Nhà lý luận, nhà tuyên truyền cách mạng, nhà văn hóa Hải Triều đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Nhà lý luận, nhà tuyên truyền cách mạng, nhà văn hóa Hải Triều
Ở ông - nhà lý luận, nhà tuyên truyền cách mạng, nhà văn hóa Hải Triều - có sự hội tụ của nhiều tư cách thống nhất mà đa dạng, phong phú: nhà báo sắc sảo; nhà tuyên truyền kịp thời và nồng nhiệt, có sức thuyết phục; nhà lý luận uyên bác, hùng biện; nhà triết học thường hằng, giản dị và nhà văn hóa tinh tế mà lão thực.
Ông mất cách đây 65 năm, ngày 6.8.1954.
Nhà lý luận, nhà tuyên truyền cách mạng, nhà văn hóa Hải Triều tên thật là Nguyễn Khoa Văn, sinh ngày 1.10.1908 trong một gia đình trí thức yêu nước và tiến bộ tại làng An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế (nay là An Cựu thuộc thành phố Huế).
Ông đã dành cả cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Và trên bình diện báo chí, tư tưởng, lý luận, văn hóa đều cho thấy vai trò đi tiên phong, mở đầu và đặt nền tảng, thể hiện sự thấm nhuần tư duy, lý luận Mác-xít-Lênin-nít của ông bằng con đường tự học và gắn bó với đời sống thực tiễn đất nước.
Nhà tuyên truyền cách mạng của Đảng
Từ chủ nghĩa yêu nước, Hải Triều-Nguyễn Khoa Văn đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và suốt đời dấn thân cho sự nghiệp cách mạng.
Ông đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, học tập, tuyên truyền chủ nghĩa Mác và triết học Mác-xít; tuyên truyền chính trị và cách mạng thế giới; tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; tham gia xây dựng lực lượng cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Ông cũng đã viết sâu về triết học, kinh tế học, chính trị học, tranh luận sắc sảo về vấn đề “duy tâm hay là duy vật". Ông đã tích cực nói chuyện, giảng bài cho cán bộ, đảng viên và quần chúng của Đảng.
Theo PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ (tại tọa đàm khoa học “Hải Triều-nhà lý luận, nhà tuyên truyền cách mạng, nhà văn hóa”, nhân kỷ niệm 60 năm ngày mất của ông), sự độc đáo của ông là ở chỗ: Nhà mác-xít trẻ tuổi Hải Triều đã khai mở sự nghiệp của mình trong sự gắn bó với thực tiễn đời sống cách mạng với vận dụng sáng tạo lý luận mác-xít - Lênin-nít, nhiều khi độc lập tác chiến mà vẫn bảo đảm định hướng của lý luận cách mạng, ngay từ thời kỳ vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông thuộc lớp tiền bối về công tác lý luận, tuyên truyền của Đảng.
Nhà báo với tư tưởng của một nhà cách mạng
Theo PGS, TS Hồ Thế Hà (tại tọa đàm khoa học “Hải Triều-nhà lý luận, nhà tuyên truyền cách mạng, nhà văn hóa”, nhân kỷ niệm 60 năm ngày mất của ông), ngay từ khi tuổi đời còn rất trẻ, Hải Triều-Nguyễn Khoa Văn đã định hình cho mình ba tâm thế, cũng là ba tư cách cần thiết của người cầm bút: có tài, có tâm và có đức. Tài xuất phát từ tư chất thông minh và sự học hỏi, tích lũy tri thức vững chắc; tâm xuất phát từ lòng yêu nghề và sự dấn thân đến cùng vì sự nghiệp; đức xuất phát từ mục tiêu, chân lý nghệ thuật và sự phụng sự cho sự nghiệp cách mạng chân chính của nhân dân.
Ông là cộng tác viên tích cực của 27 tờ báo lớn ở trong Nam, ngoài Bắc và ở Liên khu 4; trong Ban Biên tập hoặc tham gia quản lý nhiều tờ báo tiến bộ đương thời… Các bài báo của ông viết đều tập trung tuyên truyền cách mạng, vận động quần chúng đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù.
Trước Cách mạng Tháng Tám, ông đã cho xuất bản các cuốn “Duy tâm hay duy vật” (1936), “Văn sĩ và xã hội” (1937), “Chủ nghĩa Mác-xít phổ thông” (1938). Có thể nói, đây là những tác phẩm đầu tiên trong lịch sử xuất bản Việt Nam về việc tuyên truyền và phổ biến chủ nghĩa Mác trên quan điểm duy vật. Vào thời điểm đó, nhà lý luận Hải Triều đã có công lớn trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác đến với nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam, định hướng và thôi thúc họ đứng lên lật đổ chế độ thực dân phong kiến, nguyên nhân sâu xa khiến nhân dân ta khổ cực, bần cùng.
Sau khi ông mất, những bài viết của ông được sưu tầm và biên soạn, xuất bản trong các cuốn sách “Về văn học và nghệ thuật” (1965), “Hải Triều-tác phẩm” (1987) và “Hải Triều toàn tập” (2 tập-1996).
Nhà văn hóa dân tộc kiên định
Tuy là một nhà báo nhưng tên tuổi của ông lại nổi bật trên văn đàn qua các cuộc tranh luận vừa dài nhất, vừa lớn nhất trong lịch sử văn chương nước nhà về “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh” vào những năm cuối thập niên 30 của thế kỷ XX; tranh luận về lý luận văn học, lý luận xây dựng nền văn hóa Việt Nam và các bài nhận xét những tác phẩm văn học mới xuất hiện trước và trong kháng chiến.
Tác giả Hồ Xanh trong cuốn “Hải Triều - Nhà lý luận tiên phong” viết về Hải Triều như sau: Giữa lúc xã hội ta đang nhập nhoạng trong bức màn hoàng hôn: những học giả phú hào đang thuốc phiện, bạn trẻ, những văn sĩ mơ mộng đang thôi miên kẻ yếu bóng vía và bọn mê tín đang ê a, cúng cóc dắt quần chúng xuống địa ngục, thì ông Hải Triều, một nhà văn xã hội cho ra cuốn “Duy tâm hay là duy vật” tức là một chiếc máy thu thanh, ông đã thu tiếng sóng dồn dập nhân loại phương Tây từ đầu thế kỷ 19”.
Với tư duy nhạy bén và tiếp cận các khuynh hướng lý luận tiến bộ trên thế giới, Hải Triều có đóng góp đưa ra khái niệm văn chương "tả thực xã hội"; vấn đề tự do sáng tác, mối quan hệ văn học với đời sống... Có thể nói, ông là một trong những người đi đầu phổ biến và khẳng định những quan điểm của chủ nghĩa Mác trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Hải Triều có 46 tuổi đời với 26 tuổi nghề trải dài và tiếp biến qua các thời kỳ lịch sử đặc biệt: Trước Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ở thời kỳ nào, ông cũng thể hiện nhất quán lập trường, quan điểm nghệ thuật của mình một cách sáng rõ trước mọi thử thách và thực tiễn của đời sống báo chí, đặc biệt là đời sống văn chương dân tộc để bảo vệ chân lý, bảo vệ sự tiến bộ và sự thắng lợi của nền văn nghệ mới.
Với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng trên các lĩnh vực tuyên truyền chủ nghĩa Mác, hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí, ông đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất và truy tặng giải thưởng cao quý - Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1, năm 1996) cho các tác phẩm: "Về văn học và nghệ thuật", “Duy tâm hay duy vật” và “Văn sĩ và xã hội”.
THU HẠNH (TTXVN)