Trong lịch sử ngành hàng không, nhiều chuyến bay mất tích bí ẩn, thậm chí không để lại dấu vết, khiến các nhà điều tra không thể lý giải nguyên nhân tai nạn cùng số phận những người trên chuyến bay.
Trong các lĩnh vực vận tải, hàng không dân dụng là một ngành an toàn và tai nạn trong ngành này hiếm khi xảy ra. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), mỗi năm có khoảng hơn 30 triệu chuyến bay chở khách trên toàn cầu cất và hạ cánh an toàn; trong năm 2023 chỉ có 5 vụ tai nạn dẫn đến chết người.
Tuy nhiên, việc điều tra để xác định nguyên nhân tai nạn máy bay thường trở nên khó khăn khi thảm họa xảy ra ở xa đất liền và khiến vụ tai nạn trở nên bí hiểm, không thể giải thích.
Cùng điểm lại tám vụ mất tích đình đám nhất trong lịch sử hàng không thương mại khiến giới chuyên gia và dư luận ngỡ ngàng cùng những bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Ngày 19/5/2016, chiếc Airbus 320 chở 66 người từ Paris (Pháp) đến Cairo (Ai Cập) gặp nạn tại Địa Trung Hải. Mặc dù dữ liệu chuyến bay và ghi âm giọng nói trong buồng lái đã được các chuyên gia thu hồi, bí ẩn của vụ tai nạn này đến nay vẫn còn khiến các chuyên gia trăn trở.
Trong những tháng đầu điều tra, Bộ Hàng không Ai Cập cho rằng chiếc máy bay có thể đã bị đánh bom khủng bố và thông báo dấu vết của chất nổ được phát hiện trên thi thể của các nạn nhân.
Tuy nhiên, tới năm 2018, Cục Điều tra tai nạn hàng không dân dụng Pháp lại thông báo vụ tai nạn bắt nguồn từ một ngọn lửa lan nhanh trong khoang hành khách.
Ngay trước khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar, kiểm soát viên không lưu đã nhận tin nhắn được chuyển tiếp từ hệ thống cảnh báo trên máy bay rằng có khói xuất hiện.
Hộp đen máy bay cũng ghi nhận trên máy bay có khói và chuyên gia Pháp cho biết máy bay đã rẽ trái bất thường, sau đó quay 360 độ sang phải trước khi biến mất khỏi radar.
Một cuộc điều tra sau đó của Pháp cho rằng nguyên nhân vụ tai nạn là do phi công hút thuốc trong buồng lái, cộng với việc mặt nạ dưỡng khí bị rò rỉ oxy, làm tai nạn xảy ra.
Số phận chiếc MH370 trở thành một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới khi nó biến mất không để lại bất cứ dấu vết nào trên hành trình bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh vào ngày 8/3/2014.
Vụ tai nạn đã thu hút sự chú ý toàn thế giới và tiếp tục khiến các nhà điều tra bối rối. Bất chấp cuộc tìm kiếm ráo riết của nhiều chính phủ và các công ty tư nhân, gần 10 năm vụ tai nạn xảy ra, chiếc máy bay MH370 vẫn chưa được tìm thấy và số phận của 237 hành khách vẫn là ẩn số.
Vào ngày định mệnh, 38 phút sau khi cất cánh tại Kuala Lampur, máy bay liên lạc lần cuối cùng với bộ phận không lưu Malaysia và biến mất. Radar quân sự cho thấy chiếc máy bay đã đột ngột đổi hướng và bay về phía Tây tới Ấn Độ Dương trước khi mất tín hiệu.
Một số chuyên gia hàng không nhận định chiếc máy bay có thể đã bay vài giờ trước khi hết nhiên liệu ở phía Nam Ấn Độ Dương.
Một cuộc tìm kiếm có quy mô lớn và tốn kém nhất trong lịch sử hàng không đã được triển khai với sự tham gia của nhiều quốc gia, bao gồm 334 chuyến bay tìm kiếm và dò tìm dưới đáy biển trên diện tích hơn 119.000km2.
Tuy nhiên, người ta không tìm thấy địa điểm MH370 rơi hay tìm ra câu trả lời về chuyện gì đã xảy ra với chiếc máy bay.
