Theo giới chuyên gia, trong khi giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu thì việc đề xuất lập 87 trạm thu phí vào nội đô Hà Nội là “khó khả thi, phi thực tế”.
Người dân lo lắng
Thông tin TP Hà Nội sẽ xây dựng 87 trạm thu phí phương tiện ô tô đi vào nội đô bắt đầu từ năm 2025 đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân và nhất là các chủ phương tiện ô tô thường xuyên đi lại tại Hà Nội.
Đề xuất trên nằm trong "Đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế xe cơ giới đi vào" do Sở Giao thông vận tải (GTVT) và đơn vị tư vấn thực hiện với mục tiêu giảm xe ô tô đi vào nội đô nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo đề án, ranh giới khu vực thu phí được giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3. Chu vi khu vực thu phí khoảng 51km, diện tích khoảng 150 km2.
Để thu phí phương tiện đi ô tô đi vào khu vực trên, dự kiến sẽ có 68 vị trí với 87 trạm thu phí được đặt. Trong đó triển khai làm 3 giai đoạn, đầu tư thí điểm 15 trạm ở giai đoạn 1; 59 trạm tại giai đoạn tiếp theo và hoàn thiện 13 trạm còn lại trong thời gian còn lại.
Việc thu phí sẽ áp dụng công nghệ không dừng (ETC), kết hợp công nghệ thu phí với hệ thống camera giám sát tại các trạm. Thời gian đề xuất thu phí xe ô tô vào nội thành thuộc khung từ 5 - 21 giờ, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm.
Theo khảo sát của phóng viên, nhiều người dân tỏ ra lo lắng với đề án lập chốt thu phí vào nội đô của Hà Nội. Theo đó, các ý kiến này cho rằng, đi lại là nhu cầu thiết yếu và là quyền lợi của người dân. Hơn nữa, chủ yếu việc đi lại vào nội đô của người dân là để giải quyết công việc, mưu sinh, thực hiện những việc cần thiết. Do đó, dù có thu phí thì người dân vẫn đi lại nhiều. Như vậy, mục đích thu phí người dân để giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường là phi thực tế.
Liên quan đến dự án này, lãnh đạo Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, các vị trí đơn vị tư vấn lập ra mới chỉ là những dự thảo, đề xuất. Sau khi nhận phương án, Sở còn phải tiến hành rà soát, đánh giá, nghiên cứu và đề xuất thành phố.
Đến năm 2030, Hà Nội dự định sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành. Tuy nhiên, do số lượng ô tô hiện nay đang tăng cao hơn cả xe máy, mỗi năm thêm 10,2%, nên việc Sở GTVT TP Hà Nội đưa ra phương án thu phí vào nội đô để giảm lượng ô tô trong khu vực trung tâm là rất cần thiết.
Chuyên gia cho rằng "không thuyết phục"
Bàn về vấn đề trên, TS. Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông quốc gia nhìn nhận, với đô thị lớn như Hà Nội, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cải thiện tình trạng giao thông là rất cần thiết. Chủ trương thu phí phương tiện cơ giới cá nhân vào trung tâm thành phố đã được nhiều quốc gia áp dụng lâu nay. Tuy nhiên, với Hà Nội "còn khá sớm để đánh giá nên hay không áp dụng phương án này, bởi chưa có các tính toán thuyết phục".
Ông Minh cho rằng, chính quyền cần đánh giá tác động, tính toán tốc độ tăng phương tiện và những thiệt hại, ảnh hưởng mà người dân gặp phải.
Giới chuyên gia cho rằng, với hạ tầng giao thông Hà Nội như bây giờ cũng như những năm tới thì việc thu phí vào nội đô là chưa phù hợp.
Chuyên gia giao thông La Văn Thái thì nhấn mạnh, sở dĩ việc thu phí để vào một khu vực hạn chế được áp dụng ở một số quốc gia như Anh, Singapore đạt hiệu quả do xe được gắn thẻ thu phí lưu thông qua trạm thì sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản ngân hàng.
Trong khi đó, với đề án của Hà Nội thì "vùng thu phí" áp dụng là vành đai 3 trở vào thì quá rộng và động chạm trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Trong khi khu vực thường xuyên ùn tắc giao thông lại không chỉ riêng trong vành đai 3. Chưa kể, khi triển khai thu phí dễ bị tránh chồng chéo giữa các loại phương tiện bị áp phí, loại phương tiện được miễn, giảm, phương tiện ưu tiên...
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, để "Đề án thu phí phương tiện vào một số nội đô" thực sự đạt được hiệu quả thì một trong những công việc tiên quyết là từ nay đến 2025, TP Hà Nội cần hoàn thiện ngay hệ thống vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là các tuyến đường sắt trên cao đang chậm tiến độ.
Cùng với đó là phát triển thêm các loại hình vận tải mới như xe điện, xe trung chuyển, xe ghép... xây dựng các bãi gửi ô tô quy mô lớn gần các trạm thu phí và hạ tầng cho xe đạp như một số nước trên thế giới đang áp dụng.
Theo Sức khỏe và Đời sống