Mùa hè, thời tiết oi bức, nhiệt độ tăng cao, trong khi sức đề kháng của người cao tuổi (NCT) ngày một giảm nên nguy cơ mắc bệnh càng cao.
Dưới đây là 5 bệnh phổ biến nhất mà NCT nên đề phòng:
Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch là một trong những bệnh người già thường mắc phải nhất vào mùa hè. Mùa hè nóng nực, NCT ra mồ hôi nhiều nên rất dễ bị mất nước và chất điện giải. Mất nước và chất điện giải liên tục trong nhiều giờ, nhiều ngày sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ tim mạch như tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt. Nếu mất nước nặng có thể gây trụy tim mạch.
Bệnh xương khớp
Đau nhức xương khớp vào mùa hè ở NCT thường xuất hiện ở các khớp gối, cột sống thắt lưng, khớp bàn tay, bàn chân. Bệnh đau xương khớp càng tái phát nhiều hơn, nhất là đau các khớp vai gáy, đau nhức khớp gối khi NCT bị mất ngủ, trằn trọc do không khí oi bức vào mùa hè, ngay cả ban đêm.
Hằng ngày NCT nên xoa bóp nhẹ các bắp cơ, vùng xương khớp, nên tập luyện thể dục dưỡng sinh hoặc các môn thể thao nhẹ nhàng.
Bệnh đường hô hấp
Mùa hè nhưng NCT có thể bị cảm lạnh do chế độ sinh hoạt không hợp lý. Nếu nhẹ có thể gây viêm đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi, nặng có thể viêm phế quản, viêm phổi.
Đối với NCT bị bệnh viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản hoặc hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khi nóng, lạnh đột ngột bệnh cũng sẽ tái xuất hiện, nhất là hen ác tính rất nguy hiểm.
Vì thế, khi đi ngoài nắng nóng về các cụ nên để thân nhiệt giảm dần, nghỉ ngơi từ 15 - 30 phút mới tắm hoặc vào phòng điều hòa.
Rối loạn tiêu hóa
Mùa nắng nóng, NCT rất dễ bị rối loạn tiêu hóa do thức ăn, nước uống không bảo đảm vệ sinh. Một số NCT do chế độ ăn uống chưa hợp lý trong mùa hè nên thường bị không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, táo bón.
Nếu những bệnh đường tiêu hóa này tái đi tái lại nhiều lần sẽ làm sức khỏe của NCT suy giảm và nguy cơ mắc các bệnh tiết niệu, nội tiết, tim mạch… tăng cao hơn. NCT nên sử dụng những thực phẩm tươi sống, ăn chín uống sôi và chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học để ngăn ngừa các bệnh tiêu hóa.
Đột quỵ
Đột quỵ ở NCT xảy ra vào mùa hè chiếm một tỷ lệ đáng kể do thay đổi nhiệt độ, thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống và nhất là ở những người có tiền sử bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, thiểu năng mạch vành), tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu (tăng cholesterol, triglyceride), đái tháo đường...
Một số dấu hiệu đột quỵ vì nắng nóng là mặt đỏ bừng, nhiệt độ cơ thể cao, nhức đầu, buồn nôn, mạch nhanh, chóng mặt và không tiết mồ hôi dù thời tiết nắng nóng. NCT nên hạn chế đi lại hay làm việc trong những ngày nắng nóng, nhất là vào những giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 16 giờ.
Theo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương