Theo các nhà phân tích, cái chết của trùm khủng bố Osama Bin Laden không có nghĩa là dấu chấm hết đối với tổ chức Al-Qaeda. Vậy ai sẽ là người kế nhiệm chiếc ghế thủ lĩnh của Bin Laden?
Trùm khủng bố Bin Laden
Bin Laden từ lâu đã được coi là mục tiêu chính của giới cầm quyền Mỹ, là kẻ thù bị truy nã gắt gao nhất của FBI kể từ năm 1999. Sau loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11-9, cái đầu của tên trùm khủng bố này được đặt giá 25 triệu USD. Tuy nhiên, ngoại trừ một vài cuốn băng ghi âm với các chủ đề từ biến đổi khí hậu đến vai trò của Pháp ở Afghanistan, Bin Laden dường như khá lặng lẽ trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Bin Laden dễ dàng bị thay thế bởi hiện tại, chưa có ai đủ “xứng đáng” để ngồi vào vị trí này. Một quan chức chống khủng bố của Mỹ ngày 2-5 cho biết, chính phủ nước này chưa có thông tin gì về kế hoạch thay thế Bin Laden.
Mặc dù Bin Laden những năm gần đây đã đóng vai trò ít tích cực hơn trong các chiến dịch khủng bố của Al-Qaeda nhưng tên này vẫn là biểu tượng của phong trào, người có khả năng khích động và lôi kéo những người Hồi giáo giận dữ.
Bin Laden nổi tiếng khắp thế giới và rất được yêu mến ở nhiều nơi thuộc thế giới Ả-rập. Họ coi Bin Laden như một người hùng đã từ bỏ cuộc sống giàu sang, phú quý để tham gia cuộc chiến chống lại người Xô-viết ở Afghanistan trước khi quay sang chống lại phương Tây.
"Al-Qaeda hiện không có ai có quyền lực của một ngôi sao như Bin Laden, không ai có ‘thương hiệu’ như cái tên Bin Laden," ông Philip Mudd, một cựu sĩ quan CIA đã nhận định như vậy.
Người có khả năng thay thế Bin Laden nhất là Ayman al-Zawahiri. Tên này khá nổi tiếng với tư cách là thủ lĩnh phong trào thánh chiến ở Ai Cập, là bộ mặt, tiếng nói của Al-Qaeda trong nhiều cuốn băng video từ năm 2001 đến giờ. Ayman al-Zawahiri cũng đã có đôi lần xuất hiện bên cạnh trùm khủng bố Bin Laden.
Sinh ra trong một gia đình giàu có ở thủ đô Cairo, Ayman al-Zawahiri là một nhân vật then chốt trong tổ chức Jihad Hồi giáo Ai Cập. Ayman al-Zawahiri đã từng tới Afghanistan và phục vụ trong cuộc chiến ở đây với tư cách là một bác sĩ. Đến những năm 1990, Ayman al-Zawahiri đã tập trung chú ý vào việc làm suy yếu và tấn công chính phủ Ai Cập, sau đó là Mỹ.
Năm 1998, khi tổ chức của Ayman al-Zawahiri nổi lên cùng với Al-Qaeda, tên này đã gửi một bản fax tới tờ Al-Hayat trong đó có lời cảnh báo dành cho người Mỹ. Ba ngày sau, những kẻ đánh bom tự sát đã cho tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania, giết chết 224 người.
Kể từ đó, al-Zawahiri được xem là cố vấn thân cận nhất và cũng là bác sĩ của Bin Laden. Tuy nhiên, các quan chức chống khủng bố của Mỹ cho biết, al-Zawahiri “không được lòng đồng nghiệp."
"Al-Zawahiri được xem là một nhân vật gây chia rẽ, một người không dễ hợp tác và không phải là một chỉ huy giỏi," ông Mudd, một nhà nghiên cứu cấp cao của Mỹ, cho biết.
Một ứng cử viên khác cho chiếc ghế của Bin Laden là Anwar al-Alwaki. Sinh năm 1971 ở Las Cruces, New Mexico, Anwar al-Alwaki đi lại giữa Yemen và Mỹ trước khi dừng lại hoạt động cố định ở Trung Đông. Al-Alwaki nổi tiếng với vai trò là phát ngôn viên của al Qaeda ở bán đảo Ả-rập. Đây là một trong những chi nhánh hiệu quả nhất và nguy hiểm nhất của Al-Qaeda.
Al-Alwaki bị tình nghi là kẻ đóng vai trò chính trong âm mưu đánh bom bất thành máy bay Mỹ đúng dịp Giáng sinh năm 2009 ở Detroit. Al-Alwaki cũng là kẻ tinh nghi số một trong việc khích động một binh sĩ Mỹ có tên là Nidal Hasan thực hiện cuộc thảm sát giết chết 13 binh lính khác ở căn cứ Fort Hood, bang Texas, Mỹ hồi đầu năm 2009.
Tuy nhiên, theo ông Paul Cruickshank, một nhà phân tích về chủ nghĩa khủng bố của CNN, cho biết, thực tế về việc al-Alwaki chưa từng trực tiếp tham gia chiến đấu có thể ảnh hưởng tới nỗ lực trèo lên vị trí thủ lĩnh Al-Qaeda của tên này.
"Al-Alwaki là một giáo sĩ, một người phát ngôn nhưng không phải là một chiến binh. Và Al-Qaeda trong nhiều năm qua luôn muốn được dẫn dắt bởi một chiến binh thực thụ," ông Cruickshank cho hay.
Ngoài hai ứng cử viên nặng ký trên, còn có những nhân vật ít nổi tiếng hơn nhưng vẫn có khả năng trở thành người kế nhiệm Bin Laden. Một trong số đó là Abu Yahya al-Libi, một nhà tư tưởng hàng đầu của Al-Qaeda. Chưa đầy hai tháng trước cái chết của Bin Laden, nhân vật người gốc Libya nói trên đã tung ra một cuốn băng ghi âm trong đó kêu gọi người Hồi giáo ở Libya hãy tạo nên sự thay đổi thay vì chỉ dừng lại ở việc lật đổ Tổng thống Muammar Gaddafi. Al-Libi nổi tiếng với tư cách là cựu chỉ huy chiến trường của Al-Qaeda ở Afghanistan và từng trốn thoát khỏi căn cứ không quân Bagram.
Một ứng cử viên khác là Ilyas Kashmiri, một cựu chiến binh từ Pakistan. Tên này là chủ mưu của các chiến dịch khủng bố quốc tế. Trung đoàn 313 mà Kashimiri chỉ huy có nhiệm vụ tìm kiếm và đào tạo những người mà Al-Qaeda tuyển mộ được từ Châu Âu và Bắc Mỹ.
Trong bối cảnh Al-Qaeda đang bị suy yếu vì các cuộc không kích tăng cường của liên quân và cái chết của Bin Laden, việc có nhiều người cùng muốn ngồi vào chiếc ghế của Bin Laden là một điều hoàn toàn không có lợi cho tổ chức này. Các quan chức chống khủng bố của Mỹ mặc dù vẫn cảnh báo về nguy cơ các cuộc tấn công trả thù của Al-Qaeda nhưng vẫn tin tưởng rằng, tình trạng nhiều người muốn kế nhiệm Bin Laden có thể sẽ “gây bất ổn, chia rẽ” trong hàng ngũ Al-Qadeda và từ đó sẽ làm suy yếu tổ chức khủng bố khét tiếng này.
(Nguồn: VnMe)