Người dân Kinh Môn không nhưng phải hứng chịu bụi từ công trường khai thác đá, khói thải từ các nhà máy ô nhiễm mà còn bị ám ảnh bởi bụi than...
Đa số các cơ sở kinh doanh than ở huyện Kinh Môn chưa có cam kết bảo vệ môi trường. Trong ảnh:
Một điểm kinh doanh than gần cầu Đá Vách ở thị trấn Minh Tân không có bạt che phủ than
Từ nhiều năm qua, người dân ở nhiều xã, thị trấn của huyện Kinh Môn không những phải "sống chung" với bụi xi măng, bụi từ công trường khai thác đá, khói thải từ các nhà máy ô nhiễm mà còn bị ám ảnh bởi bụi than. Ở đâu gần những bến bãi, điểm kinh doanh than, ở đó môi trường không còn trong lành.
“Đường than”"Cứ tầm 4-5 giờ chiều và 4-5 giờ sáng, xe tải chạy ầm ầm, tôi nằm trên giường thấy nền nhà cứ rung lên. Nhà có cháu nhỏ cứ phải nhốt suốt ngày trong nhà, thả ra một chút là nhọ nhem hết". |
|
Vừa qua cầu Phú Thái, đi vào địa phận xã Long Xuyên (Kinh Môn), chúng tôi đã thấy nhiều bãi than đen ngòm nằm san sát ven sông Kinh Môn, tàu thủy, xe tải tấp nập ra vào. Trong bãi than, máy xúc, máy sàng than hoạt động như chạy đua với thời gian. Mỗi cơn gió mạnh lại cuốn bụi than đen ngòm phát tán ra môi trường xung quanh. Khu vực bến phà cũ ở chân cầu Phú Thái là nơi tập trung nhiều bến bãi kinh doanh than. Con đường dài khoảng 500 m từ đường tỉnh 388 vào các bãi than đen kịt vì bụi than trộn lẫn với cát. Đường gồ ghề, đầy "ổ gà", mỗi khi có xe tải hạng nặng chạy qua lại cuốn bụi bay mịt mù. Hầu hết những người đi vào con đường này đều phải bịt khẩu trang. Một số công nhân dùng vòi phun nước cho đỡ bụi nhưng chỉ được một lát rồi đâu lại vào đấy. Cỏ, cây ven đường nhuộm đen một màu bụi than.
Rời khu vực cầu Phú Thái, chúng tôi đi tiếp đến khu vực cầu Hiệp Thượng. Mật độ ở bãi than ven sông tại khu vực này còn nhiều hơn cả khu vực cầu Phú Thái. Hai bờ sông gần cầu Hiệp Thượng có hàng chục bãi than. Đa số những bãi than này không phủ bạt nên khi trời mưa nước rỉ than sẽ thoát ra sông Kinh Thầy, gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi rẽ vào con đường từ chân cầu Hiệp Thượng tới một số bãi than ở thôn Trại Mới, xã Hiệp An. Con đường gần 1 km này phải gọi là "đường than" thì đúng hơn vì mặt đường đen ngòm. Bụi than dày đặc trên mặt đường, bám vào cây cối còi cọc ven đường. Nhiều ngôi nhà ven đường gần như "cửa đóng then cài" suốt ngày để tránh bụi. Xe tải hạng nặng chạy rầm rập suốt ngày đêm qua con đường này, phá nát mặt đường. Khu đất ông Nguyễn Văn Xá ở thôn Trại Mới đang sản xuất nằm sát một bãi than. Gặp chúng tôi, ông Xá nhăn mặt kể, khi khu này chưa có bãi than, không khí rất trong lành. Từ khi các bãi than xuất hiện ở đây, môi trường bị ô nhiễm. Xe tải chở than chạy ầm ầm suốt ngày đêm, bụi vào đầy nhà. Ban đêm xe chạy không nghỉ, ngôi nhà liên tục bị rung động. Cây cối trong vườn bám đầy bụi than nên chậm phát triển, giảm năng suất. "Mỗi lần đi làm vườn về, quần áo tôi lấm lem như công nhân làm than. Trời mưa, nước than chảy lênh láng vào khu vườn trồng nhãn làm ô nhiễm đất, chảy cả xuống ao nuôi cá. Con mương lấy nước từ sông vào vườn nhà tôi cũng bị nước than làm ô nhiễm. Khi họp thôn, tôi cũng đã có ý kiến về vấn đề này nhưng đến nay chưa được giải quyết. Nếu tình trạng này còn kéo dài tôi lo sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng", ông Xá bức xúc nói.
