5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Bài 4: Vướng mắc, hạn chế - Nhận diện và khắc phục

05/10/2021 09:06

Cùng với những thành quả to lớn sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, vẫn còn đó không ít hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và cả hiệu quả thực hiện nghị quyết trên một số phương diện, lĩnh vực cần khắc phục.

>>>Bài 1: "Chiếc gương" chiếu khuyết tật
>>>Bài 2: Không còn “trên nóng, dưới lạnh”
>>> Bài 3: “Bảo bối” giúp Đảng trong sạch, đội ngũ vững mạnh


“Tham bát bỏ mâm” và “đẽo cày giữa đường”

Xác định thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương (NQTƯ) 4, khóa XII là phải khắc phục cho được những hạn chế, khuyết điểm đã được Trung ương chỉ ra, nhiều tỉnh ủy, thành ủy rất coi trọng việc kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành việc đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở đội ngũ trong từng giai đoạn cụ thể để có giải pháp tháo gỡ, đốc thúc, định hướng. Tại Đảng bộ tỉnh Trà Vinh, liên tục trong nhiều năm, tỉnh ủy ban hành nhiều công văn, gửi các tỉnh ủy viên, bí thư huyện ủy, bí thư các ban cán sự đảng, đảng đoàn, nêu rõ kết quả khắc phục, đẩy lùi những hạn chế, khuyết điểm. Các công văn này chỉ rõ việc đã khắc phục được bao nhiêu biểu hiện, còn bao nhiêu hạn chế, khuyết điểm chưa được xử lý hiệu quả... Nhờ vậy, Tỉnh ủy Trà Vinh đã kịp thời đôn đốc, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương chủ động rà soát, tầm soát về kết quả, hiệu quả thực hiện NQTƯ 4, khóa XII; giúp các cấp vận hành việc ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ một cách nghiêm túc, bài bản, có kế hoạch, bảo đảm lộ trình và những bước đi phù hợp.

Bài 4: Vướng mắc, hạn chế - Nhận diện và khắc phục

Một buổi sinh hoạt của Chi bộ làng Lân, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai (ảnh chụp trước tháng 4.2021)

Với cách làm tương tự, phần nhiều đảng bộ cấp huyện, xã (thuộc 17 đảng bộ cấp tỉnh, thành phố) chúng tôi tiến hành khảo sát cho thấy: Cấp ủy, chính quyền đều xác định rõ mục tiêu, lộ trình đẩy lùi đối với từng biểu hiện cụ thể trong số 27 biểu hiện được Trung ương chỉ rõ. Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện NQTƯ 4, khóa XII ở các địa phương: Hà Nội, Cần Thơ, Đồng Tháp, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, An Giang, Hậu Giang, Quảng Ngãi, Đắc Lắc, Ninh Bình, Tây Ninh... cho thấy sự phân tầng rất rõ về mức độ kết quả đạt được trong thực hiện đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện cụ thể; điểm mặt rõ ràng và lượng hóa kết quả thực hiện bằng những con số: Đã đẩy lùi được bao nhiêu biểu hiện; những biểu hiện còn tiếp diễn có khả năng hoàn thành; biểu hiện cần tập trung sức lãnh đạo cao nhất mới đẩy lùi dứt điểm; biểu hiện diễn tiến phức tạp, khó giải quyết triệt để... Đây là cách đánh giá khá toàn diện, khoa học, tôn trọng sự thật, giúp cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng nắm chắc thực-hư, tiến độ ngăn chặn, đẩy lùi để có giải pháp, kế hoạch sát đúng.

Thế nhưng vẫn còn không ít đảng bộ địa phương chưa làm được như thế. Có nơi đã chọn đúng trọng tâm cần tập trung đẩy lùi biểu hiện, xác định cơ bản được lộ trình, giải pháp đẩy lùi nhưng lại thiếu tính kiên định và quyết tâm giải quyết đến cùng. Khi phát hiện các biểu hiện mới có chiều hướng diễn tiến tiêu cực, phức tạp lại ngả sang “chống đỡ”, xử lý thụ động, thiếu tính kế hoạch. Bởi thế, vô hình trung, những nơi này rơi vào cảnh “tham bát bỏ mâm” và diễn ra câu chuyện “đẽo cày giữa đường”. Có nghĩa là, bất kỳ biểu hiện nào cũng ra sức đấu tranh khắc phục nhưng không xác định được trọng tâm, trọng điểm; thành thử kết quả đạt được không thể lượng hóa cụ thể; cũng chưa có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nào được giải quyết triệt để. Thậm chí, nhiều cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã... lại tuyệt đối “vâng theo” định hướng của cấp trên và cơ quan chức năng mà không hề có ý kiến phản hồi, phản biện. Nhiều cấp ủy, người đứng đầu thiếu lập trường, quan điểm bảo vệ kế hoạch phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay từ đầu của cấp ủy, tổ chức đảng cấp mình... nên rơi vào lúng túng, rối rắm, không biết chọn việc nào làm trước, việc nào cần ưu tiên, việc nào là trọng tâm khi triển khai, tổ chức thực hiện.

Thế mới có câu chuyện rằng, lãnh đạo các cấp về chỉ đạo, thẳng thắn nêu lên hàng loạt dấu hiệu nhận diện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở cơ sở khiến cấp dưới vỡ lẽ ra nhiều điều. Nhưng việc chỉ đạo nào đâu phải chỉ một vài “thượng cấp” mà có quá nhiều cán bộ cấp trên về định hướng, chỉ đạo như thế nên cộng gộp một cách đơn thuần về mặt số lượng thì các dấu hiệu nhận diện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở địa phương bỗng trở thành “con số khổng lồ”. Các cấp ở cơ sở vì yếu năng lực, thiếu chính kiến nên không biết tháo gỡ, giải quyết từ đâu. Nhiều nơi gồng mình lên nhưng kết quả đạt được chỉ nặng định tính, thiếu thực chất, thậm chí là sáo ngữ trong báo cáo, quy chụp các kết quả trên nhiều lĩnh vực, nhiệm vụ khác thành kết quả thực hiện NQTƯ 4, khóa XII.

NQTƯ 4, khóa XII đã chỉ rõ 4 nhóm mục tiêu, giải pháp chính cần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong đó yêu cầu từng cấp ủy quán triệt sâu sắc chủ trương của Trung ương, nắm chắc định hướng của trên nhưng phải vận dụng linh hoạt, sát đúng với thực tế ở cấp mình. Bí thư cấp ủy mỗi cấp phải là người chủ trì và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện ở cấp mình. Đó là quan điểm bất biến, có tính chất mấu chốt khi lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện NQTƯ 4, khóa XII ở tất cả các cấp; cũng là phương cách đi đến đáp án đúng cho bài toán phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiện nay.

Biến cán bộ thành “ma-nơ-canh”

Cũng có một phần nguyên nhân từ câu chuyện “tham bát bỏ mâm” và “đẽo cày giữa đường” nên ở giai đoạn đầu triển khai nghị quyết, không ít cấp ủy, cơ quan, đơn vị tỏ ra lúng túng, trong khi đội ngũ cán bộ bỗng trở thành nạn nhân của “chiếc vòng kim cô” được kết nên từ quá nhiều quy định cần phải tránh hoặc không được phạm phải.

