57 năm, kỷ niệm vẫn còn sâu đậm

30/10/2011 08:57

57 năm trôi qua, Hải Dương thị xã tỉnh lỵ nhỏ bé khi xưa, với chưa đầy bốn vạn dân, 24 đường phố, nay đã là đô thị hiện đại, to, đẹp gấp nhiều lần...



Mít tinh chào mừng thị xã Hải Dương hoàn toàn giải phóng. Ảnh tư liệu


Tháng 10 - 1954, thị xã Hải Dương được giải phóng. Cuộc sống mới trong hòa bình như luồng gió trong lành đến với mọi nhà, mọi ngõ phố. Khắp nơi rực rỡ cờ, hoa cùng tiếng hát, tiếng cười. Các cháu thiếu nhi, trong đó có tôi quây quần múa, hát quanh các anh bộ đội. Tiếp đến là những buổi tối chiếu phim ngoài trời về "Chiến thắng Điện Biên Phủ". Tôi còn nhớ rất rõ: mỗi khi trên phim xuất hiện hình ảnh Bác Hồ, lá cờ đỏ sao vàng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp..., là tất cả cùng đứng lên, vỗ tay hoan hô, reo hò vang động cả một vùng.

Trong gia đình tôi, cùng với niềm vui lớn của quê hương, đất nước, là nỗi mong chờ người thân trở về sau ngày quân ta đại thắng. Tôi có hai người chú đi bộ đội, tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, là ông Nguyễn  Thúc Quýnh và Nguyễn Đức Tiêu. Nghe nói, chú Quýnh tôi đã là tiểu đội trưởng một mũi xung kích. Trong một trận đánh vào cứ điểm của địch, một viên đạn của giặc bắn trúng đầu. Nhưng rất may, viên đạn đi chéo một bên chiếc mũ sắt, nên ông chỉ bị choáng do tiếng nổ quá mạnh; còn ông Tiêu nghe đâu làm ở báo "Sự thật".

Những ngày này, bố mẹ tôi, rồi các bác, các chú tôi ở quê lên, đều nói chuyện về hai ông. Một lần, bố tôi đi làm về mang theo cuốn họa báo mới tinh, còn thơm mùi giấy, mực in. Ông giơ cuốn họa báo cho cả nhà xem, ánh mắt nheo nheo cười, nói: "Cả nhà thấy có giống chú Quýnh không?". Tôi và anh tôi ào đến ngắm ảnh in trên trang bìa: Đó là một chú bộ đội, dáng như cán bộ chỉ huy mặc áo "đại cán", đội mũ có lưới ngụy trang, vai đeo "xà cột", bế một bé trai. Cả chú bộ đội và em bé đều tươi cười.

Ngày các chú tôi đi bộ đội, chúng tôi còn bé lắm, nên không hình dung ra. Mẹ tôi cầm cuốn họa báo xem kỹ, nói: "Không phải! Chỉ hơi giống thôi!"... Tuy biết đây không phải là chú tôi, cả gia đình tôi vẫn háo hức giở xem từng trang báo. Đó là cuốn "Hình ảnh Việt Nam" số 1, tháng 10 - 1954. Báo có nhiều trang in ảnh màu, rất đẹp. Cuốn sách có nhiều tin quan trọng về  chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, về phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình ở Việt Nam và của nhân dân, bạn bè yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới... Mở đầu, là phần trích dẫn lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 22 - 7 - 1954. Trong đó, có đoạn: "Từ nay chúng ta phải ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc...". Những trang trong, có các hình ảnh về hoạt động kỷ niệm ngày sinh của Bác; những hình ảnh chiến đấu kiên cường của quân và dân ta ở mặt trận, hậu phương, cả ở vùng địch tạm chiếm với chiến dịch "Tiếng sấm đường năm" - dân quân, du kích tỉnh ta tham gia đánh mìn phá đường bộ, đường sắt của địch; cảnh chiến trường Điện Biên Phủ ngày quân ta toàn thắng; Hồ Chủ tịch thăm nông dân vùng giải phóng; Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp khen ngợi các chiến sĩ sau ngày quân ta đại thắng...

Ít ngày sau, cả hai chú tôi được cơ quan, đơn vị cho về phép, đến thăm gia đình tôi. Vui mừng khôn xiết. Các chú không nhận ra chúng tôi, bố mẹ tôi giới thiệu từng người một. Hai chú khen chúng tôi lớn lên nhiều. Chúng tôi chạy tới ôm chầm các chú. Tôi cứ mân mê chiếc huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ cài trên túi áo ngực các chú, xem chiếc ca sắt tráng men in hình chú bộ đội cầm súng, chiếc "bình tông" có cả túi vải bọc ngoài. Sực nhớ, tôi hỏi về chiếc mũ sắt của chú Quýnh bị địch bắn trúng. Chú Quýnh cười trả lời: nó nặng lắm và cồng kềnh, chú để lại đơn vị, không đem đi được...

57 năm trôi qua, Hải Dương thị xã tỉnh lỵ nhỏ bé khi xưa, với chưa đầy bốn vạn dân, 24 đường phố, nay đã là đô thị hiện đại, to, đẹp gấp nhiều lần. Cuộc sống, diện mạo thành phố đổi thay, phát triển từng ngày... Với tôi, những kỷ niệm về ngày quê hương được giải phóng vẫn còn sâu đậm, rõ nét như mới ngày nào...

NGUYỄN ĐỨC TRÀ

(0) Bình luận
57 năm, kỷ niệm vẫn còn sâu đậm