5 điều cấm kị khi cứu người đột quỵ

25/12/2020 17:04


Cho người bệnh nằm nghiêng, nới lỏng quần áo, đồng thời cần bảo đảm thông thoáng đường thở

Phần lớn những người bị đột quỵ thường nhập viện chậm do người thân xử trí sai cách, làm lỡ thời gian vàng trong điều trị đột quỵ.

Phương pháp dân gian: Xoa dầu nóng, cạo gió, cúng bái

Không ít người lầm tưởng đột quỵ với hiện tượng trúng gió, do đó thay vì gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến bệnh viện thì họ lại áp dụng các phương pháp dân gian như xoa dầu nóng, cạo gió, thậm chí có nhiều nơi mê tín tin vào cúng bái làm người bệnh nặng hơn.

Bế thốc lên giường hoặc xe máy đưa đi cấp cứu

Tuyệt đối không được bế thốc người bệnh đưa lên giường hay đi cấp cứu luôn bằng xe máy vì điều này sẽ vô tình gây nguy hiểm thêm cho người bệnh, giảm hiệu quả điều trị hoặc thậm chí khiến người bệnh có thể tử vong trên đường. 

Chích máu 10 đầu ngón tay

Chích máu 10 đầu ngón tay sẽ làm giảm nguyên khí, khiến cho máu không lưu thông, điều này cực kỳ nguy hiểm đối với người đột quỵ (vốn dĩ đã bị nhồi máu hay tắc máu não).

Cho ngậm thuốc hạ huyết áp nhanh quá mức

Cho người bệnh ngậm thuốc hạ huyết áp nhanh khiến người bệnh tụt huyết áp, máu lên não lại giảm đi, nhũn não càng lan rộng, diễn biến bệnh càng trở nên tiên lượng xấu, có thể để lại nhiều di chứng nặng nề.

Cho uống an cung không đúng cách

Hiện nay, không cần bác sĩ chỉ định, nhiều người cứ truyền tai nhau khi bị đột quỵ cứ dùng an cung. Đây là một hội chứng đám đông vô cùng nguy hiểm. An cung chỉ có thể coi như một sản phẩm hỗ trợ và cần có chỉ định rõ ràng của bác sĩ chứ không thể coi có giá trị điều trị đột quỵ.

Khi đã bị đột quỵ, người bệnh thường rơi vào tình trạng rối loạn nuốt, việc cho người bệnh uống ngay một viên an cung có thể khiến người bệnh bị sặc, gây dị vật đường thở, thậm chí dẫn đến đột tử.

Các phương pháp sơ cứu và phòng ngừa đột quỵ

Quy tắc F.A.S.T nhận biết và cấp cứu nhanh người bị đột quỵ như sau:

- Face (Khuôn mặt): Mặt méo mó, cảm giác tê, cứng. Cười lên thì méo mó sẽ rõ hơn.

- Arm (Tay, chân): Tê mỏi một bên tay, vụng về trong những thao tác. Chân đi dễ bị vấp té, bước đi khó khăn.

- Say (Lời nói): Một số người đột quỵ khó nói, nói đơ, môi lưỡi cứng lại, nếu yêu cầu nói một câu đơn giản ngắn gọn thì dễ phát hiện. 

- Time (Thời gian): Đột quỵ là bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt “thời gian vàng” cấp cứu trong 3 tiếng đầu sau tai biến mạch máu não.  

Ngay khi phát hiện ra người bị đột quỵ, hãy hết sức bình tĩnh để xử trí. Hãy gọi cấp cứu ngay khi có thể, cho họ nằm yên và nghiêng, nới lỏng quần áo, đồng thời cần bảo đảm thông thoáng đường thở, giảm thiểu nguy cơ bị sặc cho người bệnh.

Để phòng ngừa bị đột quỵ, mỗi người nên hạn chế các yếu tố gây bệnh, điều trị tích cực các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… Việc điều trị cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Theo Sức khỏe và đời sống

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    5 điều cấm kị khi cứu người đột quỵ