Làm việc 48 giờ/tuần, tăng ca mỗi ngày và cả chủ nhật nên nhiều công nhân không có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe.
Giảm giờ làm để công nhân, lao động có thời gian vui chơi, giao lưu kết bạn, làm phong phú đời sống tinh thần của mình. Ảnh: L.T
“Em hiếm khi được thấy mặt trời”
“Không ai muốn chôn vùi sức khỏe, tuổi trẻ ở nhà máy cả. Tôi còn trẻ, cũng muốn giao lưu, kết bạn vui chơi. Nhưng là công nhân, có lẽ chúng tôi không có quyền để lựa chọn” - chị Mỹ, công nhân may, làm việc hơn 5 năm tại một nhà máy ở Khu công nghiệp Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) - chia sẻ.
Chị Mỹ có một làn da trắng nhưng xanh xao, từng đường gân nổi rõ trên đôi tay khẳng khiu. Chị Mỹ giải thích: “Tôi bị thiếu nắng và thiếu vận động”. Mỗi ngày, chị Mỹ thức dậy từ 6 giờ sáng. Để tiết kiệm, chị ăn một gói mì tôm rồi đến xưởng làm. Chị Mỹ vào ca lúc 7 giờ 30. Chị Mỹ được nghỉ trưa 1 giờ, sau đó làm hết buổi chiều và tăng ca. Chị về đến nhà đã hơn 20 giờ.
Công việc lặp đi lặp lại từ thứ 2 đến thứ 7, nếu hàng nhiều thì cả chủ nhật. Chị Mỹ cười: “Quanh năm suốt tháng cứ vậy, tôi hiếm khi được thấy mặt trời nên da dẻ xanh nhợt. Ngồi suốt ở nhà xưởng, không có thời gian vận động. Chưa đến 30 tuổi nhưng giờ chạy bộ 1km chắc không nổi”.
Hỏi có người yêu chưa, chị Mỹ khẽ chau mày rồi lắc đầu: “Tôi làm sao mà có người yêu được. Ế rồi! Cả chuyền, cả xưởng ế chứ đâu riêng gì tôi. Cứ đi làm suốt như thế, ế là chuyện bình thường, ai có người yêu mới là bất thường”.
Mỹ là một cô gái độc thân nên thời gian làm việc chỉ ảnh hưởng đến một mình cô. Các gia đình công nhân, con cái phải chịu thiệt thòi theo bố mẹ. Vợ chồng chị Lan - anh Minh đều là công nhân một nhà máy sản xuất giày ở quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh). Anh chị từ Nghệ An vào TP Hồ Chí Minh đã được 15 năm.
Anh Minh bộc bạch: “Vợ chồng tôi có 2 con. Mọi chuyện học hành, dạy dỗ con, tôi phó mặc cho thầy cô giáo. Mình đi làm cả ngày, buổi tối còn tăng ca, về đến nhà thì các con ngủ hết rồi. Nói chuyện với con còn khó thì thời gian đâu dạy con học. Là con của công nhân, các con phải chịu thiệt thòi, bố mẹ không có lựa chọn nào khác. Nếu giờ làm việc giảm xuống, vợ chồng tôi có thêm chút ít thời gian, có lẽ các con tôi sẽ được ở bên bố mẹ nhiều hơn”.
Không nên để sự bất công giữa những người lao động tồn tại
Tại hội thảo góp ý về sửa đổi Bộ luật Lao động do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho rằng ngày làm việc 8 giờ, tuần làm việc 48 giờ là thành quả đấu tranh của người lao động trên khắp thế giới. Từ ngày 1.5.1886, những người thợ đã giương cao khẩu hiệu: “Không một người thợ nào làm việc quá 8 giờ/ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi”.
Đã 133 năm trôi qua kể từ ngày ấy, đến nay, nhiều quốc gia tiên tiến đã giảm giờ làm xuống 7 giờ/ngày, hoặc áp dụng tuần làm việc từ 36 - 40 - 44 giờ/tuần. Các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ áp dụng làm việc 40 giờ/tuần, Singapore là 44 giờ/tuần. Ở Việt Nam, ta cũng đã áp dụng giờ làm việc là 40 giờ/tuần cho cán bộ công chức từ lâu. Vậy tại sao lại không áp dụng thời giờ làm việc đó cho công nhân lao động? Đã đến lúc ta không nên để sự bất công giữa những người lao động nữa! Do đó, tôi đề nghị giờ làm việc nên thống nhất 40 giờ/tuần, hoặc nhiều nhất là 44 giờ/tuần cho tất cả người lao động bất kể loại hình trong, ngoài nhà nước, cán bộ công chức hay công nhân lao động ở nhà máy, xí nghiệp.
Tại doanh nghiệp có đông công nhân lao động nhất TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) Củ Phát Nghiệp khi góp ý sửa đổi Điều 106 của Bộ luật Lao động về giờ làm việc trong tuần cũng kiến nghị làm việc 44 giờ/tuần thay vì 48 giờ/tuần như hiện nay. Theo ông Củ Phát Nghiệp, thực tế cho thấy khi giảm giờ làm, người lao động có thêm thời gian tái tạo sức khỏe, nghỉ ngơi, chăm lo gia đình, hạnh phúc bên người thân. Người lao động có thời gian thăm hỏi người thân, bạn bè, chia sẻ những công việc của gia đình như cưới hỏi, hiếu hỷ. Anh chị em công nhân có thêm thời gian học tập, giao lưu văn hóa, thể dục thể thao.
“Đặc biệt là Việt Nam đang dần hội nhập quốc tế, thời gian làm việc từng bước phù hợp với các nước vì hiện nay đa số các nước làm việc 40 giờ/tuần. Thực tế chứng minh rằng khi người lao động được nghỉ ngơi đủ thì tinh thần tham gia sản xuất tốt hơn, chất lượng, sản lượng sẽ không kém hơn làm việc 48 giờ/tuần” - ông Nghiệp chia sẻ.
Theo báo Lao động