Một trong những trụ cột của tài chính cá nhân là tiền dự phòng trong trường hợp khẩn cấp. Các chuyên gia đều khuyên nên dành ra số tiền tương đương 3-6 tháng chi phí sinh hoạt.
Lý tưởng nhất là bạn hoàn thành khoản này trước, rồi mới thực hiện các mục tiêu tiền bạc khác. Tuy nhiên, việc trả nợ cũng nên được ưu tiên. Các khoản vay lãi suất thấp, như vay đóng học phí, có thể không cần quá quan trọng nếu bạn vẫn đủ trả tối thiểu.
Dù vậy, nếu không thể để ra đồng nào sau khi trả tối thiểu các khoản nợ, có lẽ số nợ của bạn đã quá cao, vượt khả năng kiểm soát.
2. Chỉ có thể thanh toán tối thiểu các khoản nợ
Đây là dấu hiệu khối nợ của bạn không bền vững. Việc này không chỉ kéo dài thời gian trả nợ, mà còn làm tăng số lãi bạn phải trả.
Ví dụ, với thẻ tín dụng có lãi suất hơn 20% và dư nợ vài nghìn USD, số tiền bạn phải trả (cả gốc lẫn lãi) có thể hơn gấp đôi dư nợ ban đầu nếu chỉ trả tối thiểu mỗi tháng.
3. Bị từ chối khoản vay mới
Nếu điểm tín dụng quá thấp, bạn có thể bị ngân hàng từ chối cho vay hoặc mở thẻ tín dụng. Điểm tín dụng thấp khiến các nhà băng đánh giá người vay có nguy cơ vỡ nợ cao, hoặc có lịch sử không trả đúng hạn. Việc bị từ chối có thể siết dòng tài chính trong ngắn hạn, khiến bạn càng ngập trong nợ mới.
4. Thường xuyên trễ hạn thanh toán
Nếu thường xuyên thanh toán chậm vì không đủ khả năng chi trả, đây là dấu hiệu cho thấy khoản nợ của bạn đang vượt tầm kiểm soát. Tương tự, nếu cứ rút tiền tiết kiệm hoặc dùng thẻ tín dụng để thanh toán hóa đơn, bạn có lẽ cần đánh giá lại tài chính của mình.
5. Tỷ lệ nợ trên thu nhập vượt 36%
Tỷ lệ nợ trên thu nhập càng cao đồng nghĩa số tiền kiếm được càng phải để dành nhiều cho trả nợ. Vì thế, khả năng giải quyết vấn đề của bạn khi có chi phí phát sinh là rất thấp.
Tim Melia – chuyên gia tư vấn tài chính tại Embolden Financial Planning (Mỹ) - cho biết các ngân hàng thường coi tỷ lệ nợ trên thu nhập dưới 36% là khả thi để cho vay. Vì vậy, đây là mức tiêu chuẩn để xem lại ngân sách của bạn. Tuy nhiên, hãy cố giảm tỷ lệ này xuống càng thấp càng tốt.
Dù tổng nợ là bao nhiêu, khả năng chi trả của bạn luôn phụ thuộc vào 2 việc – tăng thu nhập hoặc giảm chi tiêu. Với phần lớn mọi người, giảm chi những thứ không thiết yếu sẽ dễ dàng hơn, trừ phi bạn được tăng lương hoặc nhận việc làm thêm.
Bước đầu tiên luôn là xem lại các hóa đơn và thông báo thanh toán để xác định mình đang chi bao nhiêu cho chỗ ở, thực phẩm, các khoản không cần thiết và trả nợ. Chỉ khi đó, bạn mới nhìn ra cần hạn chế khoản nào và có kế hoạch để dần hết nợ.
Theo VnExpress