Ai là thủ phạm thực sự đánh chìm tàu Hàn Quốc?

09/05/2010 09:01

Sau khi xảy ra vụ chìm tàu Hàn Quốc ở khu vực biển tranh chấp với Triều Tiên hôm 26-3, nhiều người hướng sự nghi ngờ vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, nhiều giả thuyết cho rằng thủ phạm thực sự là Mỹ.


Một quan chức Triều Tiên lý giải, một tàu ngầm của nước này không bao giờ có thể thâm nhập vào mạng lưới phòng vệ hải quân tinh vi của Hàn Quốc và những hành động đáng nghi của Mỹ kể từ sau thảm họa đã chứng tỏ đây là một vụ bắn nhầm.

Triều Tiên không phải là thủ phạm?

Bất chấp Bình Nhưỡng đã lên tiếng phủ nhận sự liên quan của nước này, đồng thời bày tỏ sự cảm thông với những người anh em Triều Tiên hy sinh trong vụ tai nạn, nhưng sự nghi ngờ vẫn dồn vào Triều Tiên sau khi xảy ra thảm kịch tàu khu trục Cheonan bị chìm ở khu vực biển tranh chấp giữa hai nước đêm ngày 26-3.

"Một vụ tấn công bằng ngư lôi từ phía Triều Tiên là nguyên nhân có thể nhất gây ra vụ chìm tàu Hàn Quốc hồi tháng trước," một quan chức Mỹ giấu tên cho biết như vậy trên đài truyền hình CNN hôm 26-4. Trong khi đó, nhật báo Hàn Quốc Chosun Ilbo thì viết: "Khó mà có thể tưởng tượng là một nước nào khác chứ không phải là Triều Tiên bắn ngư lôi vào tàu chiến Hàn Quốc."

Tuy nhiên, có vẻ như Triều Tiên đang bị đổ tội cho một vụ việc bí ẩn mà họ thực sự không liên quan, bởi ngoài việc chưa tìm thấy bằng chứng chứng minh có sự liên quan của Bình Nhưỡng trong vụ chìm tàu, còn có 4 điểm quan trọng chứng tỏ một tàu ngầm Triều Tiên không thể đánh chìm tàu Hàn Quốc.

Thứ nhất, các tàu ngầm của Triều Tiên không đủ tinh vi đến mức có thể xâm nhập vào vùng lãnh hải được bảo vệ rất cẩn mật của Hàn Quốc vào buổi đêm mà không bị những đơn vị chống tàu ngầm hiện đại của Mỹ và Hàn Quốc phát hiện. Một tàu ngầm của Triều Tiên không thể vượt qua được hàng loạt tàu chiến đáng sợ được trang bị hệ thống Aegis công nghệ cao của Mỹ và Hàn Quốc để tìm kiếm mục tiêu là tàu khu chục Cheonan, bắn ngư lôi đánh chìm con tàu này rồi trốn thoát an toàn mà không để lại bất kỳ dấu vết nào. Aegis hiện là hệ thống phòng thủ hải quân hàng đầu thế giới.

Thứ hai, vụ chìm tàu Cheonan không xảy ra trong vùng lãnh hải của Triều Tiên mà xảy ra tại vùng lãnh hải được bảo vệ nghiêm ngặt của Hàn Quốc. Đây là khu vực mà một tàu ngầm của Triều Tiên rất khó có thể hoạt động bí mật, trừ khi nó được trang bị công nghệ AIP (Công nghệ sức đẩy không phụ thuộc vào nguồn khí bên ngoài).

Thứ ba, thảm họa chìm tàu xảy ra ngay chính tại nơi đang diễn ra một cuộc tập trận quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc – một cuộc tập trận lớn nhất thế giới theo miêu tả của Lầu Năm Góc. Cuộc tập trận mang tên Key Resolve/Foal Eagle này không phải chấm dứt vào ngày 18/3 như thông báo mà thực sự diễn ra từ ngày 18/3 đến 30/4.

Cuộc tập trận trên có sự tham gia của những chiếc tàu chiến tối tân nhất của Mỹ và Hàn Quốc, vì thế, tàu Triều Tiên dường như không thể vượt qua được “hàng rào” tinh vi này. Còn nếu Triều Tiên có thể làm được điều đó thì đây sẽ là một nỗi xấu hổ lớn đối với Hải quân Mỹ và Hàn Quốc.