Để minh chứng cho lời mình nói, ông Xá dẫn tôi vào trong nhà. Dù nền nhà mới vừa quét xong nhưng nhiều chỗ vẫn còn màu đen của than. Tôi quệt nhẹ tay vào ti vi thì thấy một lớp bụi than bám vào đầu ngón tay. Các đồ đạc khác trong nhà cũng bị bao phủ bởi một lớp bụi than như vậy. Khu vườn trồng nhãn của nhà ông Xá nằm liền kề với bãi than. Đất trong vườn có màu đen vì nước than chảy vào đây khi trời mưa. Chủ bãi than này đã làm một đoạn mương dẫn nước nhưng chỉ làm nửa vời. Vì thế, khi trời mưa to, nước không thoát được, tràn vào vườn nhà ông Xá. Theo ông Xá, các bãi than này chủ yếu làm nhiệm vụ trung chuyển. Than từ nơi khác chuyển về đây, được sàng tuyển, chọn lọc, phân loại, sau đó lại chuyển đi nơi khác.
Nước than tràn vào vườn nhãn của ông Nguyễn Văn Xá ở thôn Trại Mới, xã Hiệp An
Ông Xá dẫn chúng tôi đến nhà anh Hoàng Văn Hậu ở gần đó. Sân nhà anh Hậu đen nhẻm vì bụi than. Ở đầu cổng, anh Hậu xây một trụ bê tông để đề phòng xe tải chở than đâm vào cổng. Dù làm vậy song xe tải chở than đã một số lần húc đổ chiếc cổng này. Hiện giờ, trụ cổng vẫn bị nứt, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Ở khu vực này, không chỉ có nhà ông Xá, anh Hậu phải "sống chung" với bụi than mà có gần chục gia đình ở thôn Trại Mới phải cam chịu sống trong ô nhiễm từ lâu.
Thiếu cam kết bảo vệ môi trườngCác điểm kinh doanh than ở Kinh Môn tập trung nhiều ở ven sông, nhất là khu vực bãi sông ở gần những cây cầu lớn để thuận tiện vận chuyển. Khu vực bãi sông gần cầu Đá Vách thuộc thị trấn Minh Tân là nơi có nhiều bãi than lớn. Còn nhớ vào năm 2014, hoạt động kinh doanh than trái phép ở thị trấn Minh Tân và xã Tân Dân diễn biến rất phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, khiến người dân địa phương bức xúc. Thời điểm đó, trước kiến nghị của người dân, các cơ quan chức năng đã tích cực giải quyết nên nạn kinh doanh trái phép cơ bản được xử lý. Hiện nay, nhiều bãi kinh doanh than trái phép ở Minh Tân, Tân Dân bỏ không hoặc chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng. Tuy vậy, những bãi than đang hoạt động vẫn còn gây ô nhiễm môi trường.
Ông Trần Khắc Quyền, Chủ tịch UBND thị trấn Minh Tân cho biết: Thị trấn hiện có 3 điểm kinh doanh than lớn của Công ty TNHH Tiến Trung, Công ty TNHH Đức Dương và Công ty TNHH Tiến Hoàng. Việc kinh doanh than của Công ty TNHH Tiến Trung được tỉnh chấp thuận. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, Công ty TNHH Đức Dương và Công ty TNHH Tiến Hoàng chưa đủ điều kiện kinh doanh than. Hiện nay, 2 doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Ông Quyền thừa nhận việc bảo vệ môi trường của 2 doanh nghiệp trên "chưa triệt để".
