Theo Bộ Y tế, hiện nay có 91 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 91,1% dân số Việt Nam. Dự thảo mới sẽ có nhiều thay đổi về chính sách chi trả và đối tượng tham gia.
Sáng 28.6, tại hội thảo tham vấn ý kiến về Dự án Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, Giáo sư Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, cả nước có 91 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 91,1% dân số. Hiện chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau và các căn bệnh hiểm nghèo.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nêu rõ, quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số tồn tại, bất cập do nội tại các quy định của văn bản Luật và những yếu tố mới phát sinh. Một số vấn đề về cơ chế tài chính trong đó có quy định về BHYT chưa tạo động lực, chưa có cơ chế đặc thù cho sự phát triển của y tế cơ sở, chưa cụ thể, rõ ràng trong quy trình thanh quyết toán cũng như giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT cũng gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho cơ sở khám chữa bệnh...
Vì vậy, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi, thông qua đánh giá, tổng kết thực tiễn, luận giải các vấn đề vướng mắc, xem xét kinh nghiệm trên thế giới, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân xét trên cả 3 phương diện về tỷ lệ dân số tham gia BHYT, phạm vi dịch vụ được hưởng và mức độ bảo vệ tài chính của người sử dụng dịch vụ y tế.
Nhiều chính sách dự kiến được điều chỉnh nâng cao chất lượng Khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế
Theo ông Thuấn, lần sửa đổi Luật này dự kiến sẽ điều chỉnh 5 nhóm chính sách lớn:
Thứ nhất, mở rộng đối tượng tham gia: Theo đó, nhóm đối tượng do Ngân sách Nhà nước hỗ trợ: cựu thanh niên xung phong; cựu dân công hỏa tuyến; thân nhân công chức, viên chức quốc phòng, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.
Nhóm đối tượng an sinh xã hội: Người đang hưởng trợ cấp xã hội, người cao tuổi (trên 70 tuổi); Người khuyết tật nhẹ có khó khăn về tài chính, người nước ngoài làm việc và hưởng lương tại Việt Nam, người nước ngoài hưởng lương từ các tổ chức nước ngoài, người lao động là người nước ngoài định kỳ đến lao động, làm việc, người nước ngoài sang Việt Nam sinh sống theo người lao động.
Thứ hai, mở rộng phạm vị quyền lợi của người tham gia BHYT: Nguyên tắc tăng tính chi phí - hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, phù hợp khả năng chi trả của Quỹ BHYT và người bệnh.
Phạm vi được hưởng: Khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Phục hồi chức năng; dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng.
Phụ nữ khám thai định kỳ và sinh con, sàng lọc sơ sinh, sàng lọc trước sinh, sàng lọc bệnh lây truyền từ mẹ sang con đối với phụ nữ mang thai.
Sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm một số bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; sử dụng vaccine, sinh phẩm và dinh dưỡng sử dụng trong điều trị.
Vận chuyển người bệnh trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh khác theo yêu cầu chuyên môn. Người tham gia bảo hiểm y tế được lập hồ sơ sức khỏe cá nhân.
Thứ ba, đa dạng các loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở. Theo đó, mục tiêu giúp người tham gia BHYT được thuận lợi trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ, phát huy vai trò y tế cơ sở, y tế tư nhân trong quản lý và chăm sóc nhân dân, đồng bộ với Luật khám chữa bệnh.
Quy định rõ các loại hình cơ sở có quyền tham gia ký hợp đồng khám chữa bệnh như nhà thuốc, trung tâm chẩn đoán hình ảnh, trung tâm xét nghiệm; trung tâm cấp cứu, trung tâm phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế dự phòng; trung tâm sức khỏe sinh sản, trung tâm kiểm nghiệm dược, vắc xin, mỹ phẩm, thực phẩm.
Thứ tư, bảo đảm tính minh bạch, công khai, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan BHXH trong hoạt động giám định BHYT.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ BHYT với mục tiêu quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế trên nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả, tập trung nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe của người tham gia bảo hiểm y tế.
Theo Vietnamnet