Curtis Kroeker hiện là Tổng giám đốc của trang bán hàng trực tuyến BizBuySell.com và BizQuest.com.
Trong quá trình kinh doanh, Curtis nhận ra niềm tin là nền tảng để xây dựng những mối quan hệ hợp tác thành công. Trong bài viết trên INC, Curtus Kroeker cho rằng, xây dựng lòng tin không yêu cầu bạn phải bỏ qua lợi ích bản thân mà cung cấp hết tất cả nhằm hài lòng đối tác tiềm năng. Thay vào đó, bạn cần phải có chủ ý và chiến lược phù hợp về cách thức thỏa thuận với đối tác. Dưới đây là 5 cách đơn giản mà Curtus Kroeker đã áp dụng để xây dựng lòng tin trong mối quan hệ mua - bán.
1. Thông tin rõ ràng, minh bạch: Trong chặng đường dài hướng đến việc xây dựng lòng tin của cả 2 bên, yếu tố tổ chức thông tin trật tự, khoa học là điều đầu tiên cần lưu ý. Bạn nên sắp xếp trước các thông tin tài chính, tài liệu liên quan đến việc hợp tác gọn gàng trước khi đàm phán nhằm giúp đối phương hiểu và đánh giá đúng doanh nghiệp của bạn. Điều này chứng minh công ty của bạn hoạt động minh bạch, công khai. Từ đó đối tác sẽ có lòng tin vào những thông tin bạn cung cấp. Mặt khác, các thông tin tài chính rõ ràng, minh bạch cũng sẽ làm cho người mua dễ dàng nhận được tài trợ từ các nguồn huy động vốn. Điều này sẽ là chất xúc tác giúp mối quan hệ mua - bán diễn ra thuận lợi hơn.
2. Đúng hẹn trong cung cấp thông tin: Việc phát hành các thông tin nhạy cảm như khai thuế, báo cáo tài chính... nên được sắp xếp thứ tự công bố thích hợp, tùy thuộc vào mức độ phát triển trong mối quan hệ của bạn và đối tác. Tuy nhiên, không nên chậm trễ với các mốc thời gian hai bên đã cùng nhau định ra. Điều này sẽ kéo theo sự trì hoãn không cần thiết trong quá trình hợp tác về sau.
3. Trung thực: Che giấu, nói dối về tình trạng kinh doanh hiện thời có thể xem là "thẻ đỏ" trong quan hệ hợp tác bền vững. Bạn không nên thổi phồng quá mức những điểm mạnh hoặc cố gắng che lấp đi điểm yếu của sản phẩm hoặc công ty. Cách tốt nhất là bạn hãy cởi mở và trung thực chia sẻ về những thất bại sản phẩm đã từng có trong quá khứ và triển vọng phát triển có thể có trong tương lai. Trung thực về những hạn chế của sản phẩm, dịch vụ sẽ giúp người mua tin tưởng vào những điểm mạnh còn lại của doanh nghiệp khi hợp tác.
4. Theo dõi, hỗ trợ trong suốt quá trình hợp tác: Theo dõi và hỗ trợ đối tác kịp thời là điều kiện tiên quyết để xây dựng lòng tin. Cho dù là trả lời một cuộc điện thoại hoặc cung cấp các tài liệu yêu cầu đúng hạn, khi bạn nỗ lực chăm sóc khách hàng từ những điều nhỏ nhất thì dần dần người mua sẽ gia tăng sự tin tưởng và hợp tác với bạn nhiều hơn trong tương lai.
5. Cung cấp thông tin trực quan: Tổ chức cho người mua một chuyến tham quan trực tiếp các sản phẩm, hoạt động của doanh nghiệp là cách tốt để gia tăng mức độ tin tưởng, thay vì chỉ tương tác trên bàn đàm phán và qua các tài liệu bán hàng. Những chuyến tham quan này cũng là cơ hội để hai bên xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài. Điều cần lưu ý là hoạt động này nên đến sau khi việc hợp tác đã dần thành hình và bạn đã hiểu rõ về đối tác của mình. Cuối cùng, hãy nỗ lực để đáp ứng tất cả các câu hỏi và yêu cầu của người mua trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, khi đó sự tin tưởng sẽ phát triển dần trong quá trình hợp tác về sau.
(Theo doanhnhansaigon.vn)