Có một thực tế rằng, để NQTƯ 4, khóa XII sớm đi vào cuộc sống, nhiều đảng bộ cấp tỉnh, thành phố đã rất chủ động nghiên cứu từ 27 biểu hiện (do Trung ương xác định) được các cấp phát triển, phân chia ra hàng chục, hàng trăm dấu hiệu dễ nhận biết, nhận diện. Đây là cách làm phù hợp, sáng tạo, giúp cho tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, quần chúng sớm phát hiện những dấu hiệu ngay từ sớm để ngăn chặn, phòng ngừa. Thế nhưng, do thiếu tính thống nhất trong nhận thức ngay từ đầu, nhiều người nhầm tưởng hoặc đánh đồng các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với các dấu hiệu nhận diện, nhận biết nhỏ lẻ... thành thử, cán bộ nhìn đâu cũng thấy các nguy cơ dấu hiệu phải phòng bị, né tránh; trong khi quần chúng thì cứng nhắc trong đánh giá, phê bình gay gắt cán bộ từ những dấu hiệu nhỏ lẻ trong đời sống và công tác, dù rằng những dấu hiệu ấy chỉ mới manh nha và chưa cấu thành nên biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Để “né tránh” những dấu hiệu nhận diện nêu trên, cán bộ trở nên khép mình vào khuôn khổ một cách thái quá. Nhiều người đứng đầu trở nên nhút nhát, thiếu quyết đoán, quyết liệt trong triển khai, vì ngại đang có tổ chức và “hàng triệu tai, mắt” của nhân dân theo dõi, giám sát. Nhiều nội dung chưa phân định rõ giữa các biểu hiện của quyết đoán với độc đoán, giữa uy quyền và quyền uy cùng hàng loạt khái niệm, quan niệm khác trong hệ thống 27 biểu hiện... Ở một số nơi, lợi dụng vào những dấu hiệu chưa rõ ràng này, một số thành phần cá biệt cố tình gây mất đoàn kết, đấu đá, kèn cựa, hạ bệ lẫn nhau. Trong khi ở một số nơi khác, nhất là ở cơ sở lại vận hành khá cứng nhắc, chặt chẽ, triệt để nên vô hình trung biến cán bộ thành hình mẫu “ma-nơ-canh” - đó là những hình mẫu tròn trịa, toàn diện về mọi mặt, mẫu mực tuyệt đối về nhân cách để cấp dưới và quần chúng soi vào đó mà học tập, làm theo. Nhưng cách làm đó có mặt tiêu cực là tạo ra gánh nặng tâm lý quá lớn cho đội ngũ cán bộ, khiến không ít anh em thật sự mệt mỏi hoặc nảy sinh căn bệnh hình thức, đối phó, tự gây dựng cho mình hình ảnh mực thước một cách phi thực tế, rồi rơi vào căn bệnh háo danh, thành tích ảo.

Hay ngay trong câu chuyện nêu gương cam kết phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ khi triển khai trên thực tế cũng nảy sinh nhiều vấn đề đáng bàn và đáng buồn. Do nhận thức về các quy định nêu gương chưa thật đầy đủ nên không ít nơi duy trì cứng nhắc, nặng giấy tờ, hình thức. Thậm chí ngay trong phần việc những tưởng là “tự giác” và là “nhu cầu tự thân” của cán bộ, đảng viên thì chính sự gò ép về mặt văn bản, giấy tờ, thủ tục hành chính khiến cho công tác tổ chức, vận hành trở nên rườm rà mà hiệu quả thu về chỉ khiến cho căn bệnh hình thức càng trở nên trầm kha, nghiêm trọng hơn. Thậm chí có nơi xem công việc hình thức nêu trên là một trong những kết quả quan trọng khi thực hiện NQTƯ 4, khóa XII và khẳng định rõ trong các báo cáo, ví như: 100% cán bộ, đảng viên đăng ký nội dung “tự soi, tự sửa”; 100% cán bộ cam kết nêu gương; 100% cán bộ, đảng viên chịu sự giám sát của chi bộ và các tổ chức quần chúng...

Vẫn biết đó là kết quả của cách... phải làm, nhưng xét về mặt bản chất thì rõ ràng đây cũng là một biểu hiện của bệnh thành tích và chắc chắn, căn bệnh này cũng là một trong 27 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chỉ mặt, điểm tên!

Ít phần trách nhiệm, nặng phần tung hô

Trong số 17 báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện NQTƯ 4, khóa XII của đảng bộ các tỉnh, thành phố (trực thuộc Trung ương) mà chúng tôi có dịp tiếp cận, nghiên cứu đều có chung một đánh giá về mặt hạn chế, đại ý là: Một bộ phận cán bộ còn biểu hiện né tránh trách nhiệm; nhiều cán bộ, quần chúng bàng quan, thiếu tâm huyết trong quán triệt, triển khai NQTƯ 4, khóa XII.

