Kinh tế

6 nhiệm vụ để gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược

VN (theo TTXVN) 03/10/2024 21:01

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nhận thức rõ việc thực hiện đột phá chiến lược về hạ tầng là động lực cơ bản, góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở ra không gian phát triển mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với các doanh nghiệp xây dựng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với các doanh nghiệp xây dựng

Chiều 3/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với các hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai các công trình trọng điểm quốc gia.

Tại cuộc làm việc, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng cho biết mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt, sát sao tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các công trình trọng điểm, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại như: khó khăn trong giải phóng mặt bằng, nhất là liên quan chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; việc cung cấp mỏ vật liệu xây dựng; hệ thống định mức xây dựng; suất vốn đầu tư xây dựng công trình; đơn giá xây dựng; việc áp dụng các công nghệ mới vào thi công các công trình; thanh quyết toán công trình còn chậm, mức phí bảo hiểm công trình còn cao, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao…

Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng hệ thống định mức xây dựng hiện hành vẫn còn một số hạn chế như: thiếu định mức cho một số công tác xây dựng sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới, áp dụng phương pháp thi công mới; một số định mức vẫn còn bất cập, chưa phủ kín các loại công tác xây dựng, điều kiện áp dụng.

TTXVN_0310 Thu tuong du an trong diem 7.jpg
Đại diện doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường phát biểu

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường phản ánh do thiếu sự phối hợp giữa các bộ, ngành và sự “cứng nhắc” trong các quy định nên đề xuất của doanh nghiệp về việc cứng hóa đất bùn nạo vét để sử dụng trong san lấp mặt bằng, giúp thay thế vật liệu xây dựng đang khan hiếm hiện nay và giảm thiểu tác động môi trường không được chấp nhận.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện thể chế về đầu tư, hợp đồng, đấu thầu; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa; các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa; có cơ chế chỉ định thầu đối với một số công trình, gói thầu đặc biệt; tăng hạn mức vay cho các doanh nghiệp xây dựng; tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước liên kết với doanh nghiệp quốc tế để triển khai các dự án nhằm tranh thủ công nghệ, kinh nghiệm, nguồn lực, quản lý để doanh nghiệp trong nước không ngừng lớn mạnh…

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, đề nghị Nhà nước hỗ trợ tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam học tập kinh nghiệm của doanh nghiệp lớn nước ngoài về triển khai các công trình quy mô lớn; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, ngành liên quan tiêu chuẩn, định mức chuyên ngành, mô hình BIM để áp dụng cho các công trình ngành giao thông, đặc biệt là công trình đường sắt tốc độ cao…

Sau khi đại diện các bộ, ngành và các Phó Thủ tướng giải đáp, làm rõ các vấn đề mà các hiệp hội, doanh nghiệp có ý kiến; kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu lại mục đích, ý nghĩa của việc làm việc; khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương, các doanh nghiệp xây dựng, hiện nay các dự án trọng điểm, các dự án quan trọng quốc gia được triển khai tích cực, nhiều công trình đã hoàn thành, dần được hoàn thành và tiếp tục triển khai tích cực, tạo sự đột phá trong xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ mặc dù có kết quả tích cực, song hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan để triển khai thực hiện dự án và phương pháp tổ chức triển khai các dự án còn những bất cập nhất định; công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển chưa đáp ứng yêu cầu…

TTXVN_0310 Thu tuong du an trong diem 1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với các doanh nghiệp xây dựng

Nêu nhiệm vụ về phát triển hạ tầng chiến lược đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ 6 nhiệm vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược.

Thủ tướng yêu cầu phải nhận thức rõ, việc thực hiện đột phá chiến lược về hạ tầng là động lực cơ bản, góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở ra không gian phát triển mới, tạo khu đô thị, dịch vụ mới, giảm chi phí logistics, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, phát triển doanh nghiệp.

Do đó, phải có cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực, đa dạng hóa các nguồn lực gồm: nguồn lực của Nhà nước, của doanh nghiệp, của nhân dân, của nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp, nguồn lực hợp tác công-tư để phát triển hạ tầng chiến lược, với tinh thần “hài hoà lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp”; tập trung vận dụng hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển thời kỳ mới.

Nhấn mạnh thể chế cũng là nguồn lực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, nhất là pháp luật liên quan giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu, các quy chuẩn, quy trình, định mức, đầu thầu…, với yêu cầu pháp luật phải thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện hiệu quả hơn. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực thực thi, thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp…

Đề nghị các doanh nghiệp phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên bằng bàn tay, khối óc, sức mạnh nội sinh, với sự hỗ trợ của Nhà nước về thể chế, nguồn lực và hợp tác quốc tế để phát triển lớn mạnh, Thủ tướng Chính phủ khẳng định Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn, thách thức, kịp thời tháo gỡ để giúp doanh nghiệp phát triển, góp phần cùng đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động xử lý những nội dung nhiệm vụ trọng tâm thuộc phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm của mình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Xây dựng phải làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức bảo đảm hài hoà lợi ích; đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp, người dân thực hiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe, kiểm tra, giám sát, tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, xử lý kịp thời các vướng mắc; phối hợp với các địa phương xử lý các vấn đề liên quan mỏ vật liệu và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện quản lý Nhà nước về quy hoạch, tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách mới phù hợp tình hình thực tế và huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng chiến lược.

Bộ Tài chính, cùng với đề xuất, điều hành chính sách tài khoá, nghiên cứu các chính sách về thuế, phí, lệ phí, giá cả, thanh quyết toán công trình bảo đảm thuận lợi, hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước cùng với kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đề xuất các chính sách về lãi suất, cung cấp tín dụng, trong đó nghiên cứu có gói tín dụng cho phát triển hạ tầng chiến lược.

Yêu cầu các Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tổ chức đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động, phục vụ thời kỳ phát triển mới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thúc đẩy triển khai các công trình quan trọng quốc gia, nhất là trong giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất rừng.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các chủ đầu tư, với tinh thần “coi công việc của các nhà thầu là công việc của mình” quản lý tốt hồ sơ, giấy tờ, quy trình thủ tục chặt chẽ; hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp các công việc; đồng thời tránh tiêu cực, tham nhũng trong suốt quá trình triển khai các dự án.

Đối với các doanh nghiệp, nhà thầu thi công, thiết kế, tư vấn, giám sát, với tinh thần “hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp” và “đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, trước hết," tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt phương châm “đã nói là làm, cam kết phải thực hiện”; tổ chức thi công các công trình với quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa," “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương," “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm," “làm việc xuyên ngày lễ, xuyên Tết”; phát huy tính năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm triển khai các công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường.

Chỉ đạo các hiệp hội cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, tập hợp, phản ánh lên cấp có thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ phân công “rõ người, rõ việc, rõ nhiệm vụ, rõ thời gian, rõ sản phẩm” để xử lý, với tinh thần “cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa; cái gì chưa có quy định hay thực tế vượt quá quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn và không nóng vội".

Với quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân," “đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình” để “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể," Thủ tướng mong muốn và tin tưởng các chủ thể tham gia dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia “đã làm tốt rồi, làm tốt hơn; quyết tâm rồi, quyết tâm hơn nữa; nỗ lực rồi, nỗ lực hơn nữa; quyết liệt rồi, quyết liệt hơn nữa," tiếp tục phát triển mạnh mẽ, ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

VN (theo TTXVN)
(0) Bình luận
6 nhiệm vụ để gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược