Y tế - Sức khỏe

5 thói quen giảm huyết áp, cholesterol

Theo VnExpress 15/10/2023 22:15

Người bệnh mỡ máu và huyết áp cao cắt giảm muối, chất béo có hại, tăng chất xơ và cá béo có thể duy trì sức khỏe tốt hơn.

Người bệnh mắc đồng thời hai bệnh mỡ máu và huyết áp cao có thể khó kiểm soát chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên, một số thay đổi về cách ăn uống, rèn luyện có thể mang lại lợi ích nhất định.

Cắt giảm chất béo xấu

Lượng chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa quá cao có thể làm tăng LDL (cholesterol xấu), dẫn đến tích tụ mảng bám trong động mạch. Chúng có trong nhiều trong các món chiên rán, thịt chế biến sẵn, thịt đỏ, bánh quy giòn, bánh ngọt.

Một số cách nấu nướng có thể giảm chất béo bão hòa như thay thế bơ bằng dầu ô liu và dầu hạt cải vì chúng chứa lượng chất béo không bão hòa đơn tốt cho tim mạch và huyết áp. Chọn thịt nạc, thịt gia cầm, cá và đậu thay vì các loại thịt có nhiều chất béo. Nên ưu tiên loại sữa và sữa chua không béo hoặc ít béo, ăn ít phô mai.

Ăn ít nhất 25 g chất xơ mỗi ngày

Chất xơ hòa tan trong yến mạch, đậu và trái cây họ cam như cam, quýt có thể giảm mức cholesterol xấu. Thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế cũng có thể thúc đẩy quá trình sản xuất chất béo trung tính không lành mạnh trong máu. Do đó, chọn ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt và mì làm từ lúa mì nguyên hạt có thể tăng lượng chất xơ tổng thể, giảm mức chất béo trung tính.

Tập thể dục 30 phút mỗi ngày

Tập thể dục thường xuyên có thể hạn chế rủi ro cho tim liên quan đến thừa cân. Bài thể dục vừa phải như đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe cũng hỗ trợ điều hòa huyết áp, giảm mỡ máu và giữ cho tim khỏe mạnh hơn.

Tập thể dục thường xuyên, lành mạnh có thể giảm thiểu rủi ro về tim liên quan đến thừa cân. Ảnh: Freepik

Tập thể dục thường xuyên giúp giữ cân nặng hợp lý

Giảm muối

Theo khuyến nghị của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, lượng muối tiêu thụ mỗi ngày chỉ nên ở mức dưới 1.500 mg (ít hơn một thìa cà phê muối ăn) mỗi ngày. Nếu lỡ ăn quá nhiều món mặn vào hôm trước, người bệnh chọn thực phẩm có lượng natri rất thấp vào ngày hôm sau để cân bằng lượng muối trong cơ thể.

Món ăn tiềm ẩn nhiều muối bao gồm thực phẩm đóng hộp, đông lạnh, chế biến sẵn. Nên đọc kỹ nhãn thành phần dinh dưỡng trên các sản phẩm này trước khi tiêu thụ.

Ăn cá hai lần một tuần

Ăn ít nhất hai bữa cá một tuần như cá hồi, cá thu, các trích, cà mòi có thể tăng cường sức khỏe tim mạch, hỗ trợ giảm huyết áp và cholesterol. Chất béo omega-3 trong cá hỗ trợ loại bỏ chất béo trung tính và giảm huyết áp, có lợi cho người mắc bệnh tim.

Tăng thực phẩm giàu kali

Chế độ ăn nhiều kali từ trái cây, rau và các sản phẩm từ sữa ít béo giúp giảm cholesterol toàn phần và cholesterol xấu. Kali cũng đóng vai trò là chất điện giải và cân bằng huyết áp cho cơ thể. Duy trì chế độ ăn cân bằng lượng natri và kali đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe bao gồm cải thiện bệnh huyết áp, tim mạch.

Thực phẩm có hàm lượng kali cao như quả bơ, mơ, chuối, dưa lưới, thịt gà, cá nướng, cam, rau bina. Một số bệnh lý hoặc loại thuốc có thể yêu cầu chế độ ăn hạn chế kali nên người bệnh cần trao đổi với bác sĩ trước khi bổ sung thêm lượng kali.

Thực hiện nhiều thay đổi trong chế độ ăn uống cùng một lúc có thể không dễ dàng, nhất là với người đã được chẩn đoán mắc bệnh huyết áp cao và mỡ máu. Do đó, người bệnh có thể thay đổi dần vào mỗi tuần, duy trì trong 4 tuần. Khi đã quen, tập trung duy trì chúng thường xuyên hơn vào tháng thứ hai và các tháng tiếp theo.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    5 thói quen giảm huyết áp, cholesterol