Trước khi được quy định trong Hiến pháp năm 1946, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội đã từng bước được khẳng định trên thực tế qua các kỳ họp Quốc hội.
Tại Kỳ họp thứ nhất ngày 2-3-1946 tại Hà Nội, Quốc hội đã thực hiện những nhiệm vụ của cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cụ thể là Quốc hội nghe Hồ Chí Minh đại diện cho Chính phủ khai mạc và báo cáo những công việc đã làm được trong thời gian trước đó; biểu quyết thông qua danh sách các thành viên Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm 12 người, lập ra Cố vấn đoàn, Kháng chiến ủy viên hội; bầu Ban Thường trực Quốc hội và quyết định khi Chính phủ muốn tuyên chiến hay đình chiến bắt buộc phải hỏi ý kiến Ban Thường trực...
Cơ cấu tổ chức
Tại Kỳ họp thứ nhất ngày 2-3-1946, Nghị viện nhân dân đã thảo luận và nhất trí về việc lập Ban Thường trực với những nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể.
Căn cứ nhiệm vụ quyền hạn đó, Quốc hội đã bầu ra Ban Thường trực gồm 15 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết. Về sau, Ban Thường trực được bổ sung thêm 4 đại biểu Nam Bộ, trong đó có 2 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết.
Sau khi Hiến pháp năm 1946 được ban hành thì Ban Thường trực được đổi tên gọi thành Ban Thường vụ của Nghị viện nhân dân. Hiến pháp năm 1946 quy định Nghị viện nhân dân bầu một Nghị trưởng, 2 Phó Nghị trưởng, 12 ủy viên chính thức, 3 ủy viên dự khuyết để lập thành Ban Thường vụ. Hiến pháp cũng quy định Ban Thường vụ có những quyền hạn cụ thể.
Do hoàn cảnh của chiến tranh nên Ban Thường vụ Nghị viện theo quy định của Hiến pháp năm 1946 chưa được thành lập trên thực tế. Thay vào đó Ban Thường trực Quốc hội được thành lập vào ngày 2-3-1946 vẫn tiếp tục được duy trì và thực thi những nhiệm vụ và quyền hạn được Hiến pháp quy định.
Tại Kỳ họp thứ hai, Nghị viện nhân dân đã bầu lại Ban Thường trực gồm 18 người do ông Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng ban. Ngày 11-11-1946, Ban Thường trực đã thành lập ra các tiểu ban là Ban Pháp chế gồm 8 người; Ban Tài chính kinh tế gồm 6 người và Ban Kiến nghị gồm 4 người...
Ban Thường trực Quốc hội đã quyết định tăng thêm số lượng các uỷ viên chuyên trách, tăng cường các bộ phận giúp việc về hành chính và nghiên cứu của Ban Thường trực. Ba tiểu ban của Ban Thường trực Quốc hội đã được cơ cấu lại gồm có Tiểu ban Pháp luật phụ trách nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến pháp luật; Tiểu ban Tuyển cử bổ sung phụ trách nghiên cứu việc chuẩn bị thực hiện nghị quyết tuyển cử bổ sung và Tiểu ban Dân nguyện phụ trách việc nghiên cứu đơn từ nguyện vọng, các ý kiến của nhân dân đề đạt lên Quốc hội. Mỗi tiểu ban đều có Uỷ viên Thường trực phụ trách và một số cán bộ giúp việc.
Về bộ máy giúp việc của Quốc hội, trong quá trình hoạt động, đã hình thành bộ phận cán bộ giúp việc cho Quốc hội và Ban Thường trực. Từ tháng 3-1946 đến tháng 12 - 1946, Ban Thường trực Quốc hội đã làm việc thường xuyên tại số nhà 71 phố Hàng Trống (Hà Nội). Từ những căn cứ và điều kiện lịch sử cụ thể của việc chính thức thành lập Ban Thường trực Quốc hội vào ngày 2-3-1946 nên ngày 2-3 được lấy làm Ngày truyền thống của Văn phòng Quốc hội.
