Bên cạnh kiến thức sách vở, kỹ năng sống cũng là điều quan trọng, tất cả trẻ em đều cần được học và rèn từ bé.
2. Quyết định: Đưa ra quyết định đúng đắn là kỹ năng sống quan trọng, mọi đứa trẻ cần phải học ngay từ nhỏ. Cha mẹ có thể bắt đầu với những bài học cơ bản như cho trẻ tự chọn quần áo, chọn đồ ăn hoặc món đồ chơi yêu thích. Cha mẹ nên cùng trẻ phân tích và đánh giá ưu, nhược điểm mỗi khi chọn một điều gì đó. Nhờ cách làm này, khi lớn lên, trẻ sẽ biết cách đưa ra những lựa chọn đúng và phù hợp với cuộc đời mình.
3. Giải quyết vấn đề: Khi gặp khó khăn, trẻ có xu hướng tìm đến sự giúp đỡ của cha mẹ. Khi đó, cha mẹ sẽ ngay lập tức giúp con giải quyết chuyện đó. Giúp con là cách xử lý vấn đề nhanh chóng, nhưng nó cũng vô tình khiến trẻ mất đi khả năng tự giải quyết vấn đề. Nhà tư vấn và trị liệu tâm lý Barb Shepard khuyến khích các gia đình nên để con tự xử lý chuyện của mình. Ví dụ, khi con xích mích với bạn bè, bạn hãy dẫn dắt, để con phân tích đúng sai và tìm cách hòa giải với bạn. Nhờ kỹ năng này, trẻ sẽ trở nên tự lập và biết cách đối phó với mọi tình huống khi trưởng thành.
4. Quản lý thời gian: Thay vì suốt ngày giục con hoặc trách con chậm chạp, các cha mẹ nên dạy con các khái niệm về thời gian và hướng dẫn con biết cách làm chủ thời gian của riêng mình. Kỹ năng này giúp trẻ trở thành một người đúng giờ, sống có kế hoạch và dễ hòa nhập với môi trường tập thể. Với trẻ tiểu học đã biết chữ, cha mẹ có thể hướng dẫn các em lập thời gian biểu cụ thể. Với trẻ chưa biết chữ, bạn có thể đặt các mốc thời gian như mở một bài hát và yêu cầu trẻ phải hoàn thành việc dọn dẹp đồ chơi khi bài hát đó kết thúc.
5. Làm việc nhà: Cha mẹ thường tự làm hết việc nhà với tâm lý "tự làm cho nhanh". Tuy nhiên, chính tâm lý này đã khiến bạn bỏ lỡ cơ hội dạy con làm việc và biết giữ gìn vệ sinh chung. Bạn có thể cho trẻ bắt đầu từ những điều đơn giản như tự dọn đồ chơi, xếp chăn gối trong phòng riêng. Khi lớn hơn, bạn hãy cho con cùng chuẩn bị thức ăn và rửa bát đĩa. Bạn không nên hướng dẫn bằng lời nói suông, hãy đóng vai trò là "tấm gương" và để trẻ bắt chước, lặp lại những hành động của bạn.
6. Quản lý tiền bạc: Nhiều người cho rằng trẻ nhỏ không cần biết quá nhiều về tiền. Thực tế, đây là điều trẻ cần được dạy từ sớm để trở thành người biết chi tiêu phù hợp khi lớn lên. Trẻ lên tiểu học biết đếm số và biết làm toán cơ bản. Nhân cơ hội này, bạn hãy dạy con những kiến thức khác liên quan tiền bạc như phân biệt mệnh giá, tiết kiệm tiền tiêu vặt. Nếu bạn dạy con những kiến thức về tiền, khi lớn lên, trẻ sẽ biết cách tiết kiệm, chi tiêu khôn ngoan và không lãng phí tiền bạc.
Theo Sức khỏe và Đời sống