Trước sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai diễn ra tại Hà Nội, 40 vị tướng và nhà ngoại giao Mỹ về hưu đã cùng bày tỏ ủng hộ Mỹ tiếp tục con đường ngoại giao với Triều Tiên.
Trong số đó có những cái tên nổi tiếng như Chuẩn tướng Donald Bolduc, Chuẩn tướng Stephen Cheney, Thiếu tướng Peter S. Cooke….
Họ đã ra tuyên bố kêu gọi trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Việt Nam. Tuyên bố do American College of National Security Leaders (Nhóm lãnh đạo an ninh quốc gia Mỹ) công bố. Đây là một mạng lưới của các đô đốc, tướng lĩnh, đại sứ và quan chức chính phủ cấp cao về hưu.
Nội dung tuyên bố đã được đăng trên tờ National Interest:
Tháng 6.2018, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng mạnh trên Bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tới Singapore gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Mặc dù không theo phong cách chính thống, nhưng khó có thể phủ nhận rằng cách tiếp cận của Tổng thống Trump đã tạo ra cơ hội đột phá mà những người tiền nhiệm của ông không thể thực hiện.
Lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại Singapore. Ảnh: National Interest
Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về nguyên tắc mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Mặc dù không có tuyên bố chi tiết mà chủ yếu mang tính tượng trưng, nhưng cuộc gặp đã giảm mạnh căng thẳng trong khu vực và tạo không gian để ngoại giao thành công.
Với tư cách là các tướng lĩnh, đô đốc, đại sứ và lãnh đạo cấp cao về hưu, chúng tôi tin rằng, trong khi Tổng thống chuẩn bị quay lại khu vực, ông phải tập trung vào đạt được kết quả. Ông phải hành động nếu ông hy vọng có bước tiến thực sự để chấm dứt mối nguy về chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Hạt nhân là một yếu tố mang ý nghĩa sống còn với Triều Tiên. Đối thoại giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un về phi hạt nhân hóa đòi hỏi ngoại giao chiến lược không giống như bàn thảo thỏa thuận bất động sản hay thương lượng sáp nhập kinh doanh.
Để thúc đẩy lợi ích của Mỹ và đảm bảo hòa bình trong khu vực, chúng ta phải tính tới các quan ngại của những người ngồi phía bên kia bàn đàm phán. Thương lượng cần quá trình chuẩn bị chi tiết và mạnh mẽ.
Vậy Bình Nhưỡng muốn điều gì? Trước khi Tổng thống ngồi với Chủ tịch Kim Jong-un lần nữa, ông và các cố vấn cần cố gắng trả lời câu hỏi đó.
Con đường ngoại giao Mỹ-Triều Tiên được ủng hộ. Ảnh: AFP
Chủ tịch Kim Jong-un là người có quan điểm và mục tiêu không phải là không đoán được. Triều Tiên đã đứng vững khi Liên Xô cũ tan rã, khi Trung Quốc chuyển sang cơ chế thị trường và Hàn Quốc phát triển thành mô hình toàn cầu về phát triển kinh tế.
Mỹ không nên tiếp tục mắc sai lầm khi nghĩ rằng Triều Tiên phụ thuộc vào Trung Quốc.
Chủ tịch Kim Jong-un có nhiều động lực về mặt kinh tế hơn sơ với thế hệ cha ông. Ông biết rằng những gì Triều Tiên đã bỏ ra để phát triển vũ khí hạt nhân là nhiều hơn nhiều những gì sẽ nhận lại để từ bỏ hạt nhân.
Điều các thế hệ lãnh đạo Triều Tiên luôn tìm kiếm là đảm bảo an ninh sẽ song hành với cải tổ quan hệ với Mỹ, cùng với lòng tin rằng nếu từ bỏ răn đe hạt nhân, Mỹ sẽ không tìm cách thay đổi chế độ tại Triều Tiên.
Mặc dù vấn đề hạt nhân thu hút sự chú ý nhiều nhất, nhưng việc đón nhận và thiết lập quan hệ mới đó là thách thức cơ bản mà Tổng thống Trump đối diện.
Một nhân tố của mối quan hệ mới đó là công việc khó khăn trong phi hạt nhân hóa: đóng băng quá trình sản xuất, phát triển tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên, và cuối cùng là xây dựng lộ trình toàn diện để giải giáp hạt nhân hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược.
Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên có thể khởi động nỗ lực ở Việt Nam, nhưng các chương trình hạt nhân và thái độ thù địch lẫn nhau suốt hàng thập kỷ qua sẽ mất hàng tháng, hàng năm để thay đổi.
Do đó, sự kiên nhẫn, thận trọng và nhiệt huyết không chỉ là điều phải làm mà là cách khả thi duy nhất để hai nước tiến về phía trước.
Ở Việt Nam và nơi khác nữa, chúng tôi kêu gọi Tổng thống Trump cân nhắc thực tế về Triều Tiên. Mặc dù trừng phạt làm tổn thương Triều Tiên nhưng nước này sẵn sàng chịu đựng để đạt mục tiêu chiến lược cao hơn. Do đó, giảm nhẹ trừng phạt là điều cần phải làm để chứng tỏ Mỹ cam kết với mối quan hệ mới.
Dỡ bỏ trừng phạt là một trong nhiều công cụ duy nhất thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa. Các nhà đàm phán của chúng ta không được coi dỡ bỏ trừng phạt là yếu tố đảm bảo an toàn và an ninh khu vực.
Cuối cùng, Tổng thống Trump có thể thực hiện thêm một bước đi ngắn hạn để tạo không khí xây dựng hơn cho mối quan hệ và bối cảnh mới trong khu vực. Đồng ý thiết lập văn phòng liên lạc ở thủ đô của nhau, cam kết nâng cấp các văn phòng này thành đại sứ quán là một bước đi sớm đúng hướng.
Có đường dây liên lạc trực tiếp sẽ không chỉ thúc đẩy trao đổi về phi hạt nhân hóa mà còn là nền tảng để đối thoại với Triều Tiên về nhiều vấn đề.
Kết quả tốt nhất của hội nghị sẽ là tiến tới một mối quan hệ bình thường hóa toàn diện, một mối quan hệ lâu dài hơn, bình thường hơn, mang lại hòa bình, an ninh trong khu vực.
Theo báo Tin tức