Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang từng bước trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu, với 85% ngân hàng trung ương quan tâm đến việc nắm giữ tài sản này.
Đồng nhân dân tệ Trung Quốc
Theo một cuộc khảo sát mới của Quỹ đầu tư toàn cầu UBS Asset Management, khoảng 85% ngân hàng trung ương cho biết họ đang đầu tư vào đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Con số này tăng từ 81% một năm trước đó.
Các nhà quản lý ngoại hối tại các ngân hàng trung ương cũng đang tìm cách giữ trung bình khoảng 5,8% quỹ dự trữ bằng đồng nhân dân tệ trong thời gian 10 năm. Đó sẽ là mức tăng mạnh so với mức 2,9% do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) báo cáo vào tuần trước.
Theo trang Business Insider, việc Mỹ và các đồng minh đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga - để đối phó với chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine - đã làm dấy lên suy đoán rằng các nước sẽ đa dạng hóa tiền dự trữ, để ít bị ảnh hưởng bởi quyền lực của Washington đối với hệ thống tài chính toàn cầu.
Dự trữ ngoại hối được sử dụng để bảo vệ tiền tệ trong nước và để triển khai vào những thời điểm khủng hoảng.
UBS cũng đã khảo sát 30 ngân hàng trung ương hàng đầu trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.
Cuộc khảo sát cho thấy tỉ lệ nắm giữ USD của các ngân hàng trung ương vẫn là cao nhất toàn cầu, trung bình là 63% vào tháng 6.2022, giảm so với 69% của năm 2021.
Việc Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine và mối quan hệ thân thiết của Bắc Kinh với Matxcơva - cũng như sự tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc trong những năm gần đây - đã làm gia tăng lời bàn tán về một thế giới "đa cực", trong đó Mỹ không còn là lực lượng thống trị áp đảo.
Hơn 81% người trả lời cuộc khảo sát của UBS cho biết đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc chuyển đổi sang một thế giới "đa cực".
Tuy nhiên, bất chấp sự quan tâm gia tăng đối với đồng nhân dân tệ, đồng tiền này vẫn còn một con đường xa để có thể thách thức đồng USD nhằm chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong dự trữ toàn cầu.
Theo Tuổi trẻ