Chỉ cần đội cứu hộ tới chậm khoảng nửa tiếng nữa là tất cả anh em đều chết hết. Sóng to, gió lớn, lạnh tới thấu xương nên anh em hoàn toàn kiệt sức. May mà tàu đến kịp
Lúc 15 giờ chiều nay (3.8), thi thể đầu tiên trong trên biển Cần Giờ đã được chuyển về Vũng Tàu. Trưa cùng ngày, tàu SAR 272 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Trung tâm 4) đã đưa 3 người bị nạn trên ca nô H29 BP vào bờ an toàn.
Theo lực lượng tìm kiếm thì thi thể nạn nhân Nông Thị Thiên được tìm thấy ngay sau khi dỡ chiếc ca nô bị lật lên. Chị Thiên đang mặc áo phao trong người nhưng có lẽ đã không kịp nhảy khỏi ca nô.
Ba người bị nạn gồm: Châu Vĩnh Khiêm (31 tuổi), Phạm Thị Thu (22 tuổi) và Lai Hồng Phúc (32 tuổi) cùng là cán bộ, công nhân viên của Công ty CP sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam tại Tiền Giang.
Ngay sau đó, các anh chị Khiêm, Thu và Phúc được cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhanh chóng đưa xuống Bệnh viện Lê Lợi, TP.Vũng Tàu cấp cứu.
Riêng hai anh Khiêm và Phúc đã bớt hoảng loạn, còn chị Thu thì liên tục khóc, tinh thần rất hoang mang.
Đu dây thừng chống chọi tử thần
Hai tay chị Thu được băng bó bằng vải lưới y tế do lòng bàn tay chị bị lột da.
“Em đã níu vào dây thừng phía sau ca nô. Sóng đập liên hồi nên da lòng bàn tay bị lột hết”, chị Thu kể lại.
Anh Phúc cũng bị lột da tay giống như chị Thu. Riêng anh Khiêm thì bị thương ở vùng bụng do sóng đánh khiến bụng anh va vào thân ca nô.
Chị Thu cho biết, lúc tàu bị nạn, chỉ có ba người (Thu, Khiêm và Phúc) nắm được dây thừng phía sau ca nô. Trong khi đó, có 14 người khác thì ở phía trước.
Tàu của Bộ đội Biên phòng TP.HCM đã cứu vớt 14 người này, riêng Thu, Khiêm và Phúc được tàu SAR 272 vớt lên tàu lúc 1 giờ 30 ngày 3.8.
Cũng tại Bệnh viện Lê Lợi, sáng 3.8, bốn người đi trên ca nô H29 BP bị nạn gồm: Nguyễn Lệ Vinh, Nguyễn Văn Hà (cùng 26 tuổi) và hai vợ chồng người nước ngoài John Heinemann (63 tuổi) và Gloria Heinemann (55 tuổi) cũng đã được đưa vào cấp cứu.
|
Anh Hà cho biết, khi ca nô đang đi từ Tiền Giang xuống Vũng Tàu, đến vùng biển Cần Giờ thì bị mắc cạn nhưng ca nô vẫn chạy được.
“Ca nô chạy chậm lại, sau đó hơn 19 giờ ngày 2.8 thì bị con sóng đánh làm nghiêng. Lúc này mọi người trong ca nô nhảy ra ngoài”, anh Hà kể.
Anh Hà cùng vợ chồng ông John Heinemann và anh Vinh bị sóng biển cuốn ra xa khỏi ca nô và tạo thành một nhóm trôi dạt trên biển.
Chưa hết bàng hoàng, anh Vinh kể tiếp: “Chúng tôi mặc áo phao nhưng sau đó thì áo phao của tôi bị sóng đánh tuột mất. May mà nhờ vợ chồng người nước ngoài và anh Hà hỗ trợ, chúng tôi đứng nước cho đến 4 giờ 30 ngày 3.8 mới được một tàu dịch vụ phát hiện cứu vớt đưa vào bờ”.
Chỉ nửa tiếng nữa thì chết hết
Trong khi đó, tất cả 14 nạn nhân được tàu Bộ đội Biên phòng TP.HCM cứu được đều trị ở Bệnh viện huyện Cần Giờ luôn hi vọng điều thần kì sẽ đến với bạn bè, đồng nghiệp bị nước cuốn đi.
Suốt 5 giờ bấu víu vào dây neo lênh đênh trên biển, đôi bàn tay của những nạn nhân may mắn sống sót đều phồng nước, tróc da. Đau rát, mệt mỏi nhưng anh Nguyễn Trung Hiếu (23 tuổi, quê Vĩnh Phúc) không ngừng khóc khi kể lại thời khắc kinh hoàng trong đêm.
“Lúc tàu chìm, mười mấy người cố gắng bám vào dây neo nhưng sóng đánh mạnh quá. Những người không trụ vững đều lần lượt bị sóng đánh bật rồi cuốn đi hết chỉ còn lại 4 người. Sau đó cố gắng bơi đến ca nô lật úp trôi dạt trên biển để chờ người ta đến cứu” - anh Hiếu vừa nức nở vừa nói.
|
Từ lúc vào bệnh viện cho đến lúc được xe riêng của công ty đưa đi anh Hiếu không ngừng khóc mỗi khi nghĩ đến thời khắc kinh hoàng trong đêm.
Anh cho biết thêm: “Chỉ cần đội cứu hộ tới chậm khoảng nửa tiếng nữa là tất cả anh em đều chết hết. Sóng to, gió lớn, lạnh tới thấu xương nên anh em hoàn toàn kiệt sức. May mà tàu đến kịp”.
Lênh đênh trong đêm tối lạnh giá nhưng 14 người may mắn sống sót đều được sưởi ấm bởi sự sẻ chia của tình đồng nghiệp, tình người.
Mặc dù với được chiếc phao nhưng nghĩ mình có sức khỏe hơn người khác nên anh Nguyễn Văn Cương (25 tuổi, Hà Tĩnh) đã nhường lại chiếc phao cho người bạn đang chới với giữa dòng nước dữ.
Anh Cương chia sẻ: “Khi tàu chìm, tôi thấy một người phụ nữ bị kẹt trong tàu, nhiều người bám vào dây neo bị sóng đánh cuốn đi hết mà mình không giúp được gì. Với được chiếc áo phao tôi định mặc vào người nhưng tôi thấy mình còn khỏe nên nhường lại cho bạn khác. Khi ấy tôi chỉ nghĩ mình cứ ráng bơi, ráng bám vào ca nô, chỉ cần ca nô không chìm thì mình sẽ không sao, chờ tới sáng sẽ có người tới cứu”.
|
Nguyễn Long- Đức Tiến (Thanhnien)