6 giờ và 11.000 đồng để nông sản từ trang trại đến bàn ăn

06/03/2021 18:02

Không còn phải đổ bỏ rau củ vì không tiêu thụ được, cuộc sống của nhiều bà con nông dân tại Hải Dương nay đã bảo đảm hơn nhờ việc đưhà mình lên sàn thương mại điện tử.






“Cùng nông dân Hải Dương chuyển đổi số, thoát cảnh giải cứu nông sản” là chiến dịch xã hội vô cùng ý nghĩa đang được triển khai bởi Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post). Nhờ chiến dịch này, rất nhiều bà con nông dân đã thoát khỏi cảnh trắng tay khi nông sản đổ đồng, không thể tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Từ mẹt bán rau đến sàn thương mại điện tử

Bà Vũ Thị Huế (xã Gia Xuyên, Gia Lộc) là một trong rất nhiều hộ gia đình chuyên canh trồng rau sạch tại Hải Dương. Tuy vậy, vài tháng trở lại đây, thu nhập của gia đình bà đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chia sẻ với phóng viên, bà Huế cho biết, do Hải Dương nằm ở trong tâm dịch, giá bắp cải năm nay hạ xuống mức thấp nhất so với mọi năm. “Mức giá này giảm nhiều so với chỉ vài tháng trước đây, khi hàng hóa của chúng tôi được đưa đi các chợ nông sản từ Hà Nội tới Hải Phòng. Đầu ra cho nông sản hiện chỉ trông chờ vào các nhà hảo tâm giúp bán hàng từ thiện”, bà Huế nói. 

Bà Vũ Thị Huế (xã Gia Xuyên, Gia Lộc) cho biết rất phấn khởi khi sản phẩm của mình tìm được đầu ra mới là sàn thương mại điện tử

Tình trạng này chỉ thay đổi khi Viettel Post giúp thu mua nông sản hộ bà con và đưa lên bán trên sàn thương mại điện tử Vỏ sò (Voso.vn). Đây cũng là lần đầu tiên những hộ nông dân tại địa bàn xã Gia Xuyên (Gia Lộc) đưa được các sản phẩm nông sản của mình lên sàn thương mại điện tử. 

Theo bà Huế, việc mua bán nông sản trên mạng khá thuận lợi do được sàn hỗ trợ chi phí vận chuyển. Bà con cũng có nguồn thu nhập ổn định hơn so với việc bán hàng ở chợ vốn rất bấp bênh. 

“Việc bán cho các sàn thương mại điện tử giúp chúng tôi hạn chế việc tiếp xúc với đông người trong mùa dịch. Ở chợ đông mà lại không sạch sẽ như ở trên sàn. Nhiều khi ra đến chợ, rau đã thu hoạch rồi nên đắt rẻ cũng đều phải bán”, bà Huế cho biết.

Người dân thu hoạch cải bắp để bàn giao cho Viettel Post

Trao đổi về tình hình tiêu thụ nông sản tại địa phương, ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Gia Xuyên chia sẻ, nông dân xã Gia Xuyên vốn chuyên canh trồng rau bắp cải trên diện tích 70-100 ha. 

Ở mỗi vụ đông xuân, giá bắp cải thường rơi vào khoảng 5.000-6.000/kg. Mỗi sào mang về cho bà con khoảng chục triệu đồng. Với vụ xuân năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch, lượng bắp cải thu hoạch trên địa bàn xã bị ứ lại từ 700-800 tấn do không đến được nơi tiêu thụ. Người nông dân giờ đây chỉ muốn vớt vát lại tiền vốn bỏ ra cho phân bón, cây trồng.

Nhiều người có tấm lòng hảo tâm đã đến cứu trợ cây bắp cải của bà con Gia Xuyên. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên cây bắp cải trên địa bàn được lên tới sàn thương mại điện tử. Chuyến hàng lần này có khoảng 3 tấn bắp cải được Viettel Post tiêu thụ. 

