Với những đóng góp của mình, Học viện đã được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động...
Trải qua 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn khẳng định và giữ vững bản sắc Trường Đảng Trung ương, với các sứ mệnh quan trọng: Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị; Trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cung cấp luận cứ cho việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách cho Đảng, Nhà nước và là hạt nhân quan trọng trong xây dựng hệ thống giáo dục lý luận chính trị cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh của Đảng, Nhà nước cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Lễ kỷ niệm 65 năm truyền thống (1949 - 2014), ngày 24.9.2014
Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc
Trước nhu cầu phải có ngày càng nhiều cán bộ cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc, năm 1949, tại căn cứ địa Việt Bắc, Trường Ðảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) chính thức được thành lập.
Tháng 9.1949, trong ngày khai giảng lớp lý luận dài hạn khoá II, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm trường và ghi vào cuốn sổ vàng của nhà trường những lời huấn thị bất hủ: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Trong giai đoạn 1949-1954, Trường liên tục mở các lớp đào tạo lý luận dài hạn. Giai đoạn này, trường đã đào tạo, bồi dưỡng được 5.750 cán bộ, góp phần vào thắng lợi giải phóng hoàn toàn miền Bắc vào năm 1954.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc được chuyển về Hà Nội, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phục vụ sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.
Cuối năm 1958, Trung ương cho xây dựng khu trường mới với quy mô lớn hơn. Đây chính là cơ sở của Học viện hiện nay. Song song với công tác đào tạo lý luận chính trị, từ năm 1966 đến 1975, công tác nghiên cứu khoa học của Trường cũng được quan tâm. Trong thời kỳ này Trường đã đào tạo 43.075 cán bộ cho các ban, ngành và các địa phương.
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra nhiệm vụ trước mắt là thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, đặt ra cho sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học của trường Đảng những nhiệm vụ mới với quy mô lớn.
Năm 1977, cơ sở 2 của trường được thành lập, đặt tại TP Hồ Chí Minh. Cùng với công tác giáo dục, đào tạo, nhà trường tập trung nghiên cứu nhiều đề tài khoa học, làm sáng tỏ hơn những chân lý khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nhằm phục vụ việc nâng cao chất lượng đào tạo và góp phần cung cấp căn cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cái nôi đào tạo cán bộ quản lý trung, cao cấp cho cả hệ thống chính trị
Thực hiện đường lối đổi mới đất nước, tháng 10-1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định về chức năng, nhiệm vụ của Học viện, gồm: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cao cấp của Đảng, Nhà nước về mặt lý luận và chính trị; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lý luận Mác-Lênin có trình độ đại học và sau đại học; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cao, trung cấp và cán bộ lý luận do các Đảng bạn gửi sang về mặt lý luận và chính trị; tổ chức hợp tác quốc tế...
Thực hiện chức năng và nhiệm vụ nêu trên, từ năm 1987, hệ đào tạo nghiên cứu sinh của Học viện bắt đầu bảo vệ luận án tiến sĩ theo quy chế nhà nước. Quy mô hệ đào tạo cơ bản hai năm và đào tạo thạc sĩ tăng lên.
Hệ đào tạo học viên quốc tế được hình thành. Đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu được bổ sung, nâng cao về trình độ khoa học và chất lượng công tác. Đầu năm 1989, Học viện đã có 25 giáo sư và phó giáo sư, 38 phó tiến sĩ.
Để tăng cường tiềm lực cả về số lượng và chất lượng cho công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong giai đoạn mới, năm 1996, Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh được hợp nhất với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, lấy tên là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng thời là trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Năm 2005, trước yêu cầu mới là đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Bộ Chính trị chủ chương đổi mới công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện.
Theo đó, cơ cấu, tổ chức của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gồm: Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Báo chí-Tuyên truyền và các viện, vụ, ban, văn phòng, tạp chí, nhà xuất bản.
Năm 2007, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính hợp nhất thành Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Năm 2014, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đổi tên thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Có thể thấy, trong suốt 70 năm qua, dù trải qua nhiều lần hợp nhất và đổi tên nhưng bản sắc của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vẫn luôn là trường Đảng Trung ương, với nhiệm vụ chính là đào tạo cán bộ quản lý trung, cao cấp cho Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, là trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia hàng đầu về chủ nghĩa Mác-Lênin, lý luận chính trị, tham gia vào quá trình xây dựng, đổi mới nội dung chương trình giảng dạy lý luận chính trị của hệ thống trường đảng cả nước.
Học viện cũng là nơi đào tạo lực lượng giảng viên vừa sâu sắc về lý luận, vừa am tường về quản lý lãnh đạo; cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, từ năm 2013 - 2015, Học viện đã tổ chức các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp, chuẩn bị nhân sự cho khóa XII. Vừa qua, Học viện đã triển khai các lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII.
Trong hợp tác quốc tế, Học viện mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược, đối tác mới, các tổ chức quốc tế...
Với những đóng góp của mình, Học viện đã được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Theo TTXVN