Giới quan sát đánh giá, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kiểm soát cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên với đối thủ Joe Biden. Song, điều đó không có nghĩa ông đã thắng trận so găng này.
Ông Trump dùng chiến thuật "cướp diễn đàn"
Trước sự kiện, nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu của Tổng thống Trump trong trận so găng đầu tiên là kiểm soát và lấn lướt đối thủ. Chỉ trong vòng vài phút khai màn, khán giả đều thấy rõ ông Trump dường như định làm điều này bằng cách liên tục cướp lời ứng viên Dân chủ. Kênh CBS thống kê, ông Trump ngắt lời ông Biden tổng cộng 73 lần, chưa kể những lần nói át cả người dẫn chương trình.
Ông Trump (trái) và ông Biden có màn tranh luận nảy lửa sáng 30.9 (giờ Việt Nam). Ảnh: WFSB |
Theo biên tập viên chính trị Ben Riley-Smith của báo Telegraph, ông Trump rõ ràng đã quyết định tông giọng và nhịp độ của buổi tranh luận tối 29.9 theo giờ Mỹ (sáng 30.9 theo giờ Việt Nam), cố gắng gây rối và cắt ngắn phần trình bày của đối thủ. Một số nhà phân tích coi đây là thủ thuật nhằm giúp đương kim Tổng thống ngăn chặn đối thủ tấn công mình bằng các bằng chứng, lời lẽ thuyết phục cũng như tránh để kết quả điều hành đất nước của ông trong nhiệm kỳ 4 năm vừa qua bị đem ra phán xét, chỉ trích.
Song, việc đó đã tạo ra một loạt màn đối đáp hỗn loạn, kể cả việc cãi vã, xuyên tạc giữa hai ứng viên. Ông Trump đặt ra nghi vấn về trí thông minh của ông Biden, trong khi cựu Phó Tổng thống gọi đương kim lãnh đạo Nhà Trắng là "người hề", "người phân biệt chủng tộc" và "vị Tổng thống tồi tệ nhất mà nước Mỹ từng có".
Phẫn nộ vì liên tục bị đối thủ cướp lời ở phần tranh luận đầu tiên về Tòa án Tối cao, ông Biden quay về phía ông Trump và nói: "Ngài có thể dừng lời được không?". Theo BBC, hết lần này đến lần khác, ông Trump liên tục chen ngang, công kích ông Biden khiến ứng viên Dân chủ chỉ biết mỉm cười ngao ngán và lắc đầu.
Khi người điều phối tranh luận Chris Wallace thông báo chủ đề tiếp theo là virus corona và cả hai ứng viên sẽ có 2 phút rưỡi không bị chen ngang để trả lời câu hỏi, ông Biden đã nói: "Chúc may mắn với điều đó!".
Những diễn biến kịch tính buộc ông Wallace phải lên tiếng khẩn cầu cả ông Trump và ông Biden kiềm chế. Nhà báo kỳ cựu cũng liên tục phải yêu cầu Tổng thống tôn trọng phần trình bày của đối thủ suốt gần 2/3 thời gian của cuộc tranh luận. Ông Wallace cũng tranh cãi với Tổng thống về các dữ kiện thực tế mâu thuẫn với phát biểu của ông Trump và thẳng thắn nhận xét lãnh đạo Nhà Trắng đang nói chen ngang nhiều hơn đối thủ.
Chiêu đối phó mới của ông Biden
Khi chuyển sang tranh luận về virus corona, chủ đề luôn bị coi là "khó nhằn" đối với Tổng thống Trump do đông đảo dư luận Mỹ đánh giá ông đã làm không tốt công tác ứng phó với đại dịch như kết quả nhiều cuộc khảo sát gần đây, ông đã phải tìm mọi cách để biện hộ. Lãnh đạo Nhà Trắng khẳng định, ông đã làm nhiều cách để giữ cho số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ là hơn 200.000 người và rằng nếu ông Biden làm Tổng thống, mọi chuyện có thể tồi tệ hơn với số ca tử vong lên tới 2 triệu người.
Ông Biden phản ứng bằng cách hướng nhìn trực tiếp về ống kính máy quay và hỏi các khán giả liệu họ có thể tin tưởng ông Trump hay không.
Và khi ông Trump chuyển hướng công kích vào công việc làm ăn và quan hệ tài chính của Hunter Biden, con trai ông Biden, ứng viên Dân chủ đã thẳng thừng bác bỏ mọi cáo buộc đó. Trong khi ông Trump vẫn thao thao bất tuyệt, ông Biden một lần nữa hướng nhìn về phía ống kính máy quay truyền hình và nói bản thân không muốn đề cập đến gia đình. "Toàn bộ cuộc tranh luận này là về các bạn, người dân Mỹ", ông Biden tuyên bố trước máy quay.
Theo CNN, ứng viên Dân chủ đã áp dụng chiêu thức mới để đối phó với việc liên tục bị ông Trump cướp diễn đàn, làm gián đoạn phần trình bày của mình. Một số ý kiến bình luận coi đây là một giải pháp khôn ngoan, giúp ông Biden kết nối với hàng triệu khán giả đang theo dõi sự kiện qua màn ảnh nhỏ.
Kịch tính
Cây bút bình luận Anthony Zurcher của BBC cho rằng, trong một cuộc tranh luận chính trị như trên, cũng tương tự như với một cuộc chiến giành thức ăn, nhân vật chiến thắng là người ít phải che đậy nhất. Xét theo tiêu chí này, người đó có vẻ là Joe Biden, nếu mục tiêu chính của ông tại sự kiện là chứng minh cho công chúng Mỹ thấy, ông có thể đương đầu với áp lực và rằng ông không gặp rối rối gì vì tuổi tác. Cựu Phó Tổng thống đã phải chứng minh bản thân có thể chống đỡ được những đợt công kích dồn dập và giữ được sự bình tĩnh.
Thực tế, trong trận so găng đầu tiên trước tổng tuyển cử, ông Biden gần như đã đáp ứng được tiêu chí trên, mặc dù điều này có thể một phần vì ông Trump liên tục cướp lời, khiến ứng viên Dân chủ chẳng có mấy cơ hội để phát biểu thứ gì đó trọn vẹn, thực sự gây hại cho chính sách tranh cử của ông.
Một điểm sáng nữa trong phần thể hiện của ông Biden là ông nhấn mạnh đến mong muốn hàn gắn một nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc, cam kết sẽ trở thành Tổng thống tốt cho cả những người ủng hộ lẫn những người không ưa ông. Điều này hoàn toàn đối lập với Tổng thống Trump, người luôn cố khắc họa sự khác biệt về tỷ lệ tử vong vì Covid-19 giữa các bang ủng hộ Đảng Cộng hòa và các bang theo Đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, hai nhà phân tích Steve Peoples và Julie Pace lưu ý trên AP rằng, việc ông Biden khởi đầu tranh luận một cách chậm rãi, trình bày thận trọng và để đối thủ cầm chịch trong các chủ đề tranh luận khiến ông nhiều lúc có vẻ bị lu mờ trên sân khấu. Đối với những người chỉ nghe và không xem, ứng viên Dân chủ có nhiều khoảng thời gian dài giữ im lặng, không phát biểu gì trong khi lãnh đạo Nhà Trắng không ngừng bày tỏ quan điểm.
Phần tranh luận không mấy nổi bật cũng có thể ảnh hưởng đến cảm nhận của cử tri về ông Biden, đặc biệt là những người chưa quyết định đứng về phía ứng viên nào.
Để giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới, ông Biden hiện rất cần sự ủng hộ của các cử tri trẻ tuổi, những người Mỹ da màu và gốc Latin, những nhóm cử tri có tỉ lệ tham gia bỏ phiếu thấp và trong một số trường hợp không mấy ưa thích gương mặt đại diện Đảng Dân chủ. Đáng nói, ông Biden không có nhiều cơ hội để diễn giải tại sao các chương trình nghị sự của ông sẽ tác động đến cuộc sống của họ, một phần vì chiến thuật "cướp diễn đàn" của Tổng thống Trump.
Bất phân thắng bại
Ngược lại, cách tấn công dồn dập, tìm mọi cách chiếm sóng đã chứng tỏ hiệu quả khi giúp ông Trump có nhiều thời gian trình bày về những thành tựu của mình trên cương vị lãnh đạo Nhà Trắng. "Chỉ trong 47 tháng, tôi đã làm được nhiều việc hơn ông đã làm 47 năm", ông Trump nói với đối thủ.
Ông Trump cũng tự hào khoe rằng các cuộc mít tinh vận động tranh cử của mình thu hút đông người tham gia hơn so với các sự kiện tương tự của ông Biden. Ngoài ra, đương kim Tổng thống cũng không tỏ ra nao núng trước các câu hỏi về vấn đề đóng thuế, việc bổ nhiệm thẩm phán mới ở Tòa án Tối cao hay việc ông phản đối hình thức bỏ phiếu bầu qua thư tín.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, những khía cạnh khác biệt, khoa trương của ông Trump đã bộc lộ đầy đủ trong suốt 90 phút của cuộc tranh luận. Không may cho đương kim Tổng thống Mỹ, nhiều người dân nước này, thậm chí cả những người ủng hộ coi các nét tính cách phơi bày trên mạng xã hội là điểm kém hấp dẫn của ông.
Ông Trump được cho đã không thực sự cố gắng lấy lòng mọi người dân Mỹ, đặc biệt là những ai cực lực phản đối ông làm Tổng thống cũng như coi việc ông tái đắc cử nhiệm kỳ hai là mối đe dọa đối với các hệ thống dân chủ của Mỹ.
“Ông Trump đã mang bản chất hỗn loạn của nhiệm kỳ Tổng thống của mình lên sân khấu tranh luận. Ông ấy đáng lẽ cần hạ gục ông Biden trong trò chơi của mình, nhưng Tổng thống có thể chỉ gợi nhắc các cử tri độc lập về những lý do tại sao họ nên chống lại ông ấy", Alex Conant, một chiến lược gia của Đảng Cộng hòa bình luận.
Ông Trump cần cuộc tranh luận để ghi điểm trong chặng nước rút trước ngày tổng tuyển cử quốc gia 3.11, khi các cuộc thăm dò dư luận mới nhất đều cho thấy ông đang tạm thua kém đối thủ về tỷ lệ ủng hộ của cử tri. Dù có vẻ nắm quyền kiểm soát cả 90 phút tranh luận, nhưng hiện vẫn chưa rõ vị Tổng thống Cộng hòa này có thành công trong việc thuyết phục thêm các cử tri bỏ phiếu ủng hộ ông hay không, đặc biệt là những cử tri còn do dự và phụ nữ da trắng, có điều kiện học hành đầy đủ.
Một số nhà quan sát thống nhất rằng, những gì diễn ra trong cuộc tranh luận đầu tiên quá "hỗn loạn" và khó lòng làm thay đổi các động lực của cuộc đua vào Nhà Trắng hay làm thay đổi suy nghĩ của 10% cử tri Mỹ vẫn chưa chốt ứng viên họ ủng hộ. Kết quả thăm dò trong một vài ngày tới có thể xác thực nhận định này. Các cử tri có thể muốn chứng kiến hai trận so găng còn lại của hai ứng viên trong tháng 10 để đưa ra quyết định cuối cùng.
Theo Vietnamnet