ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam

14/09/2011 15:57

Lạm phát cao, dự trữ ngoại tệ thấp và tiền đồng suy yếu khiến dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm từ 6,1% xuống còn 5,8%.

Hệ thống ngân hàng dễ bị tổn thương là một rủi ro chính của kinh tế Việt Nam

Lạm phát cao, dự trữ ngoại tệ thấp và tiền đồng suy yếu là những quan ngại chính khiến Ngân hàng phát triển châu Á  (ADB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2011 xuống còn 5,8%, so với mức dự báo 6,1% hồi tháng 4 năm nay.

Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2011 vừa được ADB công bố ngày 14-9 tại Hà Nội. Theo ADB, Nghị quyết 11 – gói các biện pháp thắt chặt tài chính và tiền tệ - đã tạo ra được những kết quả bước đầu trong ổn định tỷ giá ngoại hối, nâng cao dự trữ ngoại tệ và kìm chế lạm phát trong 3 tháng gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm nếu quyết định nới lỏng các chính sách kinh tế vĩ mô bởi lạm phát vẫn ở mức trên 20%.

ADB dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam năm 2011 sẽ ở mức 5,8%, so với mức 6,8% trong năm 2010 và 6,1% hồi tháng 4 năm nay. Lạm phát năm nay được dự đoán sẽ giảm dần xuống mức 18,7% so với mức dự báo 13,3% hồi tháng 4. Sang năm 2012, lạm phát suy yếu và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn sẽ kích thích các nhà đầu tư và tăng niềm tin của người tiêu dùng. Dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ tăng trở lại ở mức 6,5% và lạm phát giảm còn 11% trong năm tới.

Những rủi ro chính đối với Việt Nam trong thời gian tới là chính sách tiền tệ hỗn hợp, vị thế tài khóa không rõ ràng. Hệ thống ngân hàng dễ bị tổn thương khi chất lượng tín dụng ngày càng giảm, cho vay ngắn hạn bằng USD tăng nhanh tạo áp lực đối với tỷ giá vào cuối năm. Việc thắt chặt chính sách kinh tế vĩ mô, sau một giai đoạn tăng trưởng tín dụng nhanh sẽ tạo ra áp lực đối với người vay và ngân hàng.

Lạm phát của Việt Nam hiện đang ở mức cao nhất trong khu vực (trên 20%, so với mức bình quân ở các nước đang phát triển châu Á là 5,8%). Dự trữ ngoại hối ở mức thấp nhất trong khu vực. Tình hình kinh tế yếu kém ở Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu cũng là nhân tố có thể ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam.

Trong nửa cuối của năm 2011, ADB dự báo Chính phủ sẽ duy trì chính sách thắt chặt tài chính tiền tệ cho tới khi lạm phát sụt giảm, niềm tin vào tiền đồng được củng cố, dự trữ ngoại tệ tiếp tục được tăng cường. Tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm dự đoán cao hơn so với nửa đầu năm.

Tuy nhiên, triển vọng ngắn hạn phụ thuộc nhiều vào việc Chính phủ thể hiện được cam kết tiếp tục hướng tới khôi phục và ổn định kinh tế vĩ mô. Báo cáo Cập nhật triển vọng Phát triển châu Á đã đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhưng cũng nhận xét rằng thị trường vẫn đang nhận được những tín hiệu khác nhau về các chính sách tiền tệ và tài chính, điều này đang làm giảm hiệu quả của gói chính sách ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam thì :”Các nhà đầu tư và người dân sẽ có niềm tin hơn vào quản lý kinh tế nếu các chính sách và việc xây dựng chính sách mang tính rõ ràng, thống nhất và minh bạch hơn”.

Trên cơ sở những đánh giá này, ADB đã đưa ra 4 thông điệp chính cho Việt Nam: Thực hiện kiên trì Nghị quyết 11 sẽ kiềm chế lạm phát và góp phần giảm lãi suất ; Cần có những chính sách rõ ràng, nhất quán và minh bạch để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư; Cân bằng  giữa nỗ lực hỗ trợ ngân hàng và các DN với nhu cầu bảo vệ giá trị tiết kiệm thực của người gửi tiền ; Ưu tiên trước mắt là khôi phục sự bình ổn, nhưng cần thực hiện các cải cách cơ cấu, nhằm giải quyết nguyên nhân cốt lõi của lạm phát cao. 

Dương An (VnMe)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam