Trong chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược, dấu chân và xương máu của quân và dân Hải Dương đã trải đều khắp chiến trường các tỉnh biên giới...
Điểm cao 468 Vị Xuyên - một trong những trận địa khốc liệt nhất trong chiến tranh
bảo vệ biên giới phía Bắc. Ảnh: TRI THỨC
Vừa trở về từ các chiến trường phía Nam, nhiều người lính trận lưng áo chưa ráo mồ hôi, tóc còn vương mùi thuốc súng đã vội vã bước ngay vào cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc để bảo vệ từng tấc đất nơi biên cương Tổ quốc. Với họ, những tháng năm ấy mãi mãi là những bài ca đi cùng năm tháng.
Sáng sớm 17-2-1979, pháo binh Trung Quốc khai hỏa vào lãnh thổ Việt Nam. Cùng lúc, Trung Quốc huy động 600.000 lính gồm nhiều quân đoàn bất ngờ tấn công dọc biên giới 6 tỉnh phía Bắc Việt Nam với quy mô lớn, mở màn cho cuộc chiến tranh xâm lược.
"Hôm sau ta chiếm lại chốt Móng Cái, tôi cùng anh em phải thức trắng nhiều đêm canh gác." Ông Ngô Văn Hát ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) |
|
Cùng cả nước, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, những chiến sĩ người Hải Dương lại lên đường cầm súng bảo vệ biên cương. Ông Vũ Đình Muồn năm nay 65 tuổi ở đường Mai Hắc Đế, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) là một trong những người như thế. Tháng 3-1979, khi quân bành trướng Trung Quốc ào ạt tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, ông Muồn đang chiến đấu tại biên giới Tây Nam trong đoàn quân chủ lực đã được điều động lên Cao Bằng. Tại đây, ông Muồn là Trợ lý tác chiến Trung đoàn 529, Sư đoàn 311, Quân đoàn 26 đóng ở xã Đức Long (huyện Thạch An). Do nhiệm vụ chặn đánh thám báo Trung Quốc nên chế độ tập luyện của chiến sĩ trong trung đoàn cực khổ hơn, ngay cả khi mưa gió, bão lũ để sẵn sàng tác chiến trong mọi hoàn cảnh. Nước ta khi ấy vừa trải qua chiến tranh chống Mỹ đã lại phải gồng mình với cuộc chiến chống quân bành trướng Trung Quốc nên quân lương của chiến sĩ còn thiếu thốn đủ bề. Tại mặt trận Cao Bằng, suốt nhiều ngày liền mưa tầm tã, sốt rét và các bệnh ngoài da hành hạ, các chiến sĩ lại phải chiến đấu trên nhiều địa hình dốc đứng, hiểm trở, người này mượn vai người kia để di chuyển. Nhiều đồng đội của ông đã nằm xuống trước khi cầm súng chiến đấu với kẻ thù... Thế nhưng ý chí sắt đá của những người lính từng tôi luyện trên khắp các chiến trường đã giúp ông cùng đồng đội chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất nơi biên cương Tổ quốc, đẩy lùi các cuộc tấn công theo chiến thuật "biển người" của kẻ thù. Khi Trung Quốc rút quân, tiếng đạn bom tạm lắng, ông Muồn tiếp tục ở lại đơn vị làm nhiệm vụ ổn định tình hình, đề phòng quân Trung Quốc trở mặt, cho đến ngày bàn giao công việc cho bộ đội địa phương vào năm 1992.