Bà Trần Thị Nguyệt ở khu Hạ Chiểu (thị trấn Minh Tân) đã làm cổng kín, tường cao,
dùng bạt che nhưng bụi than vẫn bám đầy sân và nhà cửa
Công ty TNHH Tiến Hoàng có điểm kinh doanh than ven sông Đá Vách thuộc khu dân cư Hạ Chiểu (thị trấn Minh Tân). Năm ngoái, các xe chở than đi qua đường trục chính ở khu dân cư Hạ Chiểu gây ô nhiễm môi trường, làm hỏng đường nên người dân đã phản ứng gay gắt. Hiện nay, một số doanh nghiệp ở đây đã làm một con đường mới qua cánh đồng để tránh khu dân cư nên tình trạng ô nhiễm đã giảm nhiều. Tuy vậy, một số hộ dân sống gần con đường qua cánh đồng lại phải hứng chịu ô nhiễm từ các đoàn xe tải chở than qua đây. Nhà bà Trần Thị Nguyệt luôn phải kín cổng cao tường để hạn chế bụi than. Trước kia, nhà bà Nguyệt làm cổng bằng sắt nhưng từ ngày xe tải chở than chạy qua, bà Nguyệt phải gắn thêm tấm tôn đặc vào cổng để ngăn bụi. Trước hiên nhà, bà Nguyệt còn căng thêm một tấm bạt. Sân nhà nhọ nhem, lấm tấm bụi than đen sì. Trước khi mời khách ngồi xuống ghế, ông Vũ Văn Quang, chồng bà Nguyệt nhanh tay lấy giẻ lau bụi than bám đầy trên bàn ghế. Ông Quang than thở: "Đấy, bàn ghế tôi vừa mới lau buổi sáng, chỉ một lúc mà bụi than đã bám đầy mặc dù gần như suốt ngày phải đóng kín cửa. Cứ tầm 4-5 giờ chiều và 4-5 giờ sáng, xe tải chạy ầm ầm, tôi nằm trên giường thấy nền nhà cứ rung lên. Nhà có cháu nhỏ cứ phải nhốt suốt ngày trong nhà, thả ra một chút là nhọ nhem hết. Sống thế này khổ lắm. Cứ thế này thì người cũng sinh bệnh. Tôi đã đề nghị doanh nghiệp phải khắc phục tình trạng bụi gây ô nhiễm môi trường nhưng không thấy giải quyết gì. Tôi cũng đề đạt nguyện vọng lên thôn, xã nhưng cũng không ăn thua".
Theo ông Lê Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn, trên địa bàn huyện hiện có 25 điểm kinh doanh than, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Minh Tân, Phú Thứ và các xã Hiệp Sơn, Long Xuyên. Đa số điểm kinh doanh than thiếu cam kết, đánh giá tác động môi trường. Việc vận chuyển, sàng tuyển than còn gây ra tiếng ồn, bụi bặm, xe vận chuyển không che bạt làm rơi vãi than gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc. Trước đây, một số điểm kinh doanh than được UBND huyện chấp thuận đầu tư. Tuy nhiên theo Thông tư 14/2013/TT-BCT ngày 15-7-2013 của Bộ Công thương thì những hộ này không đủ điều kiện kinh doanh mà phải chuyển sang hình thức công ty mới đủ điều kiện.
Một ngày đi thực tế về môi trường ở các bãi than, quần áo tôi từ màu sáng chuyển thành màu tối vì bụi than. Mới một ngày mà tôi đã cảm thấy ngột ngạt khó chịu, còn người dân ở đây bao năm phải hít bụi than ô nhiễm thì sao?
NINH TUÂN
Theo Sở Công thương, qua kiểm tra 20 cơ sở kinh doanh than tại huyện Kinh Môn vào cuối tháng 6-2015, đoàn công tác liên ngành của tỉnh phát hiện 18 cơ sở chưa cung cấp được cam kết bảo vệ môi trường; 15 cơ sở chưa cung cấp được văn bản chứng minh quyền sử dụng mặt bằng, kho bãi hợp pháp; 12 cơ sở chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận địa điểm kinh doanh than; 9 cơ sở chưa cung cấp được hợp đồng mua bán để chứng minh nguồn gốc than. |