Việc quần đảo Trường Sa thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta, góp phần bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Bộ đội Hải quân giải phóng đảo Song Tử Tây ngày 14.4.1975. Ảnh tư liệu
Vào những ngày này 46 năm trước, cùng với đoàn quân tốc chiến tốc thắng tiến về Sài Gòn, có một lực lượng đặc biệt được giao thực hiện một nhiệm vụ cũng rất đặc biệt trên mặt trận biển Đông là giải phóng quần đảo Trường Sa. Chiến thắng ấy thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta, góp phần bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Chủ trương đúng, kịp thời mang tầm nhìn chiến lược
Trường Sa là một quần đảo nằm ở phía nam Biển Đông với trên 100 đảo lớn nhỏ và bãi san hô ngầm. Trong số trên 100 đảo lớn nhỏ, vào thời kỳ cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ chỉ có 11 đảo có người. 5/11 đảo do quân ngụy Sài Gòn đóng giữ, gồm: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa. Tổng số quân địch đóng trên 5 đảo này vào khoảng 160 tên.
Sau khi Buôn Ma Thuột, Trị Thiên-Huế và Đà Nẵng được giải phóng, tình hình chiến trường miền Nam diễn biến hết sức mau lẹ. Ngày 4.4.1975, thay mặt Thường vụ Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi một bức điện cho Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân, chính thức giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa, trong đó chỉ rõ: “Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ thì kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng”.
Do ý thức đầy đủ về chủ quyền biển, đảo nên ngay từ đầu năm 1975, Quân chủng Hải quân cũng đã xây dựng các phương án và chuẩn bị tác chiến trên hướng biển, đặc biệt là giải phóng các đảo khi có lệnh. Trước yêu cầu, nhiệm vụ hết sức khẩn trương, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã tập trung mọi nỗ lực, một mặt tổ chức lực lượng tham gia cùng các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn; mặt khác, khẩn trương chuẩn bị lực lượng phối hợp với Quân khu 5 tiến công giải phóng Trường Sa.
Theo phương án tác chiến, mục tiêu là giải phóng các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa. Phương châm tác chiến là: bí mật, bất ngờ tiến công. Lực lượng đánh chiếm quần đảo Trường Sa gồm Đội 1-Đoàn 126 (đặc công từng đánh chìm nhiều tàu địch ở Cửa Việt) và một bộ phận hỏa lực thuộc Tiểu đoàn 471-Quân khu 5 do đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy. Thời cơ đánh chiếm đảo được xác định từ 0 đến 2 giờ sáng là lúc ta có thể lợi dụng yếu tố thủy văn để bí mật đổ quân lên đảo.
Ngày 9.4.1975, khi ở trong đất liền, cuộc tiến công vào phòng tuyến Xuân Lộc mở màn, thì trên hướng biển, Bộ Tư lệnh Hải quân được lệnh ra giải phóng quần đảo Trường Sa. Ngày 11.4.1975, các lực lượng của ta bí mật xuất phát từ Đà Nẵng và đảo Song Tử Tây là mục tiêu giải phóng đầu tiên.
Rạng sáng 14.4, Đội 1 đặc công hải quân, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Ngọc Quế, Đội trưởng (Đoàn 126) chia làm 3 mũi, bí mật áp sát đảo. Đúng 4 giờ ta bắt đầu nổ súng. Trước sự tấn công bất ngờ của ta, địch phản ứng yếu ớt, buộc phải đầu hàng. Khi bình minh vừa lên cũng là lúc lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh cột, trước bia chủ quyền ở Song Tử Tây.
Sau khi ta giải phóng Song Tử Tây, hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa bị đe dọa, địch hoang mang lo sợ. Chớp thời cơ đó, lúc 0 giờ 30 ngày 25.4, ta sử dụng hai tàu 673 và 641 chở lực lượng từ đảo Song Tử Tây đến đảo Sơn Ca, do thiếu úy Đỗ Viết Cường chỉ huy, đổ bộ lên đảo. 2 giờ 30 phút, ta nổ súng tấn công tiêu diệt địch. 3 giờ sáng 25.4 ta giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca.
Sau chiến thắng của quân Giải phóng tại Song Tử Tây và Sơn Ca, hệ thống phòng thủ của địch trên các đảo bị đe dọa nghiêm trọng. Nam Yết mặc dù là trung tâm chỉ huy của địch trên quần đảo Trường Sa, nhưng chúng vẫn không thể kháng cự được. 10 giờ 30 ngày 27.5, ta làm chủ hoàn toàn Nam Yết.
Đến thời điểm này, số quân địch còn lại ở các đảo hoang mang cực độ, tìm mọi cách thoát thân. Từ đảo Nam Yết, tàu 673 tiếp tục đưa một bộ phận đi đánh đảo Sinh Tồn. 10 giờ 30 ngày 28.4.1975, ta hoàn toàn làm chủ đảo Sinh Tồn.
Phát huy khí thế tiến công thần tốc, táo bạo của quân dân ta trên các hướng chiến trường nói chung, ở vùng biển đảo nói riêng, 16 giờ ngày 28.4.1975, bộ đội ta đi giải phóng đảo Trường Sa. 9 giờ ngày 29.4.1975, quân ta đổ bộ lên đảo và chỉ sau 30 phút đã làm chủ đảo Trường Sa.
Như vậy, sau gần 20 ngày tổ chức chuẩn bị và chiến đấu, Quân chủng Hải quân đã phối hợp với một bộ phận lực lượng của Quân khu 5 giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa do quân đội Sài Gòn đóng giữ.