Thứ tư, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Mỹ James Steinberg hôm 30/3 từng nói, ông không nghĩ là có bàn tay của Triều Tiên trong vụ chìm tàu bởi chẳng có lý do gì để tin vào điều đó. Tướng General Walter Sharp, Chỉ huy Lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc (USFK), cũng khẳng định ông chẳng nhìn thấy có sự liên quan nào giữa Triều Tiên với vụ chìm tàu. Trong một cuộc họp báo ngày 6/4, ông này nói: "Chúng tôi luôn theo dõi nhất cử nhất động của Triều Tiên mỗi ngày và chúng tôi vẫn làm như vậy. Và chúng tôi chẳng phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu bất thường nào tại thời điểm tàu Hàn Quốc bị đánh chìm."

Một vụ bắn nhầm?

Trong khi không thể chứng minh sự liên quan của Triều Tiên trong vụ đánh chìm tàu Cheonan, có nhiều dấu hiệu cho thấy một vụ bắn nhầm là nguyên nhân có thể nhất trong vụ việc này.

Thứ nhất, chỉ cần một quả ngư lôi “lạc” được bắn đi từ những chiếc tàu chiến hiện đại hoặc những chiếc máy bay chiến đấu của Mỹ, Hàn đang tham gia cuộc tập trận Foal Eagle cũng có thể là nguyên nhân làm tàu Cheonan bị chìm.

Tướng Sharp hôm 4/3 đã từng cảnh báo “một vụ tai nạn có thể phá hỏng những lợi ích mà cuộc tập trận có thể mang lại. Hãy thận trọng và cảnh giác." Dường như lời cảnh báo của Tướng Sharp đã thành sự thực. Thực tế, quân đội Mỹ đã nhiều lần bắn nhầm trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

Thứ hai, ngay sau khi thảm họa xảy ra đêm 26-3, Tướng Sharp đã cắt ngắn chuyến thăm Washington để trở về Seoul. Ông này đã bất ngờ đến tham dự lễ tang ngày 3/4 của một thợ lặn Hàn Quốc thiệt mạng trong khi tìm kiếm những thủy thủ mất tích của tàu Cheonan. Ông Sharp đã an ủi gia đình nạn nhân – một hành động bày tỏ sự cảm thông hiếm có và đặc biệt.

Thứ ba, Tổng thống Barack Obama đã gọi cho người đồng cấp Hàn Quốc hôm 1-4 để bày tỏ sự chia buồn đồng thời đề nghị Hàn Quốc làm chủ nhà cho hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân vào năm 2012. Việc ông Obama chọn Hàn Quốc chứ không phải Nga làm chủ nhà cho hội nghị hạt nhân thứ hai đã khiến nhiều người “ngạc nhiên”. Chỉ có một lời giải thích thuyết phục nhất về hành động này là ông Obama đang tìm cách xoa dịu nỗi tức giận của Hàn Quốc trước vụ bắn nhầm của Mỹ khiến tàu Cheonan của họ bị chìm.

Thêm một dấu hiệu nữa là chính phủ Hàn Quốc tuyên bố xử nghiêm với những tin đồn lan tràn trên Internet rằng một vụ va chạm với tàu ngầm Mỹ là nguyên nhân gây chìm tàu Cheonan.

Giải pháp duy nhất cho nhóm điều tra của chính phủ Hàn Quốc lúc này là đổ lỗi cho một quả thủy lôi cũ bị sót lại từ thời chiến tranh Triều Tiên. Việc đổ lỗi cho Bình Nhưỡng rất dễ nhưng cái khó là công chúng Hàn Quốc sẽ gây sức ép buộc chính phủ phải trả đũa bằng hành động quân sự. Điều đó sẽ nhanh chóng biến Seoul thành một biển lửa trong vòng 5 phút, và Bình Nhưỡng sẽ không ngại ngần dùng vũ khí hạt nhân nếu Mỹ can thiệp vào.

(Theo VnMedia)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai là thủ phạm thực sự đánh chìm tàu Hàn Quốc?