55 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác, ngành y tế tỉnh Hải Dương đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu và đạt được nhiều kết quả to lớn trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
|
Năm 2009, Trung tâm Phòng, chống các bệnh xã hội tỉnh phẫu thuật, đặt thủy tinh thể nhân tạo miễn phí cho 1.396 người có thẻ bảo hiểm y tế, gia đình chính sách và người nghèo trong tỉnh, vượt 140% kế hoạch cả năm. Ảnh: Thành Chung
|
Ngày 27-2-1955, Bác Hồ gửi thư cho Hội nghị cán bộ y tế, trong đó Người căn dặn thầy thuốc nước ta đề cao trách nhiệm và vị trí của người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành y tế nước ta và biểu dương thành tích, động viên toàn ngành ra sức thi đua phục vụ người bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. 55 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác, ngành y tế tỉnh Hải Dương đã đoàn kết, nhất trí, nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu và đạt được nhiều kết quả to lớn trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Trong những năm 1955- 1975, cùng với toàn miền Bắc, tỉnh ta vừa thoát khỏi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lại phải đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Hải Dương với tuyến đường huyết mạch Hà Nội - Hải Phòng, thường xuyên phải hứng chịu bom đạn của giặc Mỹ, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, các loại dịch bệnh như: ho gà, sốt rét, tiêu chảy, hủi… phát triển mạnh. Trong khi đó, cơ sở khám, chữa bệnh còn nghèo nàn, đội ngũ cán bộ y tế còn thiếu. Toàn tỉnh chỉ có trên 400 bác sĩ (3 bác sĩ/1 vạn dân), trình độ chuyên môn thấp, trang thiết bị kỹ thuật thiếu thốn, lạc hậu. Các trạm y tế xã hoạt động không hiệu quả, gần 50% số trạm y tế không có nữ hộ sinh trung học, chỉ có 18% số xã có bác sĩ công tác. Nhiều cơ sở y tế huyện xuống cấp nghiêm trọng. Thực hiện lời dạy của Bác “Đoàn kết là sức mạnh”, ngành y tế tỉnh nhà đã đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cán bộ, bộ đội và nhân dân, đồng thời củng cố, xây dựng và phát triển ngành.
Những năm đầu thời kỳ đổi mới, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, ngành y tế phải đối phó với những tác động của nền kinh tế thị trường, nhân lực, cơ sở vật chất đều nghèo nàn, thiếu thốn. Ngành y tế tỉnh ta đã xác định và thực hiện tốt phương châm: đa dạng hoá các hoạt động của ngành, xã hội hoá công tác y tế nên từ khi đổi mới đến nay, ngành đã không ngừng phát triển, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã tiến một bước dài, hình thành một hệ thống các cơ sở y tế nhà nước, y tế tư nhân, hướng tới việc phục vụ nhân dân với số lượng nhiều hơn và chất lượng cao hơn, hiệu quả hơn và công bằng hơn. Các chỉ tiêu sức khỏe nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai đạt hiệu quả cao. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tử vong giảm xuống còn 2,87 phần nghìn; tỷ suất trẻ dưới 5 tuổi chết giảm còn 3,77 phần nghìn; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 19%; 99% số trẻ em trong độ tuổi được tiêm phòng đủ 6 loại vắc-xin nên đã khống chế được một số bệnh truyền nhiễm và thanh toán được bệnh bại liệt, bệnh phong trên địa bàn tỉnh; các chương trình phòng, chống bệnh sốt rét, bệnh lao, bướu cổ do thiếu i-ốt, nhiễm HIV/AIDS đạt kết quả tích cực. Về cơ sở vật chất, từ chỗ chỉ có gần 500 giường bệnh, đến nay, toàn tỉnh đã có 20 bệnh viện, trong đó có 14 bệnh viện đa khoa, 6 bệnh viện chuyên khoa với quy mô 3.015 giường bệnh; đạt 17,33 giường bệnh/1 vạn dân. Nhiều bệnh viện được trang bị các loại máy móc hiện đại dùng trong chẩn đoán và điều trị như: máy siêu âm màu, máy xét nghiệm nhanh, máy chụp cắt lớp vi tính....
Cùng với việc quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, ngành y tế tỉnh nhà chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 1.000 bác sĩ do Sở Y tế quản lý, trong đó có 4 tiến sĩ, 51 thạc sĩ, 17 bác sĩ chuyên khoa II, 206 bác sĩ chuyên khoa I, 18 dược sĩ chuyên khoa I; 80% số trạm y tế có bác sĩ công tác thường xuyên; 100% số trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, có cán bộ chuyên trách dược; 100% số cán bộ y tế xã có trình độ trung cấp trở lên; 100% số thôn, khu dân cư có ít nhất 1 cán bộ y tế thôn, đội... Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế, hằng năm, ngành đều cử cán bộ đi học nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề; tổ chức các cuộc thi, phát động các phong trào thi đua, các bệnh viện lớn tăng cường bác sĩ cho tuyến cơ sở…
Ngành y tế tỉnh luôn giáo dục đội ngũ y sĩ, bác sĩ phải không ngừng nâng cao y đức, tinh thần, trách nhiệm đối với người bệnh, phấn đấu thực hiện tốt lời dạy của Bác: "... thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”, "Lương y phải như từ mẫu". Các chi bộ, đảng bộ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, giáo dục, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và quan hệ xã hội của đảng viên; tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đội ngũ cán bộ y tế tỉnh nhà đã mang hết tâm trí, sức lực để chăm lo sức khỏe cho người dân.
Trong thời gian tới, ngành y tế tỉnh nhà tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với các phong trào thi đua do Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam phát động như: học tập noi gương Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm; rèn luyện nâng cao y đức, xây dựng bệnh viện xuất sắc toàn diện; chủ động khống chế và đẩy lùi dịch bệnh; thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí… tạo môi trường làm việc trong sạch. Động viên cán bộ, viên chức thêm yêu ngành, yêu nghề, hăng say công tác và đấu tranh phê phán, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, vi phạm đạo đức người thầy thuốc, góp phần tôn thêm truyền thống vẻ vang của ngành trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Thầy thuốc Ưu tú NGUYỄN THÀNH CÔNG Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế