Loại hình du thuyền 5 sao xưa vốn chủ yếu dành cho khách nước ngoài. Tuy nhiên, đại dịch khiến nhiều người Việt dễ dàng tiếp cận hơn với nó.
3 là số lần tôi trải nghiệm dịch vụ này ở miền Bắc trong năm 2021 (một lần vào cận cao điểm du lịch và 2 lần vào mùa đông). Mỗi lần, tôi lại có cảm nhận khác về loại hình này do dịp đi công tác, lúc lại đi chơi với bạn bè, người thân.
Thời điểm cuối năm cũ, đầu năm mới, nhiều người muốn đi du lịch bù để xả stress sau thời gian dài bộn bề công việc và cũng đau đầu vì đại dịch. Nếu đang cân nhắc loại hình du thuyền 5 sao, dưới đây sẽ là 5 lý do để bạn xem xét.
Giá rẻ
Dù là trải nghiệm 5 sao nhưng mức giá các du thuyền đưa ra từ khi mở cửa trở lại đều ở mức thấp (khoảng 3-3,2 triệu đồng/người/đêm chưa bao gồm xe đưa đón, dịch vụ khác). Theo nhiều đơn vị lữ hành, mức giá này còn chưa bằng một nửa thời điểm trước dịch.
Mức giá để trải nghiệm du thuyền 5 sao hiện tại tương đối rẻ. Ảnh: Hoàng Hiệp |
Có thể nói, mức giá hiện tại phù hợp với túi tiền của đa số người Việt. Những người làm du lịch đánh giá với việc khách quốc tế bắt đầu quay lại Việt Nam, mức giá du thuyền 5 sao có thể được đẩy lên cao hơn trong năm tới.
Với khoảng 3 triệu đồng bỏ ra, bạn sẽ được trải nghiệm những hoạt động như chèo SUP, kayak trên vịnh, thăm hang, đảo hay học nấu ăn, tập võ buổi sáng...
Các bữa ăn chính, ăn sáng cũng đã bao gồm trong mức giá trên. Bữa tối thường được phục vụ theo phong cách fine dining đẹp mắt, kết hợp giữa nghệ thuật ẩm thực phương Tây và văn hóa địa phương. Nếu thuộc tuýp thích "sống ảo" với đồ ăn trước khi thưởng thức, đây sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho bạn.
Không gian đẹp
Nhiều người từng đi tham quan vịnh trong ngày trên những chiếc thuyền du lịch bình thường. Tuy nhiên, quy mô và đẳng cấp của các thuyền này thua xa du thuyền 5 sao.
Không gian trên các du thuyền 5 sao đều được đầu tư thiết kế. Ảnh: Anh Tú |
Đa số các du thuyền 5 sao trên vịnh Hạ Long, Lan Hạ đều được đầu tư về thiết kế. Nhiều du thuyền còn có những không gian nghệ thuật riêng để du khách tìm hiểu hoặc đơn giản là chụp ảnh thỏa thích.
Điểm đáng giá nhất du thuyền 5 sao nào cũng có là ban công với tầm nhìn ra vịnh. Đây cũng là góc chụp ảnh yêu thích của nhiều du khách trẻ. Ngoài ra, khu vực boong tàu với toàn cảnh vịnh cũng là vị trí thích hợp cho những bức ảnh chụp bằng flycam.
Lịch trình hợp lý
Hầu hết du thuyền 5 sao trên vịnh Hạ Long, Lan Hạ hiện nay đều khai thác theo lịch trình hai ngày một đêm. Nhìn qua nhiều người sẽ nghĩ đây là lịch trình tương đối ngắn nhưng nó lại khá phù hợp.
Lịch trình du thuyền 5 sao được phân bố hợp lý. Ảnh: Anh Tú |
Sau khi nhận phòng và ăn trưa, bạn sẽ có một tiếng nghỉ trước khi bước vào các hoạt động ngoài trời buổi chiều như chèo kayak, chèo SUP, tham quan vịnh hay đón hoàng hôn, trà chiều... Nghỉ ngơi khoảng một tiếng, bạn sẽ tới nhà hàng ăn tối và dành khoảng 1 đến 2 giờ trên bar (nếu thích).
Tới khoảng sau 22 giờ, mọi hoạt động trên vịnh cũng không còn gì. Bạn có thể dành thời gian nghỉ ngơi hoặc chơi với bạn bè, người thân một số trò đã được chuẩn bị sẵn trên tàu (hoặc mang theo) như board game, cờ vua, cá ngựa...
Buổi sáng hôm sau là thời gian tập thể dục, tham quan vịnh, ăn trưa trước khi trả phòng và về bờ.
Nhìn chung, lịch trình đã được tính toán hợp lý để có quãng thời gian nghỉ ngơi, hoạt động, vui chơi cho du khách. Một số ít bên khai thác tour 3 ngày 2 đêm sẽ cho bạn dành gần một ngày ở địa điểm khác ngoài vịnh. Nếu dành quá nhiều thời gian trên vịnh, nhiều người cũng sẽ không thích bởi hầu như không có gì làm ngoài ngắm cảnh.
Nhân viên thân thiện
Đợt dịch lần thứ tư khiến các du thuyền đều phải cắt giảm lượng lớn nhân sự. Theo khảo sát của phóng viên, đa số du thuyền hiện chỉ còn giữ khoảng 30% nhân sự so với thời điểm trước.
Các nhân viên trên du thuyền tạo thiện cảm cho du khách. Ảnh: Heritage Cruises |
Trước thời điểm này, tôi từng có dịp trải nghiệm dịch vụ trên một du thuyền 5 sao. Họ bố trí một bàn khách có riêng một nhân viên chăm sóc để đáp ứng yêu cầu của khách hàng ngay lập tức. Dĩ nhiên, hiện tại, lượng nhân sự không còn đủ để phục vụ như thế.
Tuy nhiên, các nhân viên trên du thuyền tôi từng đi đều giữ phong thái lịch sự, ân cần và quan trọng là luôn nở nụ cười với khách hàng. Cử chỉ vẫy tay tạm biệt, chào đón khi khách hàng lên/rời tàu là điểm cộng lớn trong cách phục vụ của họ.
Không có sóng điện thoại
Điều này tưởng chừng vô lý nhưng thực sự hợp lý khi bạn muốn dành trọn ngày nghỉ dưỡng sau tuần dài mệt mỏi. Khi đi du thuyền, sóng điện thoại gần như không có hoặc chập chờn (thỉnh thoảng cũng có lúc sóng mạnh).
Do đó, bạn rất khó để "ôm" theo công việc khi đã đặt chân lên thuyền. Dù vậy, đây cũng có thể là điểm trừ với những người làm việc thường xuyên, kể cả ngày nghỉ.
Theo Zing