Với những gì đang diễn ra tại Afghanistan, dư luận càng có cơ sở nghi ngờ về tính khả thi của kế hoạch NATO và Mỹ chuyển giao dần dần quyền kiểm soát an ninh nội địa cho quân đội quốc gia Nam Á này.
Trong một báo cáo mới đây, quân đội Mỹ cho biết, những tháng vừa qua, tình trạng bạo lực ở Afghanistan đã lên mức dữ dội nhất từ trước tới nay, tăng gấp 3 lần so với năm 2007. Thực tế này cho thấy, chiến lược mới mà Mỹ và NATO vẽ ra cho cuộc chiến Afghanistan không chứng minh được tính hiệu quả. Đồng thời dư luận cũng phải đặt câu hỏi: Afghanistan bao giờ có thể tự đứng trên đôi chân của mình trong nỗ lực đảm bảo an ninh quốc gia? Đến nay, cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan do Mỹ và NATO đứng đầu đã bước sang năm thứ 10 mà vẫn chưa có dấu hiệu tới đích. Tình hình bạo lực tại quốc gia Nam Á này thậm chí còn gia tăng nghiêm trọng và hoạt động nổi dậy ngày càng diễn biến phức tạp.
Lính Mỹ tại chiến trường Afghanistan.Ảnh: Reuters |
Báo cáo trình lên Quốc hội Mỹ của Lầu Năm Góc khẳng định từ tháng 4 cho tới hết tháng 9 năm nay, các vụ bạo lực ở Afghanistan đã tăng gấp 3 so với năm 2007. Thông tin này đã “dội gáo nước lạnh” vào hy vọng của dư luận về tính hiệu quả của chiến lược mới mà chính quyền Washington tiến hành tại Afghanistan gần 1 năm nay. Mặc dù những đánh giá về chiến lược trên sẽ được trình bày cụ thể trong một báo cáo được Mỹ công bố vào trung tuần tháng 12 tới, song người ta chẳng cần chờ tới khi đó để thấy được một thực tế là bạo lực tại Afghanistan đã tăng tỉ lệ thuận với kế hoạch tăng quân của chính quyền Mỹ. Cuối năm ngoái, Tổng thống Mỹ Obama đã thông qua chiến lược mới của Mỹ tại Afghanistan, theo đó điều động thêm 30.000 quân tới chiến trường này và chú trọng vào mục tiêu duy trì an ninh tại một số thị trấn cũng như địa điểm trọng yếu. Song song với việc bổ sung thêm quân, Mỹ cũng quyết định tăng cường cho chiến trường Afghanistan các vũ khí tối tân, ví dụ như xe tăng hạng nặng M1 Abram. Nhà lãnh đạo Mỹ có lẽ đặt niềm tin rất lớn vào một cuộc chiến tổng lực trong ngắn hạn, nhằm nhổ bật gốc rễ của tàn quân Taliban và lực lượng khủng bố Al Qaeda, trước khi tiến hành kế hoạch rút quân mà ông đã hứa hẹn vào năm 2011. Phải thừa nhận rằng, thời gian gần đây, Mỹ liên tục tiến hành hàng loạt chiến dịch tác chiến đặc biệt, với quy mô lớn nhất và cường độ cao nhất trong hơn 9 năm qua có mặt tại Afghanistan. Tuy nhiên, kết quả mà nó đem lại thì chẳng khác với những gì đã diễn ra trong quá khứ, vẫn là xung đột đẫm máu, dân thường vô tội thiệt mạng là chủ yếu, trong khi lực lượng tàn quân bị tiêu diệt thì không đáng là bao... Có lẽ dư luận không cần bàn thêm nữa về tính hiệu quả của cái gọi là chiến lược mới mà Mỹ tiến hành ở Afghanistan. Song điều đáng quan tâm là với tình hình thực tế ở Afghanistan, Mỹ và liên quân liệu có tiếp tục có những bước điều chỉnh tại chiến trường này? Trong Hội nghị Thượng đỉnh mới đây của NATO - lực lượng hiện giữ vị trí chỉ huy liên quân tại Afghanistan, NATO cùng với Mỹ đã nhất trí tiến hành chuyển giao dần dần quyền kiểm soát an ninh nội địa cho quân đội Afghanistan bắt đầu từ năm 2011, để tiến tới mục tiêu nước này tự đảm bảo an ninh vào năm 2014. Trong bối cảnh bạo lực tại Afghanistan đang gia tăng nghiêm trọng, dư luận ngờ rằng Mỹ và liên quân có thể tính lại kế hoạch trên. Bằng chứng là gần đây, chính quyền Obama đã có những tuyên bố nước đôi rằng: Quân đội Mỹ sẽ ở lại Afghanistan “cho đến khi công việc hoàn tất” thay vì khẳng định rút quân bắt đầu vào tháng 7-/2011 như cam kết trước đó. Trên thực tế, thực hiện việc rút quân đối với Mỹ và NATO chẳng khác nào chơi một canh bạc. Khả năng thứ nhất, sau khi quân đội nước ngoài rút đi, tàn quân Taliban chỉ chờ có thế để bành trướng hơn nữa và Afghanistan có thể ngập trong cuộc nội chiến đẫm máu. Tuy nhiên, cũng có một kịch bản khác là sự hiện diện của binh lính nước ngoài giảm thì sự chống đối của lực lượng tàn quân cũng giảm và cơ hội hoà giải dân tộc dễ dàng hơn. Do đó, bạo lực tất yếu sẽ giảm theo. Vào lúc này, thật khó để trả lời câu hỏi Afghanistan liệu có tự đứng trên đôi chân của mình. Song rõ ràng không thể buộc quân đội và chính quyền Kabul trấn áp được bạo lực ngay lập tức- việc mà 10 năm nay, liên quân cũng không làm được. Điều quan trọng là cộng đồng quốc tế phải hỗ trợ đúng hướng để Afghanistan có thể đảm bảo an ninh quốc gia bằng cách tăng cường huấn luyện quân đội, giúp ổn định đời sống của người dân Afghanistan để không có thêm nữa những con người cùng cực phải gia nhập lực lượng tàn quân và khủng bố vì miếng cơm manh áo. (Nguồn: VOV)