Người giàu và người nghèo có sự khác biệt rất lớn về tư duy tiêu tiền, quan niệm tiêu dùng nên người giàu hiếm khi sập bẫy của những nhà bán hàng.
Trong thời đại tiêu dùng bùng nổ, nhiều người bị thôi thúc và mua sắm những thứ không thực sự thiết yếu với nhu cầu của mình bởi chiêu tâm lý "hãy mua nó" mà các nhà marketing, bán hàng đã giăng sẵn.
Khi nghiên cứu về hành vi, thói quen tiêu dùng các chuyên gia phát hiện có bốn nhóm hàng hóa người giàu rất ít khi mua trong khi người nghèo lại rất hứng thú, thậm chí chấp nhận vay nợ để mua.
1. Hàng xa xỉ
Khi mua hàng xa xỉ, người ta thường có hai tâm lý. Đầu tiên là thể hiện danh tính trước mọi người. Nhiều người nghĩ người giàu chẳng ngại mua những thứ xa xỉ để thể hiện địa vị của mình. Nhưng đa số người giàu không ham mua sắm đồ xa xỉ bởi họ hiểu bản thân muốn gì. Trong khi người nghèo và một số người tự xưng là giàu bị choáng ngợp bởi những ham muốn.
Điều thứ hai khi mua hàng xa xỉ là họ đang ngụy trang cho mình. Một số người sợ bị người khác coi thường nên phải dùng đồ xa xỉ nhằm che đậy. Nhưng thực tế, cách làm này chỉ phơi bày mặc cảm bên trong họ.
Ảnh minh họa
2. Quần áo, giày dép, phụ kiện
Trong phim truyền hình, cuộc sống người giàu hiện lên với tràn ngập đồ đắt tiền từ quần áo, giày dép cùng những chiếc túi xách hàng trăm nghìn USD. Phòng chứa đồ của họ thậm chí còn lớn hơn phòng ngủ của nhiều người.
Nhưng đó chỉ là phim. Người giàu có thực sự không quan tâm quá nhiều đến cách ăn mặc như những gì phim ảnh miêu tả. Sở dĩ họ trở nên giàu có và sở hữu tài sản lớn là do tư duy khác biệt so với người bình thường.
Trong khi người thu nhập thấp dành nhiều thời gian chải chuốt, làm đẹp bản thân để tự tin hơn thì trong mắt người giàu, đây là hành vi tốn thời gian và sức lực. Steve Jobs, người đồng sáng lập Apple luôn chỉ mặc áo phông đen, quần jean và giày thể thao. Ông hầu như không mua các loại quần áo khác. Theo vị tỷ phú này, ông không muốn lãng phí thời gian vào những việc không liên quan như vậy.
Lý do về cách ăn mặc đơn giản của Steve Jobs còn là bởi ông muốn tạo ra phong cách có tính nhất quán tối ưu giữa thương hiệu cá nhân với thương hiệu đang điều hành. Khi mọi người nhớ tới Steve Jobs sẽ lập tức nhớ đến thương hiệu cá nhân và hình dung ra ông là người thế nào, tập đoàn đó ra sao.
Đây chính là điểm khác biệt trong tư duy của người giàu. Hầu hết người nghèo đều chú ý vẻ bề ngoài. Còn thứ mà người giàu thực sự quan tâm là một loại triết lý sống. Chính loại triết lý này đã khiến họ có được thành tựu như hiện tại.
3. Hàng giảm giá
Thế kỷ 21 là thời đại mà thương mại điện tử phát triển mạnh, ai cũng có thể tham gia bán hàng, từ người nổi tiếng cho đến những người vô danh. Kết quả là việc bán hàng tràn lan sẽ khuyến khích mọi người mua sắm khắp mọi nơi.
Vì sao thương mại điện tử có thể chiếm vị trí thống lĩnh trong xã hội ngày nay? Ngoài dịch vụ hậu mãi và sự tiện lợi, còn có giá thấp. Những đợt khuyến mãi, những món quà tặng kèm hấp dẫn khi mua hàng vô hình chung khiến nhiều người bị thôi miên và không ngừng mua sắm, dù có nhiều thứ chẳng bao giờ dùng tới.
Người thu nhập thấp thường bị thu hút bởi những chiêu khuyến mãi bởi suy nghĩ sẽ được miễn phí một số thứ khác. Tuy nhiên người giàu lại không quan tâm đến khoản tiền ít ỏi như vậy. Đối với họ, thời gian và năng lượng vô cùng quý giá, thà dành thời gian để làm những việc khác có ý nghĩa hơn là xem livestream mua sắm hoặc lướt các sàn thương mại điện tử.
Còn một số người nghèo suốt ngày chìm đắm trong việc mua sắm online sẽ khiến họ ngày càng nghèo đi, khoảng cách với những người giàu cũng ngày càng lớn.
4. Sản phẩm điện tử
Bạn đã từng chứng kiến khi Apple ra mẫu di động mới nhất, rất nhiều người trẻ bỏ làm bỏ học để xếp hàng chờ mua. Thậm chí, có người còn bán thận để có được chiếc điện thoại mới.
Vì sao sản phẩm điện tử lại có sức hút với người thu nhập thấp như vậy? Nguyên do là khi được sở hữu, nó mang lại cảm giác hài lòng chưa từng có. Nhiều người nghèo tin rằng chỉ cần có được sản phẩm điện tử mới nhất, chất lượng sống sẽ được cải thiện. Với họ, đồ điện tử còn là biểu trưng cho mức sống của bản thân.
Trong khi đó, người giàu luôn hiểu rằng, sản phẩm điện tử chỉ là đồ dùng tiện ích, là một trong những mặt hàng thay đổi nhanh nhất thế giới. Sự đột phá giữa sản phẩm cũ và sản phẩm mới không lớn như nhiều người vẫn tưởng. Bởi vậy họ không đam mê và thường mua ít hơn người nghèo.
Các nhà tâm lý học cho rằng, sự khác biệt cơ bản nhất giữa người giàu và người nghèo nằm ở sự khác biệt trong suy nghĩ. Nếu áp dụng tư duy của người giàu để giải quyết mọi vấn đề, cuộc sống sẽ cải thiện đáng kể.
Theo VnExpress