6 câu hỏi thú vị mà ứng viên có thể hỏi ngược lại nhà tuyển dụng

09/08/2021 15:48

Có những câu hỏi vừa gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, vừa giúp ứng viên tìm hiểu: "Công việc có phù hợp với mình không?"

"Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?", câu hỏi thông thường này của nhà tuyển dụng đôi khi khiến ứng viên lúng túng cho dù có nhiều kinh nghiệm.

Tuy nhiên, dù bạn đang tìm việc hay không, hãy thử kiến thức của mình bằng việc trả lời: Bạn đã có những câu hỏi phù hợp hay chưa?

Hầu hết các nhà tuyển dụng đều thấy rằng "Tôi không có câu hỏi nào" là câu trả lời tệ nhất. Nhưng nếu hỏi không rõ mục đích sẽ chỉ mất thời gian và có thể lại là điểm trừ với ứng viên.

Hãy tham khảo những câu hỏi để vừa gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, vừa tìm hiểu: "Công việc có phù hợp với mình không?"

1. Hãy cho tôi biết về văn hóa công ty và các hoạt động duy trì nó?

Sự khác biệt về văn hóa và những giá trị sẽ khiến công việc của bạn không thể dễ dàng. Do vậy sự phù hợp đầu tiên cần nhắc đến là yếu tố văn hóa, có góc nhìn cụ thể về văn hóa công ty là chìa khóa thành công với công việc mới.

Tuy nhiên khi truyền thông các thông tin của nhà tuyển dụng khá hấp dẫn, vì vậy vế thứ 2 của câu hỏi sẽ giúp bạn rõ ràng hơn. Hãy xem câu trả lời, hành động của nhà tuyển dụng và quan sát, bạn sẽ cảm nhận được văn hóa có phù hợp với mình không, tránh việc bị "choáng ngợp" bởi những nhà tuyển dụng rất có kinh nghiệm "chém gió".

2. Công ty lựa chọn những người thế nào?

Đây là câu hỏi cá nhân tôi cho là thông minh để tìm hiểu các vấn đề cụ thể. Nó gần giống như câu hỏi của nhà tuyển dụng: "Bạn đang tìm kiếm một công ty thế nào". Nếu phần lớn những nhà tuyển dụng sẽ loại những ứng viên chỉ tập trung đến vào thu nhập, thì tại sao ứng viên lại không loại những công ty chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc của nhân viên?

Câu hỏi này giúp bạn đánh giá chắc chắn về quan điểm về "con người" của nhà tuyển dụng. Liệu họ có thực sự coi trọng yếu tố con người hay không? Từ đó giúp bạn có lựa chọn chính xác hơn trước những cơ hội công việc mới.

3. Anh chị hình dung thế nào về công ty trong một vài năm tới?

Câu hỏi này liên quan đến sự phát triển của công ty và của bạn. Bạn sẽ khó có cơ hội phát triển nếu làm việc trong một môi trường không phát triển, vì vậy nếu là người tham vọng thì những môi trường như vậy có thể không phù hợp.

Điểm khác biệt của câu hỏi này nằm ở chỗ hướng vào góc nhìn của Người phỏng vấn chứ không phải những gì công ty đưa ra. Sự đồng nhất về mặt mục tiêu của công ty và người phỏng vấn, cộng với sự hứng khởi khi trả lời câu hỏi này là dấu hiệu tích cực của một công ty bạn có thể hợp tác. Nếu ngược lại, bạn nên cân nhắc kỹ cho sự lựa chọn của mình.

4. Điều gì khiến anh/chị thích nhất khi làm việc tại đây?

Câu hỏi này sẽ khiến bạn gần gũi với người phỏng vấn, bởi bản chất ai cũng thích nói về mình. Nó sẽ giúp bạn nhận biết được người phỏng vấn có hài lòng khi làm việc tại đây hay không. Nếu câu trả lời của người phỏng vấn khiến bạn hào hứng, điều đó có thể sẽ củng cố thêm quyết định tiếp tục quá trình phỏng vấn hoặc làm việc tại đây.

Mục đích của câu hỏi này là nhìn nhận về môi trường làm việc chung, môi trường làm việc tích cực sẽ là lựa chọn ưu tiên, ngược lại môi trường tiêu cực sẽ giết chết tinh thần làm việc của bạn.

5. Cách thức phối hợp trong công ty thế nào?

Làm việc nhóm và cộng tác là yếu tố hết sức quan trọng trong công việc. Vì vậy câu hỏi này giúp bạn đạt được 2 mục tiêu:

Biết cách phối hợp trong công ty, xem nó có phù hợp với những gì mình mong muốn hay không.

Khéo léo thể hiện bản thân có những giá trị với công ty thể hiện qua năng lực phối hợp trong công việc với người khác.

6. Những mục tiêu quan trọng mà tôi cần hoàn thành trong thời gian thử việc, 3 hay 6 tháng... khi làm tại đây?

Câu hỏi này trước hết cho thấy bạn sự tích cực, thẳng thắn và cởi mở, bạn đang hướng vào các mục tiêu chung của công ty. Đây có thể là một điểm cộng của bạn trong mắt Nhà tuyển dụng.

Ngoài ra, thực sự bạn cũng cần biết những mục tiêu cụ thể, tránh việc bắt đầu khi chưa rõ và thống nhất các mục tiêu giữa hai bên. Đây cũng là cơ hội để bạn khẳng định lại năng lực, hãy thể hiện những năng lực này ngay khi buổi phỏng vấn hoặc email cảm ơn sau đó.

Quá trình tìm hiểu của 2 bên

Tuyển dụng và tìm việc là quá trình để 2 bên tìm hiểu nhau dẫn đến sự hợp tác tin cậy, lâu dài. Vì vậy những câu hỏi với nhà tuyển dụng là quan trọng và bình thường để hai bên có thể hiểu rõ nhau hơn.

Hãy nhớ, mục tiêu của những câu hỏi với nhà tuyển dụng không chỉ để tìm hiểu thông tin, hãy tìm cách khéo léo để thể hiện thái độ tốt và năng lực của bản thân.


Theo Người lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    6 câu hỏi thú vị mà ứng viên có thể hỏi ngược lại nhà tuyển dụng