Thay vì dùng một lần dầu gội rồi đến dầu xả, bạn nên thử cách gội hai lần dầu gội để làm sạch kỹ hơn dầu nhờn, bụi bẩn đọng trên tóc và duy trì tần suất gội 2-3 lần mỗi tuần.
Bác sĩ da liễu Li Lingjia nhắc nhở rằng da đầu tiết nhiều dầu, tóc nhanh bết không chỉ là vấn đề vệ sinh hay thẩm mỹ mà còn có thể kéo theo bệnh da liễu nếu không sớm cải thiện. Trường hợp da đầu tiết nhiều dầu có thể kéo theo tắc nghẽn nang lông, gây mụn, tạo điều kiện cho các loại nấm, vi khuẩn phát triển, viêm da, rụng tóc... Để cải thiện tình trạng tóc nhanh bết, da đầu tiết nhiều dầu, chuyên gia khuyến khích thiết lập những thói quen đơn giản sau.
1. Không gội đầu hàng ngày
Gội đầu hàng ngày dễ gây kích ứng da đầu và phá hủy hệ vi sinh vật trên da đầu, khiến da đầu khô căng, buộc phải tiết nhiều dầu hơn để cân bằng. Nên gội đầu 2-3 ngày một lần, gội bằng nước mát, tránh để da đầu, tóc tiếp xúc với nhiệt độ cao.
2. Chọn dầu gội phù hợp đặc tính tóc
Tương tự như việc chăm sóc da mặt, nếu da đầu bạn thuộc nhóm tiết nhiều dầu hãy lựa chọn dầu gội dành riêng cho da dầu. Các sản phẩm chứa thành phần như rễ cây ngưu bàng có tác dụng kiểm soát dầu nhờn hiệu quả. Nếu da đầu có gàu, bạn có thể chọn sản phẩm chứa thành phần như artemisia annua và chất kháng khuẩn HP100, có tác dụng diệt khuẩn. Nếu bị mụn ở da đầu, hãy ưu tiên sản phẩm chứa thành phần hoa cúc, axit azelaic, axit glycyrrhetinic nhằm làm dịu, hỗ trợ làm sạch lỗ chân lông.
Khi gội đầu nên gội hai lần dầu gội để làm sạch tối đa. Lần một nhằm làm sạch bụi bẩn, dầu nhờn dính trên tóc. Lần hai tập trung vào làm sạch da đầu và massage khoảng ba phút giúp lưu thông máu, hỗ trợ da đầu, nang tóc khỏe mạnh hơn. Khi sấy tóc nên ưu tiên chức năng sấy mát, sấy khô phần chân tóc trước rồi mới đến phần ngọn.
3. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin B
Phức hợp vitamin B bao gồm B1, B2, B3, B5, B6, B7, B12 tham gia vào nhiều phản ứng sinh hóa của cơ thể con người, bao gồm chuyển hóa chất dinh dưỡng, thúc đẩy tổng hợp protein – nguyên liệu chính cấu tạo nên tóc. Bên cạnh đó vitamin B7 hay còn gọi là biotin là yếu tố then chốt trong việc chống lão hóa, ngăn ngừa tóc bạc và rụng tóc. Các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt và yến mạch, các loại hạt, sản phẩm từ đậu nành, sữa và các sản phẩm từ sữa, cá hồi, thịt nạc, nội tạng động vật, quả bơ, rau xanh đậm đều là những thực phẩm có thể giúp bổ sung phức hợp vitamin B.
4. Ngủ nghỉ điều độ
Cố gắng không thức khuya, không nhuộm và uốn tóc thường xuyên, uống nhiều nước và hình thành thói quen tập thể dục cũng góp phần không nhỏ cải thiện sức khỏe da đầu, mái tóc.