Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây không thể hạ gục được nước Nga và Nga đang thắng thế trong các mối quan hệ với phương Tây.
Các công nhân Nga tại một nhà máy lắp ráp xe hơi ở thị trấn Vsevolozhsk
Ngày 16.3.2019, tròn 5 năm Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crưm và cũng tròn 5 năm Nga hứng chịu các đòn trừng phạt kinh tế cứng rắn của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Sau 5 năm không những kinh tế Nga không sụp đổ mà đã lấy lại đà tăng trưởng, điều này chứng tỏ hiện tại Nga đang thắng thế trong quan hệ với Mỹ và phương Tây? Về lâu dài Nga có thực sự thoát khỏi khó khăn do trừng phạt kinh tế gây ra?
Mục tiêu trừng phạt
Mỹ là nước đi đầu trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước Nga sau khi Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crưm, đồng thời Mỹ đã hối thúc đồng minh phương Tây (Liên minh châu Âu) phải noi gương Mỹ làm điều tương tự đối với Nga.
5 năm đã trôi qua nhưng căng thẳng giữa Nga và phương Tây vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm mà có chiều hướng gia tăng vì các nghị sỹ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Ủy ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện Mỹ thống nhất đưa dự luật nhằm gia tăng mức độ trừng phạt Nga không chỉ vì “tội” can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, không chỉ vì “tội” sáp nhập bán đảo Crưm và các hoạt động tại miền đông Ukraina mà còn vì “tội” can dự vào Syria, kiểm soát vũ khí ở châu Âu, vấn đề Triều Tiên và sự kiện trên biển Azov hồi cuối năm 2018. Mục tiêu chiến lược của các lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt nhằm vào Nga là buộc Nga phải thay đổi thái độ vì các lệnh trừng phạt này ảnh hưởng tới chiến lược cũng như sức mạnh quân sự của Nga tại Syria. Nếu không buộc được Nga thay đổi thái độ thì cũng giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Nga, gây chia rẽ trong nội bộ lãnh đạo Nga, làm suy yếu mối quan hệ giữa các lãnh đạo chính trị Nga đối với chính phủ và người dân Nga.
Với Mỹ, ngoài các chế tài trừng phạt của chính phủ tiền nhiệm, chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã ban hành không chỉ chiến lược quốc phòng, an ninh để bảo vệ nước Mỹ mà xác định rõ mục tiêu chống Nga rất cụ thể, đồng thời cả hai viện quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật được Tổng thống Trump phê chuẩn nhằm chống lại Nga, trong đó có Đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào kinh tế Nga và các lệnh trừng phạt này kéo dài đến hết năm 2019, tính đến nay đã có 170 cá nhân và 44 thực thể nhà nước Nga bị EU trừng phạt còn các thực thể và cá nhân của Nga bị Mỹ trừng phạt đã lên tới hơn 700 kể từ năm 2014. Tác động của các đòn trừng phạt từ Mỹ và EU đã làm kinh tế Nga suy thoái mạnh trong năm 2014 và 2015, khiến Mỹ và phương Tây hài lòng và dấy nên hy vọng kinh tế Nga sẽ sụp đổ.
Nước Nga thắng thế
Sau 5 năm trở lại với nước Nga, cuộc sống của người dân tại Crưm tuy chưa thay đổi nhiều nhưng so với trước năm 2014 (năm Crưm trở lại Nga) thì đã có cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tại Crưm khoảng 30.000 ruble/tháng (tương đương với 459 USD/tháng). Chỉ thế thôi nhưng phía Ukraina đã ban hành lệnh cấm công dân nước này khi đi du lịch Crưm không được phép đem về các bức ảnh về sự đổi thay của nơi này. Chính phủ Nga đã chi hàng tỷ USD để xây dựng cây cầu vĩ đại Kerch nối Crưm với lục địa Nga khánh thành vào năm ngoái cùng nhiều nhà máy điện tai bán đảo này.
Có thể nói rằng sau 5 năm bị trừng phạt kinh tế Nga đã thích ứng được với các điều kiện mới và sẵn sàng đối phó với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ và phương Tây. Việc Nga phát triển được “chiến lược cách ly các lệnh trừng phạt” là điều cả Mỹ và phương Tây không thể ngờ tới. Từ chiến lược này Nga đã khôn khéo giảm được nợ nước ngoài xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990 đến nay. Nga đã giảm (không mua) trái phiếu chính phủ Mỹ, giảm sử dụng đồng USD, gia tăng sử dụng đồng euro, đồng yên Nhật và các đồng tiền khác. Đồng thời Nga gia tăng dự trữ vàng và ngoại tệ (Nga có nguồn dự trữ ngoại tệ 500 tỷ USD và hơn 1.200 tấn vàng, là nước có nguồn dự trữ vàng lớn thứ 5 trên thế giới). Nga chủ động phá thế bao vây bằng cách cải thiện các mối quan hệ với các nước trong đó có Trung Quốc, làm ăn kinh tế với một số nước Tây Âu như Pháp, Đức, Italy (Dòng chảy Phương Bắc 2 đưa khí đốt của Nga tới Đức sẽ vận hành trong năm nay cùng dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đưa khí dốt của Nga qua Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Âu…) đã tạo cho Nga một “tấm đệm” đủ lớn giúp Nga chống chọi với các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây.
Cứu cánh của Nga
Thời gian đầu khi Mỹ và phương Tây áp các chế tài trừng phạt, kinh tế Nga “đã thấm” đau từ: Thứ nhất, sự biến động giá tăng trên thị trường ngoại hối, khiến cho đồng nội tệ (ruble) của Nga mất giá nhanh chóng và lạm phát bắt đầu xuất hiện với tốc độ rất nhanh. Thứ hai, khả năng tiếp cận các thị trường tài chính của Nga bị hạn chế rất nhiều. Thứ ba, tiêu dùng và đầu tư của Nga đều bị đình trệ. Mặt khác có điều không may cho Nga là giá dầu thô cuối năm 2014 đã lao dốc không phanh đến mức doanh thu xuất khẩu mặt hàng này của Nga đã giảm 1/3.
Không thể ngồi yên, Nga đáp trả Mỹ và phương Tây một cách tương ứng. Các biện pháp đáp trả của Nga với phương Tây trước hết tập trung vào các mặt hàng nông sản (trước khi đáp trả Nga đáp ứng khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ các mặt hàng nông sản của người dân Nga). Nguồn cung thực phẩm, nông sản thiếu hụt đẩy lạm phát nên cao nhưng lại tạo cơ hội vàng cho ngành nông nghiệp của Nga. Sau hai năm bị trừng phạt năm 2016 Nga dẫn đầu thế giới về xuất khẩu lúa mỳ (đạt hơn 21 tỷ USD, cao hơn cả doanh thu xuất khẩu vũ khí) và năm 2018 tổng doanh thu xuất khẩu hàng nông sản của Nga đạt hơn 25 tỷ USD.
Trước khi bị Mỹ và phương Tây trừng phạt ngành nông nghiệp của Nga không được chú trọng. Nay ngành nông nghiệp Nga đã vươn dậy, hiện Nga có 97 triệu mẫu đất trồng lúa mỳ và 50 triệu mẫu chưa được sử dụng được dự kiến sẽ luân canh các loại cây trồng của nước này như lúa mỳ, ngô, lúa mạch vụ đông. Quả thực ngành nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm đã “cứu nước Nga” trong cơn bĩ cực của trừng phạt.
Người tiêu dùng Nga thể hiện lòng yêu nước của minh bằng cách nhanh chóng thích ứng với các mặt hàng do chính ngành công nghiệp thực phẩm của Nga sản xuất; một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 94% số người được hỏi tại thành thị trả lời họ thích mua sản phẩm của Nga sản xuất ngay cả khi có sẵn mặt hàng nhập khẩu ngang giá với sản phẩm của Nga. Nói về thành công của ngành nông nghiệp Nga trong việc ứng phó với các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây, Bộ trưởng Nông nghiệp Alexander Tkachv đã nói rằng “chúng tôi cảm ơn các đối tác châu Âu và Mỹ, những người đã khiến chúng tôi nhìn nhận nông nghiệp từ một góc độ khác và giúp chúng tôi tìm ra những nguồn dự trữ và tiềm năng mới”.
Rõ ràng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây không thể hạ gục được nước Nga và Nga đang thắng thế trong các mối quan hệ với phương Tây, nhưng nếu Mỹ và phương Tây tiếp tục gia tăng các đòn trừng phạt nhằm vào hệ thống ngân hàng và tiền tệ thì chắc chắn lâu dài kinh tế Nga sẽ gặp khó khăn. Điều này đòi hỏi ban lãnh đạo Nga và người dân nước này phải có biện pháp ứng phó tương ứng.
HẢI HÀ