45 năm Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”: Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam

18/12/2017 09:46

Tháng 12.1972, Hà Nội cùng một số địa phương, đơn vị đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ vào miền Bắc Việt Nam.


Trong 12 ngày đêm chiến đấu, Hà Nội đã bắn rơi 30 máy bay Mỹ, trong đó có 23 chiếc B.52. Ảnh tư liệu

Đây là thắng lợi có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam và Thủ đô Hà Nội. Chiến thắng đó được coi là “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, góp phần làm nên “Thủ đô anh hùng”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

Sự chỉ đạo chiến lược của Đảng và Bác Hồ

Ngày 29.12.1967, trong buổi làm việc với đồng chí Phùng Thế Tài, Tư lệnh Phòng không-Không quân, Bác đã nói lời tiên tri: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B.52 ra đánh Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Tháng 9.1971, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định: “Năm 1972 hoặc là địch sẽ rút nếu đạt được giải pháp, nếu chưa được có thể tập trung không quân đánh phá. Ta cần có biện pháp đề phòng”.

Đến ngày 5.4.1972, khi tình hình chiến sự ở miền Nam đang diễn ra sôi sục, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân và các Quân khu: “Phải sẵn sàng đối phó với khă năng Mỹ cho không quân, kể cả không quân chiến lược đánh phá trở lại miền Bắc”.

Cuối tháng 11.1972, Quân ủy Trung ương lại nhắc nhở, nhấn mạnh: “Đế quốc Mỹ có thể liều lĩnh dùng B.52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng”.

Ngày 24.11.1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cùng các Phó Tổng Tham mưu trưởng Trần Quý Hai, Vương Thừa Vũ, Cao Văn Khánh, Phùng Thế Tài đã thông qua và phê chuẩn kế hoạch đánh B.52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng của Quân chủng Phòng không - Không quân.

Đầu tháng 12.1972, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã xuống Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân, trực tiếp nghe Tư lệnh Lê Văn Tri trình bày về kế hoạch đánh B.52 của Quân chủng. Đồng chí nhấn mạnh: “Để gây sức ép với ta trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ném bom Hà Nội. Quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không-Không quân, phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng”.

Quân chủng Phòng không-Không quân đã sớm có “Kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích bằng B.52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng”.

Như vậy, về mặt chiến lược, chúng ta không hề bị bất ngờ trước âm mưu thâm độc của Mỹ. Chiến dịch đã được chuẩn bị chu đáo.

Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”

20 giờ ngày 18.12.1972, Ních-xơn đã ra lệnh mở cuộc tấn công lớn bằng pháo đài bay B.52 vào miền Bắc nước ta lấy tên là chiến dịch “Lai-nơ-bếch-cơ II”, một chiến dịch ném bom lớn nhất trong lịch sử. Mỹ đã dùng không quân chiến lược làm lực lượng chủ yếu của cuộc tiến công theo hình thức một cuộc tập kích chiến lược, chớp nhoáng, mục tiêu chính đánh vào Thủ đô Hà Nội và TP Hải Phòng.

Mỹ đã huy động tới 193 máy bay B.52 trong số 200 chiếc dùng cho chiến tranh Đông Dương, bằng nửa tổng số máy bay B.52 Mỹ có lúc đó, làm lực lượng xung kích, kết hợp với 30 máy bay F.111 “cánh cụp cánh xòe”, toàn bộ máy bay ném bom chiến thuật ở Đông Nam Á (1.000chiếc) và sử dụng 5 liên đội tàu sân bay đậu ở ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, 50 máy bay KC.135 tiếp dầu trên không...

Riêng Hà Nội, trong 12 ngày đêm, chúng đã huy động 1.000lần chiếc máy bay, trong đó có gần 500 lần chiếc B.52 (90lần chiếc đêm 18.12, 87 lần chiếc đêm 19.12, 93 lần chiếc đêm 20.12, 24 lần chiếc đêm 21.12, 24 lần chiếc đêm 22.12), 105 lần chiếc đánh ba khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đêm 26.12; 54 lần chiếc đánh 2 khu vực Hà Nội và Đồng Mỏ (Lạng Sơn) đêm 27.12 và 12 lần chiếc đêm 29.12.

Trải qua 12 ngày đêm chiến đấu từ 18 - 29.12, Hà Nội bắn rơi 30máy bay Mỹ trong đó có 23chiếc B.52 và 2 chiếc F.111, diệt và bắt sống hàng chục giặc lái.

Lực lượng trực tiếp chiến đấu gồm Sư đoàn Phòng không361 làm nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô đã tập trung 7 trung đoàn tên lửa, cao xạ, ra đa; Sư đoàn không quân 371 sử dụng 100% lực lượng không quân tiêm kích. Các lực lượng của Hà Nội đã triển khai 67 trận địa súng cao xạ 12,7 và 14,5 ly; 4 trận pháo cao xạ 100ly, 1.122 tổ súng bộ binh với trên 6.000 tay súng. Một lưới lửa dày đặc bảo vệ Thủ đô được tạo ra từ tầm thấp đến tầm cao.

Trong 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, có hàng nghìn tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhiều tập thể, cá nhân đã nêu cao tinh thần đoàn kết, dũng cảm, thông minh, sáng tạo vượt lên sự hy sinh, mất mát, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

12 ngày đêm đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ là một trận “Điện Biên Phủ trên không”. Đây là trang sử oanh liệt đánh dấu sự trưởng thành của nhân dân Thủ đô và của dân tộc Việt Nam, chiến thắng này đã đẩy kẻ thù vào thế thất bại không có sức mạnh quân sự nào cứu vãn nổi.

Thất bại trên bầu trời Hà Nội, đế quốc Mỹ buộc phải trở lại bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    45 năm Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”: Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam