Khoa học về giấc ngủ đã công nhận một giấc ngủ ngắn vào ban trưa có lợi cho sức khỏe. Nhưng ngủ trưa như thế nào là tối ưu cho cơ thể?
Người cao tuổi thường rảnh rỗi, nhiều thời gian. Có người thì dành thời gian lên mạng xã hội, xem ti vi. Có người sẽ chăm sóc bản thân, làm việc nhà, làm vườn hoặc đi dạo chơi... Tuy nhiên, khá nhiều người cao tuổi chọn nghỉ ngơi trong nhà và việc gà gật trước ti vi hay trên đi văng là cảnh thường thấy. Vậy bạn có biết ngủ ngày như thế nào là tốt ? Chuyên gia sẽ giúp bạn với những mẹo đơn giản.
Tiến sĩ Brice Faraut, nhà khoa học thần kinh tại Trung tâm giấc ngủ và theo dõi của Hôtel-Dieu de Paris ( Pháp) giải thích về một giấc ngủ trưa khác với một giấc ngủ gà gật bất chợt thế nào. Nếu bạn ngủ gật khi đang xem một bộ phim trên truyền hình thì đó là trạng thái "chịu đựng" của cơ thể không hề tốt cho sức khỏe. Một giấc ngủ tốt trưa tốt là "một giấc ngủ ngắn được chủ động và giám sát". Do đó, ta nên đi ngủ trưa vào một giờ nhất định, chủ động đặt báo thức để có một giấc ngủ ngắn không kéo dài quá lâu.
Đừng ngủ thoải mái quá
Với giấc ngủ ngắn ban trưa, bạn sẽ không có thời gian để bước vào giai đoạn ngủ chậm sâu. Sự theo dõi và tập trung được tăng cường, và ta tránh được cảm giác sương mù khi thức dậy. "Giấc ngủ ngắn có tác dụng điều trị - đối với căng thẳng và hệ thống tim mạch nói riêng - nhưng nếu kéo dài lâu hơn, nó có thể phá vỡ các dấu hiệu của đồng hồ sinh học và gây ảnh hưởng tới thời gian ngủ vào ban đêm, trong khi giấc ngủ dài ban đêm là quan trọng nhất cho việc phục hồi của cơ thể", chuyên gia cảnh báo.
Trên cơ sở đó, hàng ngày, lý tưởng nhất là bạn thu xếp một giấc ngủ trưa khoảng 20 đến 30 phút. Trong đó 10 phút để đi vào giấc ngủ, sau đó 10 đến 15 phút để ngủ thực sự. Nhưng nếu bạn cảm thấy thực sự cần phục hồi sức khỏe, chẳng hạn như vì bạn đã tham gia tiệc tùng vào đêm hôm trước, hay trót xem liền tù tì một bộ phim dài tập quá khuya thì cũng không sao nếu bạn chợp mắt từ một tiếng đến một tiếng rưỡi. Nhưng đó chỉ nên là ngoại lệ đặc biệt.
Chọn thời điểm thích hợp
Giấc ngủ trưa thích hợp nên được sắp xếp vào đầu giờ chiều. Thời gian nghỉ ngơi này ứng với cảm giác buồn ngủ sinh lý xảy ra sau bữa trưa. Nếu ngủ trưa quá muộn, chẳng hạn vào cuối buổi chiều thì có thể ảnh hưởng tới việc đi vào giấc ngủ tối. Tuy nhiên, giấc ngủ trưa vào lúc nào cũng phụ thuộc vào thói quen của bạn (bạn là kiểu cú đêm- ngủ muộn hay chim sơn ca- ngủ sớm dậy sớm). Nếu bạn không bao giờ đi ngủ trước nửa đêm, một giấc ngủ ngắn vào khoảng 3 giờ chiều không phải là vấn đề. Nếu không, tốt nhất hãy ngủ vào khoảng 1 giờ chiều. Trái với suy nghĩ của nhiều người, đi nằm ngay sau khi ăn không hẳn cản trở quá trình tiêu hóa, miễn là bạn không ăn quá nhiều và giấc ngủ của bạn chỉ là ngủ ngắn.
Vượt qua cám dỗ của chiếc giường ngủ
Chuyên gia về giấc ngủ giải thích rằng: "Nhiều nghiên cứu xác nhận rằng bạn càng nằm nhiều, bạn càng dễ ngủ, do ở tư thế này các cơ được thư giãn, hệ thống căng thẳng của chúng ta, vốn được cho là sẽ cảnh báo chúng ta trong trường hợp nguy hiểm, ít hoạt động hơn". Do đó, để đi vào giấc ngủ nhanh chóng, bạn có thể nằm xuống giường thật thoải mái, chọn mặc một bộ quần áo dễ chịu hơn cho quá trình ngủ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải phân biệt điều kiện của giấc ngủ ngắn ban ngày và điều kiện của giấc ngủ ban đêm. Khi ngủ trưa, bạn đừng để mình ngập lún trong chăn đệm- một cám dỗ rất thường gặp trên chiếc giường quen thuộc.
Ngủ trong phòng tối
Ngủ trưa khi trời còn sáng sẽ khó hơn khi ngủ ban tối. Trong phòng sáng, nhắm mắt là chưa đủ: một phần ánh sáng đi qua mí mắt và gửi tín hiệu cho cơ thể rằng chưa đến giờ ngủ. Vì vậy để dễ đi vào giấc ngủ hơn bạn nên kéo rèm lại hoặc đeo dụng cụ che mắt, giúp bạn nhanh chóng chìm vào giấc ngủ hơn.
Theo Sức khỏe và Đời sống