Trước khi cầm súng bảo vệ biên giới phía Bắc, ông Vũ Đình Muồn (bên phải) đã tham gia chiến tranh
chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam. Ảnh: TIẾN HUY
Cũng như ông Muồn, trước khi tham gia đánh quân Trung Quốc xâm lược, ông Ngô Văn Hát năm nay 67 tuổi ở đường Tuệ Tĩnh, thuộc khu 18, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) cũng đã từng kinh qua chiến trận. Tháng 2-1968, ông Hát nhập ngũ và trực tiếp tham gia Chiến dịch Mậu Thân. Tại chiến trường Quảng Trị, ông Hát bị thương nên về Bắc. Đến năm 1978, ông được bổ sung vào lực lượng đi huấn luyện ở Quảng Yên, Uông Bí, Hòn Gai, Cẩm Phả (Quảng Ninh). Chiến tranh nổ ra, ông là đội trưởng chỉ huy chiến đấu tại một số mặt trận vùng biên giới Quảng Ninh. "13 giờ 10 ngày 19-2-1979, Trung Quốc nã pháo, sau đó khoảng 1 sư đoàn ồ ạt tấn công. Ngay đêm hôm đó ta bị mất chốt Móng Cái. Hơn 20 đồng đội của chúng tôi hy sinh ở trận Thán Phún. Tôi cùng anh em vội vã bới đất chôn đồng đội dưới đêm mưa tầm tã, đạn pháo bắn trên đầu. Hai giờ sáng hôm sau ta chiếm lại chốt Móng Cái, tôi cùng anh em phải thức trắng nhiều đêm canh gác", ông Hát kể lại những ngày chiến đấu với kẻ thù.
Cũng tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, song ông Nguyễn Văn Bính (54 tuổi) ở thôn Gạch, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) lại trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). Đây là một trong những mặt trận khốc liệt nhất, do có sự tập trung quân lực, hỏa lực cực lớn của Trung Quốc. Tại mặt trận này, hàng nghìn bộ đội ta đã mãi mãi nằm xuống bởi họng súng của quân Trung Quốc. Gia đình có 3 anh em, anh cả là liệt sĩ chống Mỹ song tháng 3-1983, ông Bính vẫn tình nguyện lên đường và được bổ sung vào Trung đoàn 82 bộ binh, Sư đoàn 350. Đến năm 1984, ông cùng 800 đồng đội người Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh… di chuyển bằng ô tô quân sự đến Hà Giang, đóng quân tại C16, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356. Khi ấy, ông Bính là Đại đội trưởng Đại đội Pháo cao xạ. Ông Bính nhớ lại: Đúng 0 giờ ngày 20 tháng chạp, chỉ còn 10 ngày nữa là Tết cổ truyền Giáp Tý (năm 1984), bộ đội ta dùng lưỡi lê, dao, lựu đạn đánh giáp lá cà với quân Trung Quốc tại điểm 685, 772, 1509… Địa hình hiểm trở, núi đá tai bèo trùng điệp, ta phải cho người lên buộc dây thả xuống để đồng đội leo lên. Cuộc chiến căng thẳng kéo dài liên tục 10 ngày, đến 0 giờ ngày 30 tháng chạp thì chấm dứt và có nhiều thương vong cho cả hai bên. Ông Bính rưng rưng: "Tối một ngày tháng 2-1985, đơn vị nhận nhiệm vụ tải đạn và cứu thương tại cửa hang suối Cụt. Đây gọi là “chảo rang người” vì là thung lũng, quân Trung Quốc ở trên bắn xuống khiến ta thương vong lớn. Trong quá trình vận chuyển, bị pháo kích nên tất cả nhảy xuống giao thông hào. Tôi được anh Suốt quê Bình Giang ở đơn vị khác ôm bảo vệ phía trên. Sau trận pháo, anh Suốt hy sinh, một số đồng đội khác không tìm thấy xác"... Có những lần chiến đấu liên tục, dài ngày, các chiến sĩ phải tiết kiệm từng chút lương khô, nước uống. Những đêm mưa rừng, chiến sĩ phải nằm trong khe đá chờ lệnh tấn công hoặc phòng thủ quân Trung Quốc tràn vào. Có những điểm ta đánh chiếm buổi sáng thì buổi chiều Trung Quốc chiếm lại. Vất vả, hy sinh nhưng bộ đội ta vẫn kiên cường chiến đấu, giành giật từng tấc đất cho đến ngày Trung Quốc rút quân...
Trong chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược, dấu chân và xương máu của quân và dân Hải Dương đã trải đều khắp chiến trường các tỉnh biên giới từ Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng cho đến Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu. Rất nhiều chiến sĩ người Hải Dương đã mãi mãi nằm lại chiến trường. Máu xương của các anh đã hòa vào từng gốc cây, ngọn cỏ, vào từng dòng sông, khe suối để ngày nay sắc hoa thắm bừng lên như những nụ cười rạng rỡ trên những dải đất miền biên cương Tổ quốc. Còn với những người vượt qua lửa đạn trở về, những năm tháng ấy mãi mãi là bài ca không quên.
TIẾN HUY