Khoảng 20 mảnh vỡ được cho là của MH370 đã được trục vớt khi chúng trôi dạt vào các đảo Madagascar, Mauritius, Réunion và Rodrigues và trải dọc theo bờ biển châu Phi cho đến tận Tanzania.
Báo cáo của chính phủ Malaysia năm 2018 đã không đưa ra được kết luận nào về số phận của chuyến bay, mặc dù loại trừ lỗi cơ học hoặc máy tính. Việc máy bay đi chệch hướng so với đường bay dự định và bộ truyền nhận tín hiệu bị tắt cho thấy một vụ không tặc đã xảy ra, hoặc phi công cố tình tự sát.
Ngày 16/3/1962, một chuyến bay của hãng hàng không Flying Tiger Line chở 93 lính biệt kích Mỹ được phái đi thực hiện một nhiệm vụ bí mật rời Căn cứ không quân Travis ở California để đến Việt Nam.
Chiếc máy bay thực hiện nhiệm vụ là loại Lockheed Super Constellation L-1049 - một dòng máy bay 4 động cơ cánh quạt, với tốc độ hành trình chưa đến 500 km/h. Theo lịch trình ban đầu, nó sẽ tiếp nhiên liệu tại căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam, sau đó đến căn cứ Clark ở Philippines rồi mới hạ cánh ở Tân Sơn Nhất.
Nhưng sau khi dừng chân tiếp nhiên liệu ở Guam, chiếc Lockheed L-1049 Super Constellation gồm 93 lính biệt kích, 3 thành viên của quân đội Việt Nam Cộng hòa và 11 thành viên phi hành đoàn đã không bao giờ đến điểm dừng tiếp theo - Căn cứ không quân Clark ở Philippines - mặc dù điều kiện bay rất lý tưởng và không ghi nhận việc gặp trục trặc tín hiệu.
Một sứ mệnh giải cứu trên không và trên biển trong thời bình lớn nhất ở Thái Bình Dương đã được triển khai để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Nhóm tìm kiếm gồm 1.300 người đã lùng sục khắp 373.000 km2 nhưng không tìm thấy dấu hiệu nào.
Đáng chú ý là một thủy thủ đoàn người Italy trên một chiếc tàu chở dầu cho biết đã nhìn thấy một vụ nổ “cực sáng” trên bầu trời và hai vật thể bốc cháy lao xuống biển xung quanh vị trí máy bay khi nó biến mất.
Cuối cùng, Ủy ban Hàng không dân dụng Mỹ không thể xác định nguyên nhân vì thiếu bằng chứng về vụ rơi máy bay.
Ngày 8/11/1957, chiếc Boeing 377 Stratocruiser cất cánh từ San Francisco đến Honolulu với 36 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn.
Máy bay đang bay được nửa chặng đường thì radar đột ngột mất liên lạc mà không có cuộc gọi cấp cứu nào được thực hiện.
Sau 5 ngày tìm kiếm, một tàu sân bay của Hải quân Mỹ đã phát hiện các mảnh vỡ trôi nổi và vớt được 19 thi thể cách Honolulu khoảng 1.600km về phía Đông.
Hầu hết các nạn nhân đều mặc áo phao, cho thấy máy bay đã chuẩn bị lao xuống Thái Bình Dương.
Chiếc máy bay và 25 người còn lại không bao giờ được tìm thấy.
Mặc dù khám nghiệm cho thấy nồng độ khí CO tăng cao trong một số thi thể tìm được, Ủy ban Hàng không dân dụng Mỹ "không tìm thấy bằng chứng nào về hành vi phá hoại đã xảy ra."
Khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra, một chiếc Douglas DC-4 đã cất cánh từ Vancouver, Canada, để đến Tokyo, Nhật Bản, nhằm hỗ trợ chiến dịch không vận tại Hàn Quốc.
Ngày 21/7/1951, chiếc máy bay chở theo 31 hành khách và phi hành đoàn 6 người của hãng Canada Pacific gặp phải thời tiết mưa to, tầm nhìn kém và tình trạng đóng băng khi đến gần Anchorage, Alaska
Khi chỉ còn cách điểm dừng khoảng 90 phút bay, phi công báo cáo không có gì bất thường. Tuy nhiên, sau đó, không có bất kỳ tín hiệu nào được ghi nhận từ máy bay.
Đội cứu hộ Mỹ và Canada đã tìm kiếm trong nhiều tháng nhưng không tìm thấy dấu vết của mảnh vỡ.
Ngày 23/6/1950, chiếc máy bay cánh quạt DC-4 chở 55 hành khách và phi hành đoàn gồm 3 người bay đến gần hồ Michigan vào khoảng nửa đêm thì bất ngờ gặp một cơn giông mạnh.
Sự nhiễu động không khí nghiêm trọng và sấm sét đã khiến phi công của ba chuyến bay khác phải quay đầu về điểm xuất phát. Nhưng chiếc DC-4 vẫn thực hiện hành trình bay.
Khi đến gần Cảng Benton, Michigan, phi công của hãng hàng không Northwest đã yêu cầu được phép hạ độ cao từ 1.067m xuống 762m mà không nêu lý do, nhưng các nhân viên kiểm soát không lưu từ chối yêu cầu vì có các máy bay khác trong khu vực.
Vài phút sau, các nhân chứng trên mặt đất nghe thấy tiếng động cơ máy bay và nhìn thấy một “tia sáng kinh hoàng.”
Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ đã phát hiện ra vết dầu loang ở hồ Michigan gần Milwaukee và tập trung tìm kiếm ở đó. Hai ngày sau, các nhóm tìm kiếm đã phát hiện ra những chiếc chăn có logo của hãng Northwest, đệm cao su và thi thể nằm tại khu vực cách bờ biển Nam Haven, Michigan, khoảng 16km.
Do tầm nhìn kém dưới lòng hồ, các thợ lặn không thể xác định được vị trí máy bay rơi. Ủy ban Hàng không dân dụng Mỹ chỉ có thể kết luận rằng nguyên nhân của vụ tai nạn máy bay thương mại gây chết người nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ vào thời điểm đó là “không rõ ràng.”
Trong thập kỷ qua, việc thăm dò bằng sóng siêu âm trong phạm vi 777km2 đáy hồ gần hiện trường vụ tai nạn đã xác định được 14 vụ đắm tàu, nhưng vẫn không có dấu hiệu nào của chiếc máy bay mang số hiệu 2501.
Tam giác Quỷ Bermuda là cái tên có thể khiến người ta sởn tóc gáy, do nhiều máy bay và tàu thuyền đã biến mất khi đi qua vùng biển nằm trên Đại Tây Dương này.
Ngày 17/01/1949, mặc dù phi công báo cáo điều kiện thời tiết tốt nhưng liên lạc vô tuyến với chiếc máy bay của hãng hàng không British South American Airways Star Ariel trên đường từ Bermuda đến Jamaica đột ngột chấm dứt chỉ một giờ sau khi chuyến bay khởi hành.
Các nhà điều tra Anh không thể tìm thấy mảnh vỡ của chiếc Avro Tudor Mark IV hay bất kỳ dấu hiệu nào của 20 người trên máy bay.
Không có bằng chứng, các nhà điều tra buộc phải kết luận rằng nguyên nhân vụ tai nạn là không rõ ràng.
Vụ tai nạn của Star Ariel xảy ra chưa đầy một năm sau sự biến mất của một chiếc máy bay chở khách khác của Anh.
Ngày 30/01/1948, máy bay của hãng British South American Airways Star Tiger, với 31 người trên máy bay, đã duy trì liên lạc vô tuyến bình thường ngay trước khi bay vào không phận Bermuda trên chuyến bay từ Azores.
Tuy nhiên, chiếc máy bay chưa bao giờ hạ cánh và cũng không có thông báo cấp cứu nào được phát ra từ chiếc máy bay Avro Tudor.
Nỗ lực cứu hộ kéo dài 5 ngày không tìm thấy mảnh vỡ nào và các nhà điều tra kết luận số phận của chiếc máy bay là "một bí ẩn chưa được giải đáp".
TB (theo Vietnam+)