Nhắc đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc không phải là khoét sâu thêm nỗi đau chiến tranh, mất mát mà là để thế hệ trẻ hiểu rõ về lịch sử.
Cách đây đúng 40 năm, rạng sáng 17.2.1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc với 9 quân đoàn chủ lực, 5 sư đoàn bộ binh độc lập và các trung đoàn địa phương, tổng cộng gồm 32 sư đoàn bộ binh và bộ binh cơ giới, 2.558 khẩu pháo mặt đất, 550 xe tăng, 676 máy bay các loại, 2 sư đoàn phòng không trong đó có nhiều dàn phóng hỏa tiễn… đã bất ngờ mở cuộc tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh) dài hơn 1000 km, thuộc địa bàn 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Lai Châu (nay là Điện Biên và Lai Châu)...
Bộ Chỉ huy mặt trận Lạng Sơn cùng chỉ huy Đoàn 327 bàn phương án tác chiến tại hang Chùa Tiên, thị xã Lạng Sơn (Ảnh: TTXVN) |
Quân Trung Quốc đã bắn phá, tiêu hủy tất cả các cơ sở, kho tàng, nhà ở của ta ở các thị xã, thị trấn và các làng bản, bắn giết vô cùng tàn bạo nhân dân ta, quân Trung Quốc tiến sâu vào địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Lai Châu từ 10 -15 km, tiến sâu vào đất Cao Bằng gần 50 km.
Trước sự tấn công bất ngờ của quân Trung Quốc, quân đội và nhân dân Việt Nam, trực tiếp là dân quân, du kích và bộ đội địa phương ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc và tiếp đó là quân chủ lực được tăng cường, đã dũng cảm, kiên cường chiến đấu đánh bại quân Trung Quốc xâm lược, bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày 18.3.1979, quân Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề đã buộc phải rút về nước. Tuy nhiên, tại một số điểm thuộc một số tỉnh ở khu vực biên giới, chiến tranh vẫn còn tiếp diễn, đặc biệt ở mặt trận Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang, những trận đánh đẫm máu để giành giật từng điểm cao với những hy sinh vô cùng lớn vẫn chưa chấm dứt, mà phải đến tháng 9.1989 chiến tranh mới thật sự kết thúc.
Cho đến nay, đã 40 năm trôi qua, nhưng ký ức về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 vẫn hằn sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam bởi tính chất ác liệt của nó. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng không chỉ thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước mà cả trên thế giới.
Chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Đoàn H54 bộ đội địa phương tỉnh Hoàng Liên Sơn dũng cảm giữ chốt, tiêu diệt hàng trăm tên địch trong ngày 17.2.1979 (Ảnh: TTXVN) |
PGS.TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) khẳng định: Sau 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, từ trước đến nay, vì những lý do “nhạy cảm, tế nhị” khác nhau, cuộc chiến đấu này tuy không hoàn toàn bị quên lãng, nhưng rất ít khi được nhắc đến.
Năm nay là lần đầu tiên, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vừa tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc – 40 năm nhìn lại (1979-2019)”. Đây là dịp để các nhà khoa học cùng nhau đi sâu nghiên cứu, phân tích, lý giải bằng nhiều nguồn tư liệu mới, có độ tin cậy, với những nhận định đánh giá khách quan, khoa học để làm rõ về bối cảnh tình hình quốc tế; nguyên nhân, diễn biến, quy mô, tính chất, ý nghĩa, cũng như những hệ quả của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc một cách trung thực và toàn diện nhất.
Hội thảo cũng là dịp để đáp ứng nguyện vọng chính đáng qua bao nhiêu năm mong mỏi, chờ đợi để được nhìn lại một cách xứng đáng về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của nhân dân, nhất là của những gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, cựu chiến binh, những người đã từng tham gia vào cuộc chiến đấu kiên cường bất khuất để bảo vệ biên giới Tổ quốc trước sự xâm lược của quân Trung Quốc.
PGS.TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học |
Theo PGS.TS Đinh Quang Hải, nhắc đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, với quá nhiều hy sinh, đau thương, không phải là để khoét sâu thêm nỗi đau chiến tranh, mất mát, mà chính là để làm sáng rõ sự thật lịch sử về cuộc chiến tranh này.
Hàng chục năm qua, Trung Quốc luôn tuyên truyền cho người dân của họ cái gọi là “cuộc chiến phản kích tự vệ” và “dạy cho Việt Nam một bài học”. Song sự thực là gì? Quân Trung Quốc với một lực lượng đông đảo và vũ khí trang bị hơn Việt Nam gấp hàng chục lần, tiến hành bắn phá, tàn sát, cướp phá, xâm nhập qua biên giới vào sâu trong đất của Việt Nam từ 10-50 km thì phải khẳng định đó là cuộc chiến tranh xâm lược.
