50 năm Hiệp định Paris: "Tôi được đề nghị đổi tên là Nguyễn Thị Bình"

25/01/2023 07:25

Tôi được đề nghị đổi tên, một là để giữ bí mật, hai là để quốc tế dễ đọc. Các đồng chí đề nghị tên Bình - là hòa bình.


Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình tại thủ đô của Chính phủ đặt ở Cam Lộ - Quảng Trị, tháng 2.1973 - Ảnh tư liệu

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thành lập tháng 12.1960. Đầu năm 1961, tôi được Ban Thống nhất đề cử sang tham gia hoạt động ngoại giao cho Mặt trận. Tôi được đề nghị đổi tên, một là để giữ bí mật, hai là để quốc tế dễ đọc.

Các đồng chí đề nghị tên Bình - là hòa bình. Từ đấy, bí danh Yến Sa thời kháng chiến chống Pháp của tôi được đổi thành Nguyễn Thị Bình.

Nhiệm vụ của chúng tôi là giải thích với bạn bè quốc tế ý nghĩa và tính chính nghĩa cuộc chiến đấu của chúng ta. Mỗi khi chúng tôi lên diễn đàn, cả hội trường đều đứng dậy. Tôi bước lên nói: "Nhân dân miền Nam Việt Nam không còn con đường nào khác là phải đứng lên chống xâm lược, cũng không có nguyện vọng nào khác là được sống trong hòa bình, một cuộc sống bình thường như mọi người trên Trái Đất đang được sống ngày nay"…

Khi nói lên những lời đó, lòng tôi vô cùng xúc động. Tôi cảm nhận rõ tôi đã cố gắng nói cùng bạn bè năm châu ước vọng sâu sắc của hàng triệu đồng bào chúng ta đang đau khổ và đang chiến đấu, hy sinh vô cùng gian nan.

Năm 1968, sau sáu năm tích lũy kiến thức ngoại giao và kinh nghiệm đấu tranh chính trị, tôi được lãnh đạo Mặt trận chọn lựa và giao nhiệm vụ: bước vào cuộc đàm phán lịch sử ở Paris nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Ngày 2.11.1968, tôi đến Paris. 14 giờ chiều, thời tiết bắt đầu lạnh, trời âm u sẩm tối, trên máy bay, từ xa tôi đã nhìn thấy đám đông người chờ đón. Hồi hộp, xúc động, mừng vui, chúng tôi bảo nhau phải tươi cười, giữ thái độ thật đàng hoàng.

Hôm ấy tôi mặc áo dài màu hồng sậm, khoác măng tô xám, khăn quàng cổ màu đen có điểm hoa. Giữa đám đông, trước mặt nhiều nhà báo, nhiếp ảnh, tôi cố gắng nói thật dõng dạc ý nghĩa sự có mặt của đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Paris.

Bình Thanh đứng cạnh tôi dịch mạch lạc, rõ ràng, nhiều người khen cô nói tiếng Pháp hay không thua gì người Pháp. Từ đó, tiền tuyến của chúng tôi là chiếc bàn với những ánh đèn chiếu vào mặt.


Bà Nguyễn Thị Bình

Suốt bốn năm liền, mỗi ngày thứ năm hằng tuần, chúng tôi lại đến trung tâm hội nghị Kléber làm nhiệm vụ nói rõ chính nghĩa vì hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất của toàn dân Việt Nam.

Cùng với đó là những buổi họp báo quốc tế liên miên, căng thẳng, có lúc truyền hình trực tiếp tới Mỹ hơn hai tiếng đồng hồ. Các nhà báo chủ yếu xoay quanh lập trường Mỹ và Việt Nam tại bàn đàm phán.

Tuy hồi hộp, tôi vẫn cố gắng bình tĩnh đối đáp đàng hoàng, mạnh mẽ nhưng hòa nhã, nêu rõ thiện chí của chúng ta muốn tìm giải pháp chính trị, chấm dứt đau khổ của nhân dân và cũng kiên quyết đến cùng vì tự do, độc lập, thống nhất thiêng liêng của đất nước.

Chúng tôi cùng bạn bè quốc tế còn tổ chức các cuộc mít tinh phản chiến ở các thành phố lớn, có lúc hẹn giờ tổ chức xuyên biên giới, xuyên Đại Tây Dương. Chúng tôi đi thăm các nước, dự các hội nghị, tận dụng mọi cơ hội để vận động cho tình hữu nghị với Việt Nam.

