70 năm từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên

30/12/2015 15:46

Quốc hội khóa X (1997-2002) được bầu cử và đi vào hoạt động đúng vào thời điểm công cuộc đổi mới sau 10 năm đã thu được những thành tựu to lớn.


Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được của Quốc hội các khóa trước, Quốc hội khóa X đã tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII và lần thứ IX của Đảng về đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 14 thành viên do đồng chí Nông Đức Mạnh làm Chủ tịch, 5 Phó Chủ tịch và 8 ủy viên. Tại Kỳ họp thứ 9 từ ngày 22-5 đến 29-6-2001, Quốc hội đã tín nhiệm bầu đồng chí Nguyễn Văn An làm Chủ tịch Quốc hội thay đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Quốc hội đã thành lập Hội đồng Quốc phòng và an ninh; thành lập Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban của Quốc hội: Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Kinh tế và ngân sách; Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Ủy ban Về các vấn đề xã hội; Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường; Ủy ban Quốc phòng và an ninh, Ủy ban Đối ngoại.

Trong nhiệm kỳ 5 năm (1997-2002) qua 11 kỳ họp và 50 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội khóa X đã tập trung công sức, trí tuệ và thời gian để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác lập pháp, đẩy mạnh công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tính dân chủ trong hoạt động ngày càng được phát huy, tính hình thức ngày càng giảm.

Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã ban hành được 1 bộ luật, 31 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành được 39 pháp lệnh. Các văn bản luật và pháp lệnh được ban hành đã quán triệt quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra, tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vấn đề bức xúc của cuộc sống và công cuộc phát triển đất nước. Đối tượng điều chỉnh của các văn bản này liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều văn bản pháp luật đã đáp ứng đúng đòi hỏi của thực tiễn nên nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Cùng với hoạt động lập pháp, Quốc hội ngày càng chú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, mục tiêu quốc gia, tổ chức bộ máy và nhân sự của các cơ quan nhà nước do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, các vấn đề về bảo đảm an ninh - quốc phòng. Đặc biệt, Quốc hội đã xem xét kết quả thực hiện Nghị quyết về kế hoạch 5 năm (1996 - 2000) và thông qua Nghị quyết về kế hoạch 5 năm tiếp theo (2001 - 2005); thông qua Nghị quyết về tiêu chuẩn các công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Quốc hội đã xem xét và thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn "Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa" tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 6-2000); Nghị quyết về việc phê chuẩn "Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại song phương" tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 11-2001).

Quốc hội khóa XI (2002-2007) là nhiệm kỳ Quốc hội đầu tiên hoạt động trong thiên niên kỷ mới. Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 13 thành viên do đồng chí Nguyễn Văn An làm Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch và 9 ủy viên. Quốc hội thành lập Hội đồng Quốc phòng và an ninh; thành lập Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban của Quốc hội: Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Kinh tế và ngân sách, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Ủy ban Về các vấn đề xã hội; Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường; Ủy ban Quốc phòng và an ninh, Ủy ban Đối ngoại.

Để thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định thành lập 3 cơ quan chuyên môn trực thuộc, đó là: Ban công tác lập pháp, Ban công tác đại biểu và Ban dân nguyện.

Trong nhiệm kỳ này, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đã tăng lên đáng kể. Có 120 trong số 498 đại biểu (chiếm gần 25% tổng số đại biểu Quốc hội) hoạt động chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và ở 64 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quốc hội khóa XI trải qua 11 kỳ họp và 50 phiên họp định kỳ diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới đất nước được triển khai một cách toàn diện, mạnh mẽ nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Kế thừa và phát huy những kinh nghiệm và thành tựu của các khóa trước, Quốc hội đã tiếp tục đổi mới về tổ chức và hoạt động, đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc thực hiện những chức năng cơ bản của Quốc hội.

Trong lĩnh vực lập pháp, Quốc hội đã có bước đột phá lớn. Với những đổi mới quan trọng về quy trình lập pháp, Quốc hội đã xem xét, thông qua 84 luật, bộ luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua và 31 pháp lệnh. Chất lượng các dự án luật, pháp lệnh được thông qua đã bám sát yêu cầu của cuộc sống, xử lý tốt một số vấn đề nhạy cảm và phản ánh đầy đủ hơn thực tiễn xã hội. Nội dung các vấn đề được quy định trong các luật, bộ luật cơ bản bao quát các lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh, đối ngoại đến tổ chức bộ máy nhà nước, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt, Quốc hội đã dành nhiều thời gian, công sức để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các đạo luật về kinh tế thuộc các lĩnh vực: doanh nghiệp, đầu tư, ngân hàng, tín dụng, thương mại, kinh doanh bất động sản, cải cách chính sách thuế... phù hợp với điều kiện và mục tiêu của đất nước, yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhiều bộ luật lớn quy định về trình tự thủ tục đã được sửa đổi hoặc ban hành mới như Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự; nhiều vấn đề mới và khó như cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, chứng khoán, chuyển giao công nghệ... đã được Quốc hội ban hành các đạo luật để điều chỉnh.

Việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng thực chất hơn. Quốc hội khóa XI đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, từ tổ chức bộ máy nhà nước, nhân sự cấp cao thuộc thẩm quyền của Quốc hội; nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước cho đến chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia; phê chuẩn Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một số nước; phê chuẩn Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới...

(Còn nữa)
(
Theo Văn phòng Quốc hội)

(0) Bình luận
70 năm từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên