650 tỷ USD có làm cho quân đội Nga thực sự mạnh thêm?

05/03/2011 17:40

Quân đội Nga vừa thông báo một kế hoạch mua sắm vũ khí hoành tráng trị giá lên tới 650 tỷ USD nhằm thực hiện một cuộc cải tổ lực lượng. Liệu Nga có mạnh lên với kế hoạch hiện đại hóa vũ khí lớn này.

Theo kế hoạch trên, từ nay đến năm 2020, Bộ Quốc phòng Nga sẽ mua 10 tàu chiến hiện đại, 10 hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-500, hơn 600 máy bay chiến đấu và 100 máy bay trực thăng. Ngoài ra, Nga cũng sẽ đóng thêm 8 tàu ngầm hạt nhân chiến lược và hai tàu sân bay tấn công Mistral. Những vũ khí mới này sẽ cho phép Nga tái trang bị vũ khí toàn diện cho lực lượng tên lửa chiến lược cũng như các lực lượng thông thường khác.

“Nỗ lực hiện đại hóa” của Bộ Quốc phòng Nga sẽ được chính thức khởi động trong năm nay với việc triển khai các tên lửa phòng không thế hệ mới và cung cấp các loại vũ khí chống tên lửa cho lực lượng mặt đất Nga.

Kế hoạch mua sắm vũ khí hết sức ấn tượng nói trên của Moscow được đưa ra ngay sau khi Nga vừa trải qua một cuộc cải cách quân đội khá khó khăn và đau đớn. Cuộc cải cách này đã giúp giảm mạnh biên chế binh lính Nga, xóa bỏ 9 trong số 10 đơn vị từ thời Xô viết và cắt giảm 200.000 sĩ quan quân đội. Theo các nhà phân tích, mục đích bây giờ của Nga là xây dựng một lực lượng vũ trang chuyên nghiệp, thiện chiến, ít nhưng chất lượng nhằm đối phó với các mối đe dọa của thế kỷ 21. 

Các nhà phân tích tin rằng, mặc dù đã là quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ 5 của thế giới, Nga vẫn cần phải đầu tư lớn để xây dựng các lực lượng thông thường mạnh nhằm giảm phụ thuộc một cách quá mức của quân đội nước này vào hệ thống răn đe bằng tên lửa cũ kỹ có từ thời Xô viết. Ông Valentin Rudenko, Giám đốc Hãng tin quân sự của Interfax, cho rằng, kế hoạch của Nga có thể tạo ra “một tình thế hoàn toàn mới."

"Trong 2 thập kỷ qua, chúng tôi chưa thực sự có kế hoạch hiện đại hóa nào, ít nhất là như kế hoạch vừa được đưa ra. Với kế hoạch mới, Nga cuối cùng cũng sẽ có một lực lượng vũ trang hiện đại ở cấp độ hàng đầu và có thể giúp chúng tôi bảo vệ đất nước”, ông Rudenko cho biết.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ý kiến hoài nghi về kế hoạch đầu tư lớn cho vũ khí mới hiện đại của Nga.

Hoài nghi về kế hoạch chi tiêu

Phần lớn trong tổng số tiền 650 tỉ USD sẽ được Nga đổ vào hoạt động củng cố sức mạnh của lực lượng Hải quân. Theo đó, Hải quân Nga sẽ nhận được những chiếc tàu ngầm mới, 35 tàu hộ tống nhỏ, 15 tàu khu trục nhỏ và 4 tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral. Hai trong số 4 con tàu Mistral với trị giá 750 triệu USD mỗi chiếc sẽ được Nga mua từ Pháp và hai chiếc còn lại sẽ được Nga đóng tại nhà máy đóng tàu của nước này với sự cho phép của Pháp.

Một số chuyên gia tỏ ra rất hoài nghi về kế hoạch mua sắm vũ khí hoành tráng của Bộ Quốc phòng Nga, đặc biệt là việc mua những chiếc tàu sân bay trực thăng Mistral đắt đỏ. Tàu Mistral được cho là chỉ để Nga phô diễn sức mạnh toàn cầu chứ không nhằm mục đích chiến đấu trong các cuộc chiến tranh phòng vệ và địa phương mà học thuyết quân sự Nga tuyên bố như là một ưu tiên chính trong chính sách quốc phòng của đất nước.

"Rất khó có thể đánh giá được xem Hải quân của chúng ta cần gì ở những chiếc tàu Mistral tốn tiền tốn của này," ông Viktor Baranets, một cựu phát ngôn viên Bộ Quốc phòng và hiện thời là phóng viên quân sự của tờ nhật báo Komsomolskaya Pravda ở thủ đô Moscow, cho biết. Theo ông này, những chiếc tàu Mistral có thể đem lại cho Nga danh tiếng, uy tín nhưng “chúng đòi hỏi một lực lượng bảo vệ khổng lồ. Bất kỳ lúc nào, một nửa lực lượng Hải quân Nga cũng có thể phải được huy động chỉ để hộ tống những con tàu này đi vòng quanh thế giới."

Về kế hoạch đóng tàu ngầm, Nga có kế hoạch trang bị cho những chiếc tàu ngầm này bằng các tên lửa hạt nhân tầm xa mới Bulava. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các cuộc thử nghiệm tên lửa Bulava đã nhiều lần gặp thất bại. “Các Bộ trưởng Quốc phòng có thể đưa ra cam kết nhưng không nhà thiết kế hay kỹ sư nào có thể hứa rằng, tên lửa Bulava có thể được đưa vào sử dụng và triển khai đúng kế hoạch đã đặt ra," nhà phân tích Baranets cho biết thêm.

Hoài nghi về chiến đấu cơ thế hệ mới

Các chuyên gia quân sự cho rằng, hầu hết những loại vũ khí mới mà Nga đang định đầu tư cho quân đội đều thực sự dựa trên những thiết kế cũ từ thời Xô viết, trong đó có máy bay trực thăng tấn công Mi-28, máy bay trực thăng vận tải Mi-26 và máy bay chiến đấu đa năng Sukhoi Su-35.

"Đó là những thiết kế có từ thời Xô viết và không thực sự hoàn toàn mới. Việc thiếu những thiết kế mới khác hẳn thời Xô viết đã cho thấy sự suy yếu nằm sâu bên trong các tổ hợp công nghiệp quân sự của chúng ta," ông Alexander Golts, một chuyên gia quân sự làm việc cho tạp chí mạng Yezhednevny Zhurnal, đã nhận định như vậy.

Theo ông Golts, loại vũ khí mới duy nhất mà Nga đang phát triển là tên lửa trục trặc Bulava và máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 mà Nga đang bắt tay cùng Ấn Độ sản xuất. Có vẻ như máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Nga đang được thổi phồng quá mức.    

"Chúng ta không biết đủ thông tin về loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Nga để có thể khẳng định là nó có thật hay không và liệu nó có phải là chiếc máy bay tàng hình có thể cạnh tranh với máy bay F-22 của Mỹ và máy bay F-35 của chính Nga hay không. Hay chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Nga chỉ là một phiên bản được cải tiến từ những thứ cũ kỹ?” ông Golts đã đặt ra một loạt câu hỏi như vậy về chiến đấu cơ thế hệ mới nhất của Nga.

Những người chỉ trích kế hoạch mua sắm vũ khí được liệt vào hạng “khủng” nói trên của Nga cho rằng, dù có đổ một số lượng lớn tiền vào các kế hoạch tái vũ trang thì vẫn không đủ để khôi phục lại tổ hợp công nghiệp quân sự già cỗi và đang suy yếu của Nga. Tổ hợp này đã đánh mất mạng lưới rộng lớn các nhà thầu phụ từ thời Xô viết.

"Đây không phải là lần đầu tiên điện Kremlin nói về kế hoạch hiện đại hóa quân sự. Tuy nhiên, tất cả các chương trình trước đây đều thất bại,” chuyên gia Golts kết luận.

(Nguồn: VnMedia)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    650 tỷ USD có làm cho quân đội Nga thực sự mạnh thêm?