Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết khoảng 10 tiếng nữa bão số 9 sẽ vào bờ, bão đang lúc mạnh nhất.
Ngay sau khi xuống sân bay Đà Nẵng, lúc 13 giờ ngày 27.10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 9, đặt tại Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung, TP Đà Nẵng.
Tại cuộc họp, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết khoảng 10 tiếng nữa bão sẽ vào bờ, bão đang lúc mạnh nhất.
Quân đội huy động 66.000 người
Bắt đầu từ đêm nay, bão số 9 sẽ ảnh hưởng các tỉnh, TP từ Đà Nẵng đến bắc Bình Định. Ngay sau khi vào bờ, bão số 9 không suy yếu mà có thể đến bắc Tây Nguyên vẫn còn có gió mạnh cấp 8, cấp 9. Trong đợt này sẽ mưa 200-300mm, bão gây sóng lớn, các vùng trũng thấp ven sông sẽ ngập sâu bởi triều cường.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết khoảng 10 giờ sáng mai 28.10, bão sẽ vào từ Quảng Nam đến Bình Định. Hiện còn 142 tàu của Bình Định đang thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, còn lại đều đã vào nơi an toàn.
TP Đà Nẵng cho 144 tàu vận tải vào các cảng và vịnh. Quảng Nam có 1 tàu, Bình Định có 78 tàu biển, hiện đang vào Vũng Rô và Vân Phong để tránh bão.
Về công tác sơ tán dân, Thừa Thiên Huế có kế hoạch sơ tán 19.000 dân; TP Đà Nẵng sơ tán 35.000 dân; tỉnh Quảng Nam sơ tán 42.000 dân; Quảng Ngãi sơ tán 94.000 dân; Bình Định sơ tán 96.000 dân; Phú Yên sơ tán 27.000 dân. Các tỉnh, thành phố sẽ sơ tán dân hoàn thành trước 18h hôm nay.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết thành phố đã có kế hoạch sơ tán cụ thể từng khu dân cư, di dời cẩu xây dựng vận thang các công trình trước 17 gi[f hôm nay.
Trong khi đó ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay đối với các hồ thủy điện đều đã vận hành đưa mực nước về mực thấp nhất để đón lũ, có thể hứng 200 triệu m3 nước. Nếu mưa 200-300mm thì đảm bảo cắt lũ an toàn. Đến 17 giờ hôm nay, tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn thành sơ tán dân.
“Tôi yêu cầu phải tổ chức việc chống bão, di dời dân xong trước tối nay" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho biết đã huy động 66.000 người với 1.716 phương tiện các loại. Trong đó có 79 tàu to, 7 máy bay trực thăng và các loại xuồng hỗ trợ các địa phương phòng chống bão.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định đây là cơn bão nặng nhất trong nhiều năm trở lại đây vào miền Trung. Phó Thủ tướng cũng đánh giá các địa phương hiện đã chủ động huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống bão số 9.
Không ai được ở trên tàu cá
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra âu thuyền Thọ Quang, nơi neo đậu hàng ngàn tàu thuyền và là cảng cá lớn nhất khu vực miền Trung. Phó Thủ tướng chỉ đạo đưa tất cả ngư dân đến nơi tránh bão an toàn, không để bất cứ trường hợp nào được ở qua đêm trên các tàu cá.
"Tôi yêu cầu phải tổ chức việc chống bão, di dời dân xong trước tối nay. Ban quản lý âu thuyền phải hướng dẫn ngư dân sắp xếp tàu cá, đảm bảo không để xảy ra va đập chìm tàu" - Phó Thủ tướng nói.
Tàu cá được lệnh neo đậu bảo đảm khoảng cách tránh va đập khi bão vào
Có mặt buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cũng lệnh cho trưởng ban quản lý âu thuyền phải di chuyển tất cả các bình gas trên tàu lên bờ.
"Tí nữa tôi sẽ cho kiểm tra làm nghiêm việc này, không ai được phép để bình gas trên tàu. Nếu bình gas còn nằm trên tàu khi bão vào mà xảy ra va đập thì nguy cơ cháy nổ rất cao" - ông Quảng nói.
Bão số 9 đổ bộ cấp 12-13, sức tàn phá khủng khiếp, nhà cấp 4 có thể bị phá hủy Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - Ảnh: CHÍ TUỆ Đài Nhật Bản dự báo bão số 9 mạnh nhất cấp 14 và trên đất liền gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 15-16. Đài Philippines cho biết bão mạnh cấp 12 khiến nhà cấp 4 kết cấu kém bị phá hủy. Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết như vậy tại buổi thảo luận về cơn bão số 9 do Tổng cục Khí tượng thủy văn tổ chức chiều 27.10. Theo ông Lâm, bão số 9 (bão Molave) đang hoạt động trong điều kiện phía Bắc là cao áp lạnh lục địa và có gió mùa Đông Bắc mạnh, nhiệt độ mặt nước biển khoảng 29 độ C, độ ẩm tốt nên đối lưu phát triển mạnh. "Hiện bão đang di chuyển trên khu vực thuận lợi cho việc tăng cường độ trong 6-12h tới. Bão sẽ đạt cường độ cực đại vào chiều tối nay đạt cấp 14, giật cấp 17", ông Lâm nói. Ông Lâm cho biết các mô hình dự báo đều thống nhất khu vực đổ bộ tập trung vào khu vực Quảng Ngãi - Bình Định. Khi vào bờ, bão sẽ giảm cường độ nhưng không nhiều. Thời gian ảnh hưởng trực tiếp do gió mạnh của bão bắt đầu trong tối nay và ngày 28.10. Dự báo đường đi của bão số 9 - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát lúc 14h ngày 27.10 "Trung tâm Nhật Bản dự báo bão cực đại cấp 14 trong khoảng 12 tiếng tới, gió mạnh trên đất liền cấp 13, giật cấp 15-16. Đài Philippines cho biết bão Molave mạnh cấp 12 gây lũ lụt trên diện rộng, nhà cấp 4 kết cấu kém bị phá hủy. Dự báo bão vào Việt Nam tương đương cấp độ bão đổ bộ vào Philippines mạnh cấp 12-13, giật cấp 15", ông Lâm nói Về tác động của bão, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định bão số 9 sẽ tương tự cơn bão Xangsane vào Đà Nẵng năm 2006, bão Sơn Tinh vào Nam Định năm 2012, bão Damray năm 2017... mạnh cấp 12-13. Ví dụ, như bão Sơn Tinh làm đổ tháp truyền hình Nam Định, gây phá hủy đê biển. "Nói chung bão trên cấp 12 sức tàn phá rất khủng khiếp, nhà cấp 4 hầu như không thể trụ được" - ông Lâm cảnh báo. Theo ông Lâm, nếu như dự báo bão gây ra gió mạnh trên đất liền cấp 12 trở lên thì cơn bão này là một trong những cơn bão ảnh hưởng trực tiếp mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. |
Theo Tuổi trẻ