Tôi đã có biết bao nhiêu bạn bè quốc tế trong những năm ấy và duy trì được tình cảm tốt đẹp đến sau này. Phong trào ủng hộ hòa bình Việt Nam rất mạnh mẽ. Ở Ấn Độ có khẩu hiệu: "Anh là Việt Nam. Tôi là Việt Nam. Chúng ta là Việt Nam".

Ở Cuba, khi chúng tôi đến, cuộc mít tinh khổng lồ tại quảng trường Jose Marti khiến tôi có cảm giác toàn bộ người dân La Habana đang có mặt. Tại đây, đồng chí Fidel Castro đã nói câu: "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng dâng cả máu của mình"...

Trong bốn đoàn đàm phán, chỉ đoàn miền Nam chúng tôi là có thành viên nữ, đại diện nữ, đó cũng là lợi thế. Cùng với tình hình chiến trường, cuộc đấu lý trên bàn ngoại giao lúc thì hết sức gay gắt, lúc thì giằng co như báo chí miêu tả "cuộc nói chuyện giữa những người điếc".

Đó là những lúc chúng tôi chán ngán và càng nhớ gia đình. Tôi đọc đi đọc lại thư của con gái: "Chừng nào mẹ về với chúng con?". Mỗi người trong đoàn đều có những ngổn ngang riêng, nhưng tất cả chúng tôi không bao giờ nghĩ Việt Nam có thể thất bại. Chúng ta nhất định sẽ giành được hòa bình, vấn đề chỉ là lúc nào.

Cuối năm 1972 là những ngày căng thẳng. Sau những cuộc tranh cãi nảy lửa là bàng hoàng, lo lắng trước tin tức Mỹ dùng B52 ném bom Hà Nội, nơi chồng con tôi ở đó.

Bên nhà gọi sang báo các con tôi đã đi sơ tán và vẫn an toàn. Được gọi cấp tốc, tôi về đến Hà Nội giữa đêm 30.12 và được tin Mỹ chấm dứt ném bom. Ngày 21.1.1973, tôi trở lại Paris, thời tiết bớt lạnh, nắng đẹp.

Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris được ký kết.

Trong lòng tôi là một cảm xúc mãnh liệt bên cạnh cảm giác bình thản, vì đinh ninh cái gì phải đến ắt sẽ đến. Đặt bút ký vào hiệp định, tôi nhớ đến đồng bào đồng chí ở hai miền Nam - Bắc, nhớ đến bạn bè thế giới, nhớ những người không còn nữa để biết sự kiện này. Tôi trào nước mắt. Vinh dự được trao cho tôi thật quá to lớn, không lời nào nói lên được lòng biết ơn vô tận này.

Trước nhà hội nghị, hàng ngàn người vẫy chào, một rừng cờ nửa đỏ nửa xanh. Có cả nhiều đoàn Mỹ đến thăm chúng tôi: các bà mẹ, những người vợ của các phi công, các đoàn tôn giáo, phụ nữ, thanh niên. Đặc biệt đoàn anh Martin Fenryder dẫn đầu 24 thanh niên Mỹ đến tặng tôi bài thơ cảm động anh vừa sáng tác:

Tôi bị xô đẩy và thu hút
Bởi sức mạnh tinh thần của Việt Nam
Mắt tôi lóa đi vì một ngọn lửa
Hiện thân của sức sống Việt Nam
Tim tôi nhảy múa vì xúc động
Ôi! Tình yêu Việt Nam! Hòa bình!
Tất cả sắp là hiện thực
Trong những giờ phút Paris ngắn ngủi
Và bao nhiêu mơ ước
Và tất cả từ hai phương trời xa lắc
Sẽ hòa thành một niềm vui chung!


Một tuần sau lễ ký kết, chúng tôi cùng bà con Việt kiều ở Paris đón Tết Quý Sửu. Đây là cái Tết thứ năm và cũng là Tết cuối cùng của đoàn đàm phán trên đất Pháp. Không thể tả hết niềm hạnh phúc và hân hoan của mọi người.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
50 năm Hiệp định Paris: "Tôi được đề nghị đổi tên là Nguyễn Thị Bình"