Ngoài tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã chỉ đạo lực lượng vũ trang phối hợp với du kích và nhân dân tiến công và nổi dậy giải phóng Cù lao Xanh (ngày 1.4.1975), Cù lao Chàm, Cù lao Ré (ngày 30.4.1975). Đồng thời, Hải quân nhân dân Việt Nam phối hợp với các lực lượng khác tiến đánh Cù lao Thu và một số đảo lớn thuộc địa bàn cực Nam Trung Bộ. Từ ngày 10.4.1975, bộ đội đặc công tỉnh Khánh Hòa và 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 19-Sư đoàn 968 giải phóng đảo Hòn Tre. Ngày 30.4.1975, lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với quần chúng tại chỗ nổi dậy giải phóng đảo Phú Quốc. Ngày 1.5.1975, ta hoàn toàn làm chủ Côn Đảo…
Như vậy, nắm chắc thời cơ, đánh giá đúng thực tiễn tình hình, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và lực lượng vũ trang các địa phương đã nhanh chóng giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo trên Biển Đông. Việc giải phóng các đảo và quần đảo trên Biển Đông do quân đội Sài Gòn chiếm đóng có ý nghĩa rất lớn, bởi đây là một phần lãnh thổ Việt Nam, có vị trí chiến lược quan trọng cả về quân sự và kinh tế. Những chiến công này góp phần cùng đòn tiến công chiến lược Tây Nguyên, đòn tiến công chiến lược giải phóng Trị-Thiên-Huế, Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã làm nên một mùa Xuân đại thắng, một dấu ấn đậm nét trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam.
Các tàu của Vùng 4 Hải quân luôn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng rời bến khi có lệnh
Trường Sa - vững vàng trường tồn nơi đầu sóng
Kể từ ngày được giải phóng, đã 46 năm trôi qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa vẫn luôn vững vàng bám biển, bám đảo. Với biết bao hy sinh và nỗ lực của quân và dân ta, Trường Sa hôm nay đã có một diện mạo hoàn toàn mới. Sức sống mới đang hiện diện khắp nơi.
Giữa sóng nước Trường Sa, cuộc sống của quân và dân trên các xã đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa diễn ra bình dị và tràn ngập tiếng cười vui, điển hình như sự thay da đổi thịt ở Song Tử Tây. Đặt chân lên đảo, khung cảnh rất thanh bình với những mái nhà đỏ tươi nằm xen giữa cây xanh, những con đường nhỏ đổ bê tông sạch sẽ… Đặc biệt, đảo còn có tượng đài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, chùa Song Tử Tây nằm sát biển.
Những năm gần đây, xã đảo Song Tử Tây còn trở thành điểm tựa của ngư dân đánh bắt xa bờ. Đội dịch vụ hậu cần nghề cá âu tàu đảo Song Tử Tây cung cấp miễn phí nước ngọt, các dịch vụ y tế, sửa chữa tàu thuyền cho bà con ngư dân. Ngư dân muốn sử dụng nhiên liệu, nhu yếu phẩm cũng được cung cấp với giá như trong đất liền.
Trên đảo Song Tử Tây còn có ngọn hải đăng đầu tiên được xây dựng trên quần đảo Trường Sa (tháng 10.1993). Đây là hải đăng cấp 1, thuộc hệ thống bảo đảm an toàn hàng hải quốc tế. Trên đảo còn có một trạm khí tượng thủy văn.
Riêng ở thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn) còn có rặng tre - món quà của một người cha mang ra đảo khi thăm con. Đó là hình ảnh thân thuộc, thương nhớ với biết bao người lính ở những vùng quê miền Bắc, miền Trung khiến cho đảo xa như một miền quê thân thương giữa đại dương mênh mông. Trường Sa đã trồng và phát triển được nhiều loài cây nước lợ, thậm chí gần đây có cả một số loài cây ăn trái, rau xanh mà trước kia vốn chỉ sinh trưởng ở đất liền.
Từ một quần đảo không có sẵn các điều kiện tự nhiên thích hợp cho sự sống, giờ đây cây xanh ở các đảo đều sinh trưởng tốt và đầy sức sống trong nắng gió Biển Đông. Trên đảo những chú bò thảnh thơi dưới bóng cây, đàn vịt nước mặn kiếm ăn bên bờ biển, đàn chó bắt cá cùng chiến sĩ, những vườn rau xanh mướt, đàn cá kìm bơi tung tăng bên cầu cảng như ở ao nhà, những cây bàng vuông, phong ba, bão táp cổ thụ ngát hương hoa… Tất cả những hình ảnh bình yên ấy chẳng khác gì bức tranh thôn quê đầy sức sống nơi đất liền.
Nhiều đảo như Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn... có trường học, có người dân ra lập nghiệp sinh sống, có trụ sở ủy ban xã đảo, có bệnh xá. Đến nay đã có năm ngôi chùa được xây dựng ở đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca và Sinh Tồn.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước bằng tinh thần “cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, nơi đảo xa ngày càng thay đổi, vươn mình kiêu hãnh và càng vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.
Trải qua nhiều thập kỷ, những người con từ mọi miền đất nước vẫn nối nhau đến, ở lại tuyến đảo tiền tiêu, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc và để cùng nhau nở nụ cười tự hào khi nhìn về đất Mẹ.
“Còn đảo, còn tàu, còn người, còn Tổ quốc”; “đảo là nhà, biển cả là quê hương”; “vững tay súng bảo vệ vững chắc biển đảo”, “tất cả vì Trường Sa thân yêu”... những khẩu hiệu ấy không chỉ của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi đây mà còn là ý chí, quyết tâm của cả dân tộc bởi Trường Sa là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Theo TTXVN