40 năm giải phóng Campuchia khỏi Pol Pot. Bài 1: Bước ngoặt lịch sử

03/01/2019 22:59

40 năm sau ngày đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, những ký ức về tinh thần đoàn kết chiến đấu của quân dân Campuchia và Việt Nam vẫn không phai mờ.


Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trước họa diệt chủng, lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia đã được thành lập tại tỉnh Đồng Nai vào năm 1978 (gọi là Đoàn 125 - tiền thân của lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia sau này), đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh chống lại chế độ diệt chủng.

Nơi ghi dấu lịch sử

Đến ấp Suối Râm, xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) hỏi di tích Đoàn 125 hầu như ai cũng biết. Tại Khu di tích rộng 651m2 này có Tượng đài thể hiện tình đoàn kết hữu nghị giữa quân dân Việt Nam và Campuchia. 

Tượng đài gồm ba nhân vật nhìn thẳng về phía trước, trong đó có hình tượng người phụ nữ Campuchia mặc váy Sampot truyền thống; bên trái là hình tượng nam sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đầu đội mũ tai bèo, vai đeo súng; bên phải là tượng sỹ quan người Campuchia, trong tư thế cùng sỹ quan Quân đội Việt Nam nâng cao chim bồ câu thể hiện khát vọng đoàn kết, hòa bình.

“Đài tưởng niệm lịch sử - tiền thân của lực lượng vũ trang Campuchia dưới sự lãnh đạo chỉ huy của đồng chí Hun Sen ngày 12/5/1978” - dòng chữ được khắc ghi ở bục tượng đài bằng hai thứ tiếng Việt Nam-Campuchia đã thể hiện rõ ý nghĩa đặc biệt của di tích này. 

Theo Tài liệu Di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125 của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đồng Nai, cùng với Đài tưởng niệm bộ đội tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia tại Thủ đô Phnom Penh, Tượng đài di tích lịch sử Đoàn 125 là minh chứng lịch sử hùng hồn về tình hữu nghị, đoàn kết của hai dân tộc và sự tri ân đối với những chiến sỹ, đồng bào đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng chưa từng có trong lịch sử dân tộc.

Hơn 40 năm trước, theo yêu cầu của lực lượng cách mạng Campuchia, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân khu 7 thành lập một đơn vị làm nhiệm vụ giúp đỡ những người Campuchia lánh nạn sang Việt Nam. Tháng 9/1977, Tư lệnh Quân khu 7 ra quyết định thành lập khung tiếp nhận cán bộ, chiến sỹ Campuchia, có nhiệm vụ tiếp đón, giúp đỡ bạn về nơi ăn ở.

Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thường vụ Quân ủy Trung ương về công tác đối với cách mạng Campuchia, chúng ta đã tiến hành tổ chức, quản lý, huấn luyện những cán bộ, chiến sỹ và người yêu nước Campuchia trở thành lực lượng vũ trang cách mạng, có ích cho sự nghiệp cách mạng Campuchia và cho tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia. 

Trung tá Đào Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), người từng trực tiếp tuyển quân và hỗ trợ huấn luyện Đoàn 125, cho biết trên cơ sở được chuyên gia Việt Nam giúp, ngày 12/5/1978, Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia được thành lập tại ấp Suối Râm, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai do ông Hun Sen (nay là Thủ tướng Samdech Hun Sen) làm chỉ huy. Đây là đơn vị tiền thân của Quân đội cách mạng Campuchia, đánh dấu sự phát triển mới của lực lượng cách mạng Campuchia; đáp ứng yêu cầu tất yếu của lịch sử, tạo ra sự chuyển biến mang tính bước ngặt trong cuộc đấu tranh của nhân dân Campuchia.

Tháng 6.1978, Quân khu 7 tổ chức huấn luyện quân sự cho Đoàn 125. Lực lượng tham gia huấn luyện gồm hai tiểu đoàn bộ binh, ba đại đội đặc công cùng các đại đội trinh sát, thông tin, hỏa lực, công binh và vận tải. Với sự giúp đỡ chí tình, không điều kiện của nhân dân và quân đội Việt Nam, Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia đã phát triển nhanh chóng cả về chất và lượng. Đến tháng 12.1978, tổ chức này đã phát triển thành 22 tiểu đoàn, sẵn sàng đảm nhiệm nhiệm vụ chiến đấu với chế độ diệt chủng.

Ngày 7.1.1979, với sự hỗ trợ của quân tình nguyện Việt Nam, lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia đã tiến về Phnom Penh, cùng với Mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia và các lực lượng cách mạng tại chỗ lật đổ chính phủ phản động, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng, xây dựng một đất nước Campuchia hòa bình, thịnh vượng, phát triển đến ngày nay. 

Sau khi giải phóng, Đoàn 125 đã chia các tiểu đoàn về các tỉnh làm lực lượng nòng cốt, làm cơ sở để hình thành nên các tỉnh đội, hệ thống chính quyền của từng tỉnh.

Theo giáo sư-tiến sỹ Võ Văn Sen, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Hồ Chí Minh, sự ra đời của Đoàn 125 có ý nghĩa rất to lớn, có tính bước ngoặt lịch sử đối với cách mạng Campuchia. Bởi khi đó, dưới sự tàn sát của Pol Pot, những người yêu nước Campuchia, trong đó có ông Hun Sen, chạy sang Việt Nam như là một lối thoát duy nhất và tin cậy nhất, bởi Việt Nam lúc đó đã nhìn ra âm mưu, thủ đoạn và bản chất của chế độ diệt chủng này.

Khắc ghi tình hữu nghị

Ngay từ khi ra đời, lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia đã sát cánh cùng quân tình nguyện Việt Nam lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử ngày 7.1.1979, đem lại sự hồi sinh cho dân tộc Campuchia và vĩnh viễn ngăn chế độ diệt chủng quay trở lại.

Nhớ về thời kỳ đầu thành lập Đoàn 125, Trung tá Đào Ngọc Sơn cho biết, lúc đó Việt Nam đã dành cho Đoàn 125 một phần căn cứ để tập hợp quân và huấn luyện thông qua tận dụng các thao trường cũ. Khu vực này là rừng cao su và căn cứ quân sự cũ bỏ hoang, khá hoang vu, cây rừng rậm rạp, ít dân. 

Việc đặt trụ sở Đoàn 125 rất phù hợp, đảm bảo tính chất an toàn, bí mật quân sự. Phía Campuchia chỉ tập trung ở trong đơn vị, mọi giao dịch bên ngoài, cung cấp nhu yếu phẩm đều do bộ đội Việt Nam đảm nhiệm.

Đoàn 125 ban đầu được huấn luyện chủ yếu là cán bộ khung với chương trình tập huấn, huấn luyện cơ bản cho cán bộ Campuchia. Cùng tham gia huấn luyện cho lực lượng cách mạng Campuchia lúc bấy giờ là ông Trần Hồng Thể (đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh), Trung đội trưởng Trung đội trinh sát (Đoàn 27 đặc công), phụ trách huấn luyện các kỹ chiến thuật của đặc công Việt Nam cho bộ đội Campuchia.

Ông Trần Hồng Thể chia sẻ, do hai bên không hiểu tiếng nói của nhau nên ban đầu gặp những khó khăn nhất định, bởi mọi trao đổi đều phải… khua tay khua chân. Sau này chúng ta tăng cường phiên dịch xuống nên việc huấn luyện thuận lợi hơn. Chúng ta huấn luyện cho phía bạn tất cả những gì chúng ta biết, cả kinh nghiệm lẫn thực tiễn bởi phía bạn rất khát khao học tập để quay trở về giải phóng quê hương thoát khỏi chế độ diệt chủng.

Về tình cảm của Việt Nam dành cho những người yêu nước Campuchia lúc bấy giờ, Trung tá Đào Ngọc Sơn nhớ lại, vào thời điểm đó, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Bộ đội Việt Nam hàng ngày phải ăn cơm độn bo bo, nhưng vẫn tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ cho Đoàn 125 cả về vật chất lẫn tinh thần. 

Bộ đội Campuchia được hỗ trợ gạo, thực phẩm, sản phẩm tăng gia của các đơn vị bộ đội ở xung quanh. Chúng ta huấn luyện cho bạn về chính trị, các chính sách, chủ trương, đường lối của chính phủ cách mạng lâm thời Campuchia; tập trung chủ yếu học tập kiến thức quân sự, đấu tranh vũ trang, kỹ năng chiến đấu, chỉ huy quân sự; trong đó, kiến thức về chỉ huy quân sự rất quan trọng.

Giáo sư-tiến sỹ Võ Văn Sen cho rằng hỗ trợ những người yêu nước Campuchia thành lập Đoàn 125 là quyết định sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Suốt giai đoạn 1975-1978, Việt Nam đã có chính sách đối ngoại mềm dẻo trước hành động gây hấn của chính quyền Pol Pot để vừa giữ hòa bình vừa bảo vệ biên giới. Tuy vậy, chúng ta cũng nhận ra bản chất của chế độ Pol Pot nên chúng ta đã ủng hộ Đoàn 125 - những con người cách mạng yêu nước thực sự của Campuchia. Đây là quyết định lịch sử, thể hiện tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    40 năm giải phóng Campuchia khỏi Pol Pot. Bài 1: Bước ngoặt lịch sử