Có một điều mâu thuẫn là: Né tránh trách nhiệm là một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đã được NQTƯ 4, khóa XII chỉ ra và cần phải loại bỏ triệt để. Thế nhưng chính trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, đặc biệt là sau những vụ việc sai phạm được xử lý nghiêm khắc thì ở một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên lại xuất hiện tư tưởng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, dẫn đến an phận thủ thường, không dám làm, không dám đột phá. Đáng nói là ở nhiều nơi để xảy ra các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” khá phức tạp nhưng người đứng đầu vẫn “bình chân như vại”, chưa chịu liên đới trách nhiệm, chưa tự giác đứng lên nhận khuyết điểm trước tổ chức, trước Đảng và nhân dân.

Cũng vì căn bệnh né tránh trách nhiệm mà quá trình thực hiện NQTƯ 4, khóa XII ở nhiều nơi được vận hành một cách hình thức. Đấu tranh với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chưa quyết liệt, triệt để: Trong sinh hoạt, một số cấp ủy, tổ chức đảng thường có biểu hiện xuôi chiều, phụ họa theo ý kiến của người đứng đầu; ngại thể hiện chính kiến, sợ mất lòng, sợ va chạm, sợ bị đánh giá là không ủng hộ cấp trên. Một số cán bộ thì bàng quan, trung dung, nhất quán “tránh voi chẳng xấu mặt nào” cả trong công việc và đời tư. Số khác thì bức xúc thái quá, sinh ra chán nản, phát ngôn tiêu cực, không an yên, gắn bó với đơn vị, không còn tâm huyết với công việc... Thực tế đó là môi trường lý tưởng cho sự đâm nở các mầm mống tiêu cực, suy thoái, biến chất.

Có một điều kỳ lạ là gần như các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự diễn hóa” diễn ra khá phổ biến ngay trong chính nội bộ tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, nhưng các cấp ủy, tổ chức đảng không dám phát giác, tố giác hoặc “không đủ năng lực” tự phát hiện ra những yếu kém, khuyết điểm nhãn tiền. Ở một số nơi, qua nhiều năm, tổ chức đảng vẫn được đánh giá trong sạch vững mạnh, người rơi vào “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” vẫn được khen thưởng, thăng tiến, bổ nhiệm lên các vị trí cao hơn. Đến khi báo chí, quần chúng nhân dân phản ánh, tố giác thì nơi ấy mới bị cơ quan chức năng vào cuộc phanh phui, xử lý, trừng trị thích đáng. Chính điều đó cho thấy: Sức chiến đấu của tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở hiện nay đang là vấn đề đáng báo động; tinh thần chiến đấu, dũng khí đối diện với tiêu cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng đang bị “lũng đoạn”, bị nhấn chìm vào tầng đáy của nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Trong khi ấy, cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người tích cực đấu tranh chống tiêu cực và các biểu hiện suy thoái chưa được hoàn thiện; chưa có nhiều hoạt động vinh danh, khen thưởng đối với những “anh hùng” trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”...

Bởi thế, sẽ thật không quá lời khi khẳng định: Chỉ trong câu chuyện về sức chiến đấu của tổ chức đảng yếu kém; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ chưa triệt để; nền nếp, chất lượng tự phê bình và phê bình còn nhiều hạn chế... thì tổ chức ở đấy, người chủ trì ở đấy và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở đấy đã vi phạm hàng chục biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong chính nội bộ, tổ chức của mình. Do vậy, hơn lúc nào hết, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phải làm quyết liệt, mạnh mẽ trong chính nội bộ của từng tổ chức nhỏ nhất và trong từng cán bộ, con người cụ thể.

Trong 5 năm qua, ủy ban kiểm tra các cấp nhận được hơn 104.400 đơn, thư tố cáo phản ánh tổ chức đảng và đảng viên. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương giải quyết tố cáo đối với 36 đảng viên, qua giải quyết tố cáo đã thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật 6 đảng viên có vi phạm; ủy ban kiểm tra các địa phương, đơn vị giải quyết tố cáo đối với 319 tổ chức đảng và 8.441 đảng viên, qua giải quyết tố cáo đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 1.606 đảng viên. 

----------------------------------------------------------

Bài cuối: Mệnh lệnh hành động chống "giặc nội xâm"​

Theo báo Quân đội nhân dân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Bài 4: Vướng mắc, hạn chế - Nhận diện và khắc phục