Người yêu thơ dõi theo bước đi của Câu lạc bộ (CLB) Thơ lục bát tỉnh Hải Dương đã có câu ca: 5 năm với bấy nhiêu ngày/ Tình thơ bay bổng, đất cày đơm hương, ghi nhận những đóng góp đáng khích lệ của CLB đối với thi ca và tâm hồn con người xứ Đông.
Góp phần bảo tồn thể thơ lục bát truyền thống
CLB Thơ lục bát tỉnh Hải Dương thành lập ngày 25.6.2017, đến nay đã có hơn 70 hội viên, vượt quân số ấn định 68 (lục bát).
Ấn tượng nổi bật của CLB trong nhiệm kỳ đầu là tham gia tích cực vào công cuộc bảo tồn thể thơ lục bát “quốc hồn quốc túy”. Tiêu biểu như: đăng hàng trăm chùm thơ, bài thơ do hội viên sáng tác lên “Lục bát mỗi ngày” và nhiều chuyên mục khác của cộng đồng mạng; tham gia Lễ hội Lục bát Việt Nam hằng năm với số lượng hội viên vượt mức bình quân của các CLB Thơ lục bát tại lễ hội, 2 tác phẩm đoạt giải ba toàn quốc: Một mình (thơ, tác giả Đỗ Hoàng Phong, năm 2017) và múa Đi lễ chùa làng (chuyển thể lục bát của tác giả Đỗ Trọng Kim sang hát dân ca, năm 2018).CLB xuất bản tập Lục bát Hải Dương mừng xuân 2018 khổ rộng lưu hành nội bộ và tặng các CLB bạn. 61 tập thơ của hội viên đã và đang đến với bạn đọc. 26 chương trình thơ lên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương…
Những sự kiện nói trên đã giúp hoạt động thơ của CLB thêm đa thanh, đa điệu, đa sắc; nhân lên năng lực sáng tạo, bình chú thi ca; làm giàu thêm ý nghĩa của việc trao đổi, tặng thơ; nâng cao đời sống tinh thần hội viên… Nhiều CLB thơ, bạn thơ ở khắp nơi đã chia sẻ thi phẩm và kinh nghiệm tổ chức sinh hoạt thơ. Từ đây, thơ lục bát Hải Dương hòa nhập mạnh mẽ, làm giàu thêm kho tàng thơ truyền thống Việt Nam.
CLB Thơ lục bát tỉnh Hải Dương đã bước đầu đúc kết những “mấu chốt” khả dĩ có được tác phẩm thơ lục bát hay. Đó là phải trau rèn, bồi thụ năng lực cảm xúc để nắm lấy “cái hồn cái vía” của hiện thực rồi diễn tả chúng bằng những từ ngữ có nhạc điệu, ám ảnh và chân thực.“Bà đỡ” của quá trình này là vốn sống và kiến thức văn học. Với tinh thần ấy, Ban Chủ nhiệm, Ban Biên tập rất chú ý tổ chức bồi dưỡng kỹ năng sáng tác cho hội viên, tạo nguồn thơ lục bát dồi dào, củng cố sự vững chắc của CLB.
Làm phong phú thêm đời sống tâm hồn
Một trong những mảng đề tài mà CLB đã thể hiện đậm nét thông qua thi phẩm là nhân tình thế thái được thể hiện qua cái đẹp của ngôn từ. Xin nêu một vài dẫn chứng:
Nếu như cảm nhận về sự phân ly với Men nồng đắng một bờ môi/ Con ong giã bạn đánh rơi mật lòng (Lê Đại), Nhạt nhòa bến cũ chia ly/ Qua sông vẫn thấy thầm thì lời thương (Hồ Đình Bắc) day dứt, thì nói về cảnh đơn côi bóng chiếc, nỗi niềm “khắc khoải” như tác giả Đỗ Trọng Kim thể hiện trong Tát nước một mình cũng lay động lòng người: Đời người là mấy mươi năm/ Là bao mùa lúa, xa xăm hả mình/ Đầy vơi gầu nước nghĩa tình/ Đầy vơi em tát một mình chờ anh! Hay Cho nhau một nửa chữ tình/ Để chung nhịp đập tim mình, tim ta - nỗi niềm của tác giả 96 tuổi Đỗ Hoàng Phong khẳng định thơ và tình yêu không có tuổi.
Lục bát Hải Dương có nhiều bài thơ, câu thơ gửi gắm những giá trị đạo đức nhân sinh một cách khéo léo và tinh tế. Dễ thấy với những tác phẩm về tình cha con, mẫu tử: Mẹ đi từ bấy đến giờ/ Tiếng con gọi mắc gai bờ giậu thưa (Vũ Ngọc Thư - Nhớ mẹ). Thân cò đồng trũng ruộng cao/ Bụi trần rũ sạch lọt vào thiên thu (Đỗ Trọng Thành - Mẹ về). Chín mươi tuổi mấy gian truân/ Mồ hôi mẹ đổ trắng ngần cơm con (Nguyễn Thế Đảm - Thơ tặng mẹ), Bao năm nghe tiếng điếu cày/ Gióng tre lưu luyến vân tay mẹ già/ Nhìn điếu bát, lại nhớ cha/ Người đi để lại ấm trà… dở dang (Nguyễn Đức Vân)…
Viết về CLB Thơ lục bát tỉnh Hải Dương bằng một nghìn từ, với tôi là vô cùng khó khăn. Nhưng không viết thì lại thấy khó khăn hơn, như mắc nợ! Bởi yêu người và yêu thơ hòa quyện! Anh như câu lục qua đường/ Còn em câu bát quê hương đợi chờ (Vương Xuân Ánh - Lời ngỏ). Bởi có một thứ vũ khí sắc bén để tẩy chay cái xấu xa: Rắc câu lục bát lên tường/ Tiêu quân nhũng nhiễu, tan phường gian tham (Đoàn Văn Bảng). Bởi À ơi lục bát ơi à/ Hồn thơ dân tộc mãi là tinh hoa (Nguyễn Đức Tăng). Và đến nỗi này: Em về lục bát xứ Đông/ Xin em đừng để cho chồng em hay/ Nỗi lòng ngấm rượu đã say/ Lại câu lục bát… dễ lay lắt lòng (Nguyễn Trác Hùng). Và còn nhiều lắm…
PHẠM XƯỞNG