Báo chí và mạng xã hội mới nhắc đến một hộp bánh Trung thu có giá tới 19,9 triệu đồng. Tôi thấy tò mò trong bánh Trung thu này có gì mà đắt đỏ vậy và ai sẽ được ăn những chiếc bánh giá “trên trời” ấy?
Đó là hộp Super VIP phiên bản giới hạn kèm trà sen Emperor và hộp trà sơn mài Hanoia nằm trong bộ sưu tập có tên “Ký ức di sản” của Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội (một trong những khách sạn cao cấp và lâu đời nhất tại Hà Nội). Đây là hộp bánh Trung thu ra mắt thị trường với giá đắt nhất trong mùa Trung thu năm nay tính tới thời điểm này.
Đứng trong hàng ngũ “đại gia” trong dòng sản phẩm bánh Trung thu năm nay còn phải kể đến nhiều loại khác cũng nằm trong bộ sưu tập nói trên như hộp VVIP sơn mài 6 bánh (mỗi bánh 100g) kèm trà sen Emperor và trà nhài có giá từ 8.600.000 đến 9.290.000 đồng; hộp VIP 6 bánh (mỗi bánh 100g) và 1 chai Vieux Saint Andre St Emilion 2019 có giá 6.600.000 đồng.
Khách sạn 5 sao tại Hà Nội - InterContinental Hanoi Landmark72 năm nay cũng tung ra mẫu hộp bánh Trung thu mang ngoại hình độc đáo với giá 4.880.000 đồng.
Bên cạnh những khách sạn cao cấp bậc nhất của Thủ đô, những hãng bánh Trung thu truyền thống cũng không bỏ qua cuộc chạy đua hấp dẫn trong năm này. Năm nay, hộp bánh đắt nhất của Kinh Đô có tên là “Trăng Vàng Black & Gold Kim Cương” với giá 5.000.000 đồng…
Tôi tự hỏi, trong những hộp bánh Trung thu này có gì mà lại đắt đỏ tới vậy?
Qua tìm hiểu thì được biết hộp bánh đắt nhất năm nay có các vị gồm: hạt sen và hạt macca; trà xanh và hạt hướng dương; mứt cam và rượu Grand-Marnier; thập cẩm truyền thống; vừng đen và hạt hướng dương; đậu xanh, mơ và trứng muối. Những vị này so với những gì tôi biết thì không có gì quá đặc biệt, ngoại trừ rượu Grand-Marnier, hay những hộp trà đính kèm. Nhưng với những lời quảng bá như “dưới bàn tay của các nghệ nhân tài hoa”, “công thức độc quyền”, rồi “tái hiện nét sang trọng cổ điển của thời kỳ Đông Dương và sự quyến rũ trường tồn của Hà Nội xưa”… thì hộp bánh đã có mức giá gây sốc tới vậy.
Những hộp bánh đắt đỏ của các khách sạn khác cũng vậy, ngoài kèm theo những chai rượu ngoại như Chivas Regal XV, Vieux Saint Andre St Emilion… hay những loại trà được phong hàng thượng hạng thì có lẽ cái mà họ bán là thương hiệu, là câu chuyện liên quan đến sản phẩm. Như cách mà Sofitel Legend Metropole Hà Nội đã làm, gắn sản phẩm với câu chuyện ký ức, với miền di sản, thời kỳ Đông Dương.
Sản phẩm bánh Trung thu đắt đỏ nhất không thuộc về những hãng bánh Trung thu mà thuộc về khách sạn cao cấp. Và với mức giá “trên trời” như vậy, có thể hiểu rằng những hộp bánh kia cũng chỉ dành cho những người có khả năng ở trong những khách sạn 5 sao. Cũng có người cho rằng người bỏ tiền ra mua những sản phẩm siêu đắt như vậy không đơn thuần chỉ để ăn. Trong phần giới thiệu, chào hàng của các thương hiệu bao giờ cũng kèm những câu như: dòng quà tặng cao cấp…
Thực tế là vậy, những dòng sản phẩm kiểu này thường được mua để làm quà. Điều mà dư luận quan tâm là một khi được làm quà tặng, mà lại không phải quà cho người thân, liệu phía trong những hộp bánh có đơn thuần chỉ có bánh, trà, rượu ngoại hay còn có những thứ khác đi kèm? Và sau khi nhận bánh, những người được nhận có phải “ăn một quả trả một cục vàng” hay không? Nếu sau khi tặng những hộp bánh có giá cả chục triệu đồng, người tặng được nhận lại cơ hội làm ăn, thông tin, cái “gật đầu” có tính chất quyết định đến sinh mạng của doanh nghiệp, tập đoàn… thì những hộp bánh kia đã không còn là thức quà đơn thuần trong dịp Tết đoàn viên nữa.
Thời gian qua, cuộc chiến phòng chống tham nhũng tiếp tục được Đảng, Nhà nước ta đẩy mạnh trên mọi mặt trận. Và để như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định: "Chúng ta sẽ tiếp tục công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai…” thì phải bắt đầu từ nhiều việc, trong đó có cả việc trả lại sự trong sạch cho những hộp bánh Trung thu.
KIM THANH