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Gia Xuyên (Gia Lộc) cho biết giá bán trên sàn thương mại điện tử tốt hơn cho người nông dân so với giá thị trường

Theo ông Khoa, giá bắp cải khi bán trên sàn thương mại điện tử Vỏ sò rất có lợi cho người nông dân. Mức giá này không chỉ giúp gỡ gạc vốn sản xuất mà bà con còn được bù đắp phần nào công sức đã bỏ ra trong vụ mùa này. 

Sau đại dịch, HTX Gia Xuyên sẽ tiến hành khoanh vùng sản xuất, chẳng hạn như vùng trồng rau bắp cải và hướng dẫn người nông dân làm theo tiêu chuẩn an toàn để bán trên các trang mạng điện tử. 

Vận chuyển rau trong 6 tiếng đồng hồ, tươi hơn cả hàng siêu thị 

Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Văn Phú, Phó Giám đốc Thương mại điện tử chi nhánh Viettel Post Hải Dương cho biết, trong ngày thứ 2 của chiến dịch đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử, Viettel Post đã vận chuyển khoảng 5 tấn rau củ quả gồm bắp cải, su hào, ổi và hơn 20.000 quả trứng. 

Quy trình vận chuyển nông sản của Viettel Post được lên kế hoạch chi tiết và cẩn thận. Theo đó, vào đầu giờ sáng, xe hàng của Viettel Post sẽ đến từng đầu mối là các hộ nông dân để thu gom nông sản. 

Trong quá trình thu gom nông sản, xe vận chuyển luôn được khử trùng liên tục để đảm bảo vệ sinh an toàn phòng dịch

Trước quá trình thu gom, xe sẽ được phun khử khuẩn khi đi qua các chốt kiểm dịch. Khi đã thu gom đủ, xe lại được khử khuẩn 1 lần nữa để bảo đảm  công tác phòng chống dịch cũng như sự an toàn của người dùng. 

Các loại nông sản sau đó sẽ được tập trung về trung tâm khai thác của Viettel Post Hải Dương rồi thực hiện di chuyển lên Hà Nội và các tỉnh lân cận. Khi đến nơi, nông sản sẽ được giao cho các bưu tá MyGo để vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng. 

Ổi Thanh Hà được người dân đóng gói vào hộp các-tông trước khi chuyển cho sàn thương mại điện tử

“Hàng hóa, nông sản của bà con đều được chúng tôi đóng gói, bảo quản theo đúng quy trình, quy định. Trứng được cho vào khay nhựa, sau đó cho vào thùng các tông để vận chuyển. Ổi được cho vào thùng hộp rất gọn và chắc chắn, đảm bảo mỹ quan và an toàn cho người sử dụng.”, đại diện Viettel Post Hải Dương cho biết. 

Đại diện sàn Vỏ sò kiểm tra hàng hóa khi tiếp nhận từ người nông dân và đưa lên kho hàng
Khi tập hợp đủ số lượng, các loại hàng nông sản sẽ được đưa lên chung một chuyến xe chở tới Hà Nội và các địa phương khác để tiêu thụ

Theo ông Phú, các sản phẩm trong chiến dịch đưa nông sản Việt lên sàn Voso.vn đều được lựa chọn với xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, đạt chứng nhận OCOP, VietGAP. Người dùng hoàn toàn có thể tin tưởng vào chất lượng các loại rau củ quả được bày bán tại đây.

Ngoài ra, trên mỗi sản phẩm đều được dán tem truy xuất nguồn gốc. Người dùng chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có tính năng quét QR Code là có thể biết sản phẩm có nguồn gốc tại đâu, đạt những chứng chỉ gì. 

Người dùng có thể kiểm tra nguồn gốc xuất xứ thông qua mã QR được dán trên nông sản

Với mạng lưới vận chuyển xuyên suốt, liên tục, khoảng thời gian từ khi nông sản được thu hoạch đến tay người tiêu dùng chỉ mất từ 4-6 tiếng đồng hồ. Đây chính là thước đo đảm bảo độ tươi ngon của sản phẩm khi đến tay người sử dụng. 

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    6 giờ và 11.000 đồng để nông sản từ trang trại đến bàn ăn