Trong tình hình dịch bệnh, nhiều người phải làm việc online tại gia nên phòng làm việc hoặc góc làm việc là không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà.
Dù có phòng làm việc riêng hay một góc làm việc nhỏ trong không gian lớn, gia chủ vẫn nên lưu ý những điểm sau.
Vị trí và chức năng
Góc làm việc trong nhà nên được đặt ở những chỗ yên tĩnh, thoáng đãng, có ánh sáng tự nhiên. Nếu là góc làm việc tăng cường (ví dụ, làm thêm vào buổi tối) thì nên đặt ở gần phòng ngủ (nếu là phòng độc lập) hoặc ngay trong phòng ngủ.
Nếu diện tích và cấu trúc phòng ngủ cho phép, nên ngăn cách linh hoạt khu vực làm việc và giường ngủ để có sự tập trung cần thiết và tránh gây ảnh hưởng hoạt động người khác.
Góc làm việc có thể đặt ở những không gian chung nhưng tránh bị giao thông cắt qua. Những góc làm việc dạng này cũng cần bố trí gần các phòng chức năng khác có tính hỗ trợ như phòng vệ sinh.
Nếu như góc làm việc trong nhà được sử dụng với thời gian dài trong ngày, tần suất cao (như một văn phòng tại gia) thì không nhất thiết phải quá gần hay trong phòng ngủ.
Góc làm việc trong nhà có thể được tổ chức như một phòng sách, thư viện gia đình hay phòng sinh hoạt chung của gia đình mang tính học thuật và giải trí yên tĩnh như đọc sách, chơi cờ.
Bàn làm việc
Bàn làm việc là vật dụng quan trọng hàng đầu của góc làm việc. Một cái bàn (cùng ghế) đã có thể trở thành góc làm việc. Tùy từng diện tích không gian, ý đồ tổ chức mặt bằng không gian mà gia chủ lựa chọn kích thước bàn phù hợp.
Một chiếc bàn làm việc đơn thường có chiều rộng 55 - 60 cm, chiều dài khoảng 1,1 - 1,2 m. Chiều rộng ít khi thay đổi, tuy nhiên chiều dài có thể thay đổi theo nội thất của phòng, có thể kéo dài hết cửa sổ, hết bức tường hoặc có hình chữ L. Trong một số trường hợp đặc biệt, do đặc thù của công việc như người làm thiết kế cần bàn rộng để vẽ hay trải các bản vẽ khổ lớn thì bàn làm việc phải được "đo ni đóng giày".
Bàn làm việc và chỗ ngồi chính cần được bố trí gần cửa sổ, giếng trời hoặc nơi có ánh sáng tự nhiên. Nguồn sáng có thể là trước mặt hoặc bên cạnh (bên trái là tốt nhất), tránh bị ngược sáng, sấp bóng (nguồn sáng chiếu sau lưng). Trường hợp nguồn sáng tự nhiên yếu, bạn cần tăng cường chiếu sáng nhân tạo.
Bàn làm việc là vị trí quan trọng nhất nên gia chủ cần bố trí các thành phần hỗ trợ cho bàn làm việc như máy móc, sách vở, công cụ sao cho hợp lý, thuận tiện. Tùy cách thức làm việc theo kiểu truyền thống (viết, vẽ, đọc, tra cứu) hay cách làm việc hiện đại liên quan đến công nghệ (máy tính, máy in, thiết bị điện tử, thiết bị số) mà ưu tiên cho yếu tố đó ở khu làm việc. Với các bàn làm việc kiểu hiện đại, cần xác định vị trí thiết bị để đấu nối khoa học, hợp lý (máy tính và các thiết bị ngoại vi) và để chuẩn bị hạ tầng phù hợp (vị trí ổ điện, đường điện thoại, internet).
Giá sách, tủ sách
Dù làm việc theo cách thức và công nghệ hiện đại với máy tính, thiết bị kỹ thuật số thì giá sách (hay kệ sách, tủ sách) vẫn là thứ không thể thiếu.
Tủ sách, giá sách nên bố trí ở những mảng tường đặc, những "góc chết" để tận dụng vị trí tốt hơn cho bàn làm việc. Cần căn cứ vào kích thước các loại sách chủ yếu của chủ nhân để thiết kế hợp lý và tránh lãng phí không gian chứa đựng. GIa chủ cũng nên chú ý độ dài các đợt ngang, không nên lớn quá vì sách rất nặng có thể gây võng.
Tủ sách lớn nên có các ô linh hoạt để kết hợp đặt đồ trang trí hoặc đồ lưu niệm, phần ngăn có cánh để cất chứa sách ít sử dụng, sách lưu trữ, các vật phẩm văn phòng liên quan và ngăn không cánh cho những sách thường xuyên đọc, hay tra cứu. Lưu ý, những tủ sách cao và mỏng cần làm chốt khóa trên đỉnh liên kết với tường để tránh việc tủ có thể nghiêng đổ ra ngoài gây nguy hiểm.
Nơi nghỉ ngơi
Với góc làm việc trong nhà (mà không nằm trong phòng ngủ), chỗ nghỉ ngơi rất cần thiết để gia chủ có thể giải lao.
Nếu là phòng có cửa ra vào và diện tích cho phép, bạn hoàn toàn có thể đặt một chiếc giường nhỏ. Trong các trường hợp khác, gia chủ hãy bày một chiếc ghế nghỉ, giường gấp hay sofa dài dễ di chuyển khi cần. Nơi nghỉ cũng có thể là chỗ xem báo, đọc sách hay ngồi trò chuyện giữa các thành viên trong gia đình.
Tuy nhiên, khi góc làm việc là một không gian mở thì cần cân nhắc vị trí, hình dáng và chất liệu của đồ nội thất dành cho việc nghỉ ngơi này để làm cho không gian nội thất có giá trị thẩm mỹ, tránh việc "xung đột" giữa hai nội dung tưởng như không liên quan đến nhau này.
Một số "phụ tùng" khác
Góc làm việc trong nhà cũng nên được trang bị một số "phụ tùng" cần thiết, nhỏ gọn và không ảnh hưởng đến diện tích, bố cục mặt bằng, hay cấu trúc không gian ví dụ như đèn bàn, giỏ/khay đựng giấy, chỗ để nước.
Không gian làm việc cũng sẽ đẹp và mềm mại hơn nếu có màu xanh của cây cối, hoa lá.
Theo VnExpress