Đối với nhân dân Việt Nam cần khẳng định rõ ràng rằng, đó là cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, là cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc mà hàng nghìn năm qua các thế hệ ông cha đã đổ bao mồ hôi xương máu để bảo vệ giữ gìn.
Tuy nhiên, kế thừa truyền thống hòa hiếu của dân tộc, lấy đại cục làm trọng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã chủ trương và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1991. Từ đó đến nay, hai nước chủ trương gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, cùng nhau đẩy mạnh quan hệ hợp tác phát triển, nâng quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc lên tầm cao mới, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước.
Nhìn lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc cũng là dịp để chúng ta tri ân, tôn vinh những anh hùng liệt sĩ, những cá nhân và địa phương đã có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc.
Cầu Hồ Kiều ở thị xã Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai) bị địch dùng thuốc nổ phá sập khi rút lui cuối tháng 3.1979 (Ảnh: TTXVN) |
Từ đó đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp nhằm xoa dịu nỗi đau chiến tranh, giúp các địa phương các tỉnh biên giới phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân để “không ai bị bỏ lại phía sau. Qua đó giúp chúng ta củng cố thêm niềm tin vào sức mạnh dân tộc, sức mạnh của tính chính nghĩa, sẵn sàng chiến đấu và đánh bại bất cứ kẻ thù xâm lược nào dù có lực lượng đông đảo đến mấy và sức mạnh vượt trội đến bao nhiêu, kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Mở rộng nội dung về cuộc chiến tranh biên giới vào SGK mới là cần thiết
Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng để người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc là chúng ta sẽ đưa nội dung về cuộc chiến tranh này vào chương trình sách giáo khoa (SGK) phổ thông mới. Qua đó tăng cường tuyên truyền về những sự kiện lịch sử hết sức hào hùng của dân tộc cũng như giáo dục tinh thần yêu nước cho các bạn trẻ.
PGS.TS Đinh Quang Hải cũng mong rằng chương trình SGK phổ thông mới sẽ có một dung lượng đầy đủ để trình bày một cách khách quan, trung thực về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc.
PGS.TS Đinh Quang Hải cho rằng từ trước đến nay, do những lý do tế nhị “nhạy cảm” khác nhau, trong chương trình SGK phổ thông dành quá ít nội dung giảng dạy về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.
Trong chương trình SGK phổ thông hiện hành dành quá ít nội dung giảng dạy về chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 (ảnh minh họa) |
Trong SGK lịch sử lớp 12 Ban cơ bản chỉ dành 10 dòng nói về cuộc chiến đấu này nằm trong Bài 25 về “Việt Nam xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1976-1986), trong đó chỉ đề cập rất sơ sài về nguyên nhân, vài nét diễn biến và kết quả.
Trong sách giáo khoa lịch sử lớp 12 Ban nâng cao (mà cũng chỉ dùng cho các lớp chuyên sử của các trường chuyên, năng khiếu) cũng chỉ dành 13 dòng về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Như vậy, SGK cả bậc THCS lẫn THPT đề cập đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 ở mức rất hạn chế, không phản ánh đầy đủ về cuộc chiến đấu này, không giúp cho giáo viên và học sinh có được hiểu biết đầy đủ và toàn diện, đúng bản chất về sự kiện lịch sử quan trọng này.
Như vậy, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc năm 1979 đã không được trình bày đầy đủ, đúng với vị trí xứng đáng như các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc khác trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Viện Sử học cho rằng cần thiết phải đưa đầy đủ hơn kiến thức về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc trong chương trình SGK ở cả bậc THCS lẫn bậc THPT. Qua đó gúp cho giáo viên và học sinh nắm được nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm từ sự kiện lịch sử quan trọng này.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc, cũng như cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam cần phải đưa vào nội dung của chương trình giảng dạy chính chứ không nên đưa nội dung giảng dạy lịch sử địa phương ở tất cả các cấp học (Tiểu học, THCS và THPT) sao cho phù hợp với yêu cầu của mỗi cấp học.
Theo PGS.TS Đinh Quang Hải, việc đề cập chi tiết về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc không chỉ cần được đề cập đầy đủ, toàn diện, trung thực ở trong SGK phổ thông mới mà còn phải tuyên truyền rộng rãi cho toàn thể nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về giá trị của độc lập tự do và hòa bình.
Giá trị của từng tấc đất biên giới lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc có được như ngày hôm nay là do sự hy sinh, đổ biết bao xương máu của cha ông mới giữ gìn được và cũng để thế hệ trẻ sống có trách nhiệm với Tổ quốc, với quá khứ lịch sử hào hùng hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam.
Theo VOV