Đầu năm 1947, chiến tranh ngày càng ác liệt, Ban Thường trực Quốc hội đã cùng Chính phủ rời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc: Từ tháng 4-1947 đến cuối tháng 7-1954, Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội ở và làm việc tại các thôn thuộc huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang). Đến đầu năm 1950 thì tổ chức Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội được hình thành rõ nét hơn.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình được lập lại, Văn phòng Ban Thường trực trở về Thủ đô và tiếp tục được kiện toàn. Đầu năm 1957, Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội được tổ chức thành 2 phòng chuyên môn: Phòng Hành chính - Quản trị và Phòng Nghiên cứu, có nhiệm vụ thực hiện các công việc hành chính, quản trị, làm biên bản các phiên họp của Ban Thường trực Quốc hội, nghiên cứu các dự án luật, tiếp nhận hồ sơ và giữ mối quan hệ thường xuyên với các đại biểu Quốc hội...
Đại biểu Quốc hội
Hiến pháp năm 1946 quy định nghị viên (đại biểu Quốc hội) có những đặc quyền đáng kể, bao gồm quyền bất khả xâm phạm thân thể của nghị viên; nếu chưa được Nghị viện nhân dân đồng ý hay Ban Thường vụ đồng ý khi Nghị viện nhân dân không họp thì không được bắt giam và xét xử nghị viên; về quyền tự do phát biểu chính kiến của nghị viên, theo đó, nghị viên không bị truy tố vì lời nói hay biểu quyết trong Nghị viện. Nghị viên có thể bị bắt giam trong trường hợp phạm pháp quả tang nhưng chậm nhất là 24 giờ phải thông báo cho Ban Thường vụ để Ban Thường vụ hoặc Nghị viện xem xét, quyết định.
Hiến pháp năm 1946 cũng quy định về vấn đề bãi miễn một nghị viên. Tại điều 41 là "nghị viện phải xét vấn đề bãi miễn một nghị viên khi nhận được đề nghị của một phần tư tổng số cử tri của tỉnh hay thành phố đã bầu ra nghị viên đó. Nếu hai phần ba tổng số nghị viên ưng thuận đề nghị bãi miễn thì nghị viên đó phải từ chức". Như vậy, theo quy định của Hiến pháp năm 1946 thì chỉ có cử tri là người đã bầu ra đại biểu Quốc hội mới là chủ thể có quyền đề xuất việc bãi miễn đại biểu, còn quyền quyết định việc bãi miễn lại thuộc về Nghị viện khi có hai phần ba tổng số đại biểu đồng ý về việc bãi miễn đó.
Kết quả hoạt động
Quốc hội khóa I đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng nhà nước dân chủ cộng hòa từ những năm tháng đầu tiên sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Trong thời kỳ này, Quốc hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc thành lập Chính phủ hợp hiến, hợp pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và "trao quyền bính cho chính quyền ấy", bảo đảm cho Chính phủ đủ uy tín, hiệu lực để tổ chức nhân dân kháng chiến, kiến quốc, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. Từ năm 1954 đến năm 1960, Quốc hội đã phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà theo quy định của Hiệp định Geneve. Những năm đầu sau khi hòa bình lập lại, Quốc hội cũng đã thông qua các kế hoạch khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, đưa miền Bắc tiến dần từng bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Trong nhiệm kỳ 14 năm hoạt động, Quốc hội khóa I đã xem xét và thông qua bản Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, 16 đạo luật và 50 nghị quyết, trong đó có những đạo luật quan trọng như Luật cải cách ruộng đất, Luật quy định quyền tự do hội họp, Luật quy định quyền lập hội, Luật bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật và thư tín của nhân dân và Luật về chế độ báo chí. Đây là những đạo luật quy định những quyền tự do rất cơ bản của người dân.
(Còn nữa)
(Theo Văn phòng Quốc hội)