Ai theo ai?

02/01/2016 15:18

Hội nhập nên bắt đầu ngay từ việc làm thay đổi nhận thức của công dân, để mỗi người dân nhận thấy rõ hơn trách nhiệm của bản thân mình khi bước vào hội nhập.


Một trong các sự kiện nổi bật của năm 2015 sẽ tác động mạnh đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), cùng với việc Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chưa bao giờ khái niệm hội nhập lại được nhắc đến nhiều như hiện nay.

Nhưng hội nhập như thế nào, với nhiều người dân trong tỉnh vẫn còn là chuyện xa vời. Chỉ riêng việc xây dựng, hình thành tác phong, ý thức công dân quốc tế cho phù hợp với yêu cầu hội nhập thôi cũng đủ thấy còn lắm chuyện phải bàn.

Người Việt Nam có câu “nhập gia tùy tục” - ý là anh đến nhà ai thì phải theo phong tục, tập quán nhà ấy. Mình hội nhập, mở cửa đón doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, đương nhiên doanh nghiệp phải chấp hành quy định pháp luật của nước mình. Lẽ dĩ nhiên, muốn làm ăn lâu dài, họ cũng phải tìm hiểu phong tục, tập quán của mình để dễ bề xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp. Cũng như mình sẽ phải tìm hiểu quy định pháp luật, phong tục của nước ngoài nếu muốn đến nước đó làm ăn, sinh sống. Nhưng nếu sự thay đổi chỉ dành cho người đến và người đi như vậy, e là chưa đủ để hội nhập.

Ở tầm vĩ mô, có thể thấy một loạt các cơ chế, chính sách pháp luật của ta đang phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với luật pháp quốc tế, với các hiệp định, hiệp ước song phương, đa phương mà chúng ta tham gia. Như thế, câu chuyện anh đến với tôi, anh phải theo tôi đã không còn đơn giản như trước, mà mỗi bên trong quá trình hội nhập đều phải có sự điều chỉnh để thích ứng với những cam kết, quy định chung đã ký.

Còn ở tầm vi mô, mỗi người dân thời hội nhập quốc tế hẳn không thể khư khư giữ tác phong, ý thức như hiện nay, nhất là với những thói quen xấu. Thử hình dung một chuyện đơn giản như văn hóa tham gia giao thông. Nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam luôn có cảm giác sợ phải ra đường vì cách đi đứng không tuân thủ pháp luật về giao thông đường bộ của nhiều người Việt. Phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi xe máy lên vỉa hè, chở quá số người quy định, bóp còi inh ỏi... luôn là nỗi ám ảnh với người đi đường. Rồi chuyện vứt rác, phóng uế bừa bãi, tác phong lề mề khi giải quyết thủ tục hành chính, “chặt chém” khách nước ngoài khi cung cấp các dịch vụ; không tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chăn nuôi... Những vấn đề tưởng chừng "vặt vãnh" đó đều ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh của tỉnh khi thu hút đầu tư.  Đó là chưa kể rào cản ngôn ngữ cũng khiến cho chúng ta gặp không ít khó khăn, dù cơ hội do hội nhập mang đến là rất lớn. Những năm gần đây, ngày càng nhiều người dân, gia đình đã quan tâm đầu tư cho con em học ngoại ngữ. Hàng loạt trung tâm ngoại ngữ của ta có, Tây có đua nhau mọc lên. Rồi học ngoại ngữ qua mạng, qua truyền hình... Lưng vốn ngoại ngữ của nhiều người vì thế cũng tăng lên. Tuy nhiên, số người "mù ngoại ngữ" hoặc "tái mù" vẫn chiếm số đông. Bởi nhiều cơ quan, đơn vị khi tuyển người chỉ kiểm tra trình độ ngoại ngữ qua chứng chỉ. Để "mua" chứng chỉ ngoại ngữ hiện cũng chẳng khó khăn gì...

Rõ ràng hội nhập không phải chuyện gì đó xa vời, chỉ liên quan đến các nhà quản lý hay doanh nghiệp, doanh nhân. Hội nhập nên bắt đầu ngay từ việc làm thay đổi nhận thức của công dân, để mỗi người dân nhận thấy rõ hơn trách nhiệm của bản thân mình khi bước vào hội nhập. Trách nhiệm ấy là xây dựng, rèn luyện tác phong của công dân thời hội nhập, là hình thành nếp sống văn minh, tạo môi trường thân thiện để thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Đó là ý thức tuân thủ pháp luật trong mọi lĩnh vực, là khả năng thích ứng, sự chủ động đón nhận thời cơ và đối phó với những khó khăn, thách thức do hội nhập mang lại. Đó còn có thể là cùng nhau “xóa mù ngoại ngữ”. Điều này càng quan trọng với những người muốn gia nhập thị trường lao động của các nước trong AEC...

HOÀI ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai theo ai?