Sự kiện hạm đội 7 của hải quân Mỹ hợp tác với hải quân Việt Nam vừa qua bị báo chí Trung Quốc miêu tả là Việt Nam “thách thức chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Tây Sa” (tức Hoàng Sa của Việt Nam).
|
Tàu USS John S.McCain (DDG 56) thuộc Hạm đội 7 của Mỹ
|
Kết nối hai sự kiện không liên quan với nhau: việc phái đoàn quan chức Chính phủ và quân đội Việt Nam thăm tàu sân bay USS George Washington ở ngoài khơi Đà Nẵng hôm Chủ nhật 8-8 với việc thứ Năm tuần trước (5-8) người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta Nguyễn Phương Nga ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc khảo sát địa chất tại vùng đảo Hoàng Sa từ tháng 5 vừa qua, báo China Daily số ra ngày thứ Hai 9-8 đăng bài xã luận nhận định: “Được Mỹ hậu thuẫn, Việt Nam cố tình dựng lên vấn đề biển Đông, nhắm tới quốc tế hóa vấn đề này để làm một đối trọng mạnh mẽ hơn với Trung Quốc”. Báo này còn cho rằng “Việt Nam đang bị Mỹ biến thành công cụ để cân bằng lại sự phát triển của Trung Quốc”.
|
Tàu USS George Washington |
Thực chất lời cáo buộc này như thế nào? Trước tiên cần thấy rằng, cả hai sự kiện này đều không mới, mà diễn ra thường xuyên trong hoạt động ngoại giao của Việt Nam. Về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, tên quốc tế là Paracel Islands), tuyên bố của bà Nguyễn Phương Nga không biểu hiện sự thay đổi nào trong chính sách trước sau như một của Chính phủ Việt Nam đối với phần lãnh thổ này.
Chuyến thăm viếng tàu sân bay USS George Washington hôm Chủ nhật 8-8 của phái đoàn Chính phủ và quân đội Việt Nam cũng vậy; không phải là sự kiện mới mà từ năm ngoái phái đoàn này đã viếng thăm tàu sân bay USS John C. Stennis. Từ năm 2003 đến nay năm nào cũng có tàu chiến Mỹ ghé thăm các hải cảng Việt Nam, giống như tàu chiến của quân đội nhiều nước khác, kể cả Trung Quốc. Hơn thế nữa, các hoạt động nhân đạo và hợp tác của hải quân Mỹ với hải quân Việt Nam đang diễn ra đều nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 15 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Vậy thì tại sao Trung Quốc lại lên án Việt Nam trước những hoạt động có tính “thông lệ” này? Theo giới phân tích, "cái gai" trong mắt người Trung Quốc không phải là Việt Nam mà là Mỹ và sự thay đổi trong chính sách của chính quyền Tổng thống Barack Obama đối với khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Sự thay đổi này bộc lộ rõ nhất tại Diễn đàn khu vực châu Á (ARF) lần thứ 17 vừa diễn ra tại Hà Nội hai tuần trước, khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố: “Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc tự do lưu thông hàng hải, tự do tiếp cận các vùng biển châu Á và việc tôn trọng luật pháp quốc tế tại biển Đông. Chúng tôi phản đối việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực của mọi bên có tuyên bố chủ quyền”. Bà Clinton cũng đề nghị 10 nước ASEAN và Trung Quốc thỏa thuận một “bộ quy tắc ứng xử khu vực” có tính ràng buộc và đề xuất thành lập một cơ chế quốc tế để hòa giải những sự chồng lấn về lãnh thổ mà các nước bên bờ biển Đông đưa ra. Hai ngày sau ARF 17, trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì gọi tuyên bố của bà Clinton là “một cuộc tấn công”.
Vậy tại sao Trung Quốc không trực tiếp “đấu tranh” với Mỹ mà nhắm vào Việt Nam? Theo giới phân tích, Trung Quốc muốn đánh lạc hướng dư luận về bản chất cuộc xung đột Mỹ-Trung chung quanh vấn đề biển Đông. Thực tế lịch sử cho thấy, tranh thủ thời gian người Mỹ sa lầy tại các chiến trường Iraq và Afghanistan, nhờ kinh tế phát triển nhanh chóng, Trung Quốc đã từng bước biến biển Đông thành ao nhà của mình. Những hành động đó của Trung Quốc đe dọa quyền lợi hợp pháp của nhiều nước, kể cả Mỹ, buộc Mỹ phải quay lại bảo vệ các đồng minh lâu đời tại khu vực này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia và Indonesia.
Giờ đây người Mỹ đã quay lại Đông Nam Á, thách thức trực tiếp những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông và đề xuất cơ chế giải quyết xung đột trên vùng biển này. Nếu là một cường quốc có trách nhiệm, muốn giải quyết những bất đồng về chủ quyền trên biển Đông một cách công bằng và hòa bình, Trung Quốc nên ủng hộ một sự tham vấn quốc tế như đề nghị của Mỹ thay vì khăng khăng coi biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình, không thương thảo và không nhân nhượng. Cũng nên lưu ý rằng, khi mới lên cầm quyền, tổng thống Mỹ Barack Obama đã chủ trương chính sách “giao kết” (engagement), muốn Trung Quốc thể hiện trách nhiệm cùng phương Tây giải quyết những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, cân bằng thương mại, chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, Bắc Triều Tiên… nhưng gần hai năm qua kỳ vọng ấy đã không được phía Trung Quốc đáp ứng. Đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới xung đột Trung-Mỹ hiện nay không chỉ ở hồ sơ biển Đông mà trong nhiều lĩnh vực khác.
Lẽ ra phải nhìn thẳng vào sự thật và tìm cách giải quyết với Mỹ, Trung Quốc lại quy trách nhiệm cho các nước nhỏ như Việt Nam “lôi kéo Mỹ vào biển Đông để ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc”. Lối tư duy đó không phản ánh đúng bản chất của vấn đề.
(Theo TBKTSG)