữu Nghĩa, giảng viên Vi sinh và An toàn tiêm chủng, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh vaccine là giải pháp quan trọng để phòng ngừa nhiễm khuẩn não mô cầu.
"Đừng để những bài học đau lòng từ Covid-19 lập lại vì trì hoãn tiêm chủng. Bệnh nhiễm não mô cầu tuy hiếm nhưng diễn biến nhanh và gánh nặng là những di chứng nặng nề", PGS Nghĩa nói.
Lịch tiêm vaccine ngừa não mô cầu cho thanh thiếu niên: - Vaccine não mô cầu gồm 2 thành phần nhóm huyết thanh B và C: Tiêm 2 liều, khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều là 6-8 tuần. Vaccine não mô cầu tứ giá cộng hợp 4 nhóm huyết thanh A, C, W-135 và Y: Tiêm một liều (cho thanh thiếu niên); người trưởng thành (15-55 tuổi) có thể tiêm liều nhắc lại cách liều trước đó ít nhất 4 năm